Như Thanh Niên thông tin, tính từ ngày 31.5 đến nay, TP.HCM đã qua 56 ngày giãn cách theo các cấp độ khác nhau, Chỉ thị 15 (từ 31.5), Chỉ thị 10 của UBND TP.HCM (từ 19.6) và Chỉ thị 16 từ 9.7. Hiện TP.HCM tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 với các biện pháp tăng cường, siết chặt, nâng cao hơn trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn có những diễn biến rất phức tạp.
Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi đánh giá bên cạnh nguyên nhân khách quan là chủng vi rút Delta chuyển biến nhanh và khó lường, còn có nguyên nhân chủ quan là nhiều địa bàn, địa phương chưa thực hiện nghiêm, chưa thực hiện tốt các biện pháp chống dịch.
Sự chủ quan này đến từ cả 2 phía gồm lực lượng chức năng và người dân. Trong những ngày tới, TP.HCM sẽ tăng cường công an, quân đội, lực lượng phòng chống dịch tại cơ sở tuần tra, kiểm soát để từng địa bàn kiểm soát nghiêm, với tinh thần “nhà nào ở nhà đó”, hạn chế tối thiểu ra đường. Khi việc di chuyển bị hạn chế, TP.HCM sẽ tăng cường cung ứng hàng hóa, hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế, xử lý tốt hơn các tình huống y tế, khẩn cấp khác mà người dân có nhu cầu trong thời gian giãn cách.
Nên đưa ra danh mục và mức phạt rõ ràng
Đa số bạn đọc (BĐ) Thanh Niên ủng hộ TP áp dụng các biện pháp cứng rắn để nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh, trong đó có việc thắt chặt di chuyển, phạt nghiêm việc “ra đường không chính đáng”... Theo thống kê trong 15 ngày thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, 12 chốt, trạm cấp TP đã lập biên bản xử phạt vi phạm các quy định về phòng chống dịch bệnh đối với 4.911 trường hợp, tổng số tiền hơn 10,4 tỉ đồng. “Ủng hộ TP.HCM nên làm nghiêm. Tình hình căng quá rồi. Nhà nước hết lòng lo cho dân, người dân cũng nên tự ý thức đừng đi ra đường khi không thực sự cần thiết”, BĐ Thanh Hà ý kiến.
BĐ Minh Nguyễn cho rằng: “TP.HCM cần rà soát ở các chốt để lấy mẫu test nhanh những người đi đường, đồng thời cần phải quyết liệt, xử lý nghiêm hơn trong giãn cách giữa nhà với nhà, tránh tình trạng người ở nhà này sang nhà khác trong lúc cách ly theo Chỉ thị 16”.
Ủng hộ TP làm nghiêm, tuy nhiên để tránh xảy ra những lùm xùm không đáng có như thời gian vừa qua, BĐ N.Phong đề nghị nên đưa ra “danh mục và mức phạt” rõ ràng như TP.Hà Nội vừa công bố, chứ đừng nói chung chung rất khó xử lý. Cùng quan điểm, BĐ Minh Huỳnh viết: “Có danh mục và mức phạt rõ ràng thì việc thực thi trong thực tế sẽ dễ cho người dân và cả những người thi hành công vụ. Vấn đề còn lại là chính quyền phải tìm cách phổ biến sâu rộng danh mục này cho người dân nhằm tránh tình trạng đôi co, đổ thừa không biết quy định”.
Đừng để chặt ngoài lỏng trong
Một vấn đề còn tồn tại trong thực tế khiến cho công tác phòng chống dịch chưa đạt được hiệu quả cao cũng được bạn đọc chỉ ra. Cụ thể, theo độc giả B.Đ, hằng ngày số ca dương tính được công bố tăng chủ yếu trong các khu phong tỏa, khu tập trung cách ly. “Thực tế, trong các khu phong tỏa người thiếu ý thức vẫn đi lại tiếp xúc, tụ tập trò chuyện, ăn nhậu... thì khả năng lây lan dịch bệnh khó mà chặn đứng được. Đừng để làm chặt bên ngoài nhưng bên trong thì lỏng lẻo”, độc giả B.Đ lưu ý. Còn BĐ M.C.R đề xuất: “Dịch bệnh nhưng nhiều người cứ túm tụm lại tám chuyện. Chính quyền nên chia nhỏ lực lượng thường xuyên đi xe máy khắp các ngõ xóm nhắc nhở, ghi hình, tái phạm sẽ xử lý nghiêm...”.
“Bây giờ đa số người dân có điện thoại hiện đại rồi, nên kêu gọi họ chụp hình hay quay phim những hành vi thiếu ý thức trong phòng chống dịch rồi gửi cho cơ quan chức năng địa phương để xử lý. Đó là nhiệm vụ chung của toàn dân trong phong trào chống dịch mà, làm như vậy mới chống được sự lây lan của Covid-19”, BĐ Nguyễn Trương viết.
Đề nghị lực lượng chức năng ở cơ sở kiểm tra đột xuất những khu dân cư, xóm, hẻm, nhà trọ... Không được ra ngoài đường thì một số người lại tụ tập phớt lờ việc đeo khẩu trang và giãn cách.
Tấn Thanh
Tốt nhất là làm triệt để trong 14 ngày, lương thực và nhu yếu phẩm để tổ dân phố phân phối từng nhà, có như vậy mới dứt điểm được sự lây lan của dịch bệnh.
Viet Hoang
|
Bình luận (0)