Khi voọc “lộng hành”
Đầu tháng 8.2020, tại vùng rừng núi tự nhiên thuộc địa bàn bản Cha Ly và Sê Pu (xã Hướng Lập, H.Hướng Hóa, Quảng Trị) bất ngờ xuất hiện đàn voọc gáy trắng (hay còn gọi là voọc Hà Tĩnh), trọng lượng khoảng 6 - 8 kg/con. Chúng thường xuyên xuống đường rượt đuổi, tấn công người. Tính đến hôm qua 4.10, danh sách “nạn nhân” đã ghi nhận ít nhất 9 người, trong đó có người phải khâu nhiều mũi.
Theo người dân địa phương, đàn voọc có 4 con, nhưng chỉ có 1 con đực với chiếc đuôi dài là thực sự “manh động” và thường xuyên lao xuống tấn công người đi đường. Trước sự việc “chưa có tiền lệ” này, UBND xã Hướng Lập đã phải “kêu cứu” UBND H.Hướng Hóa và ngành chức năng từ giữa tháng 8. Để hạn chế những cuộc “xuống đường” của voọc, lực lượng kiểm lâm treo biển thông báo, cắt cử nhân viên túc trực ở khu vực này. Theo lực lượng kiểm lâm, voọc thường tấn công những người đi xe có tiếng máy nổ lớn, khi tấn công chúng nhắm vào tay và chân nạn nhân...
Ông Lê Quang Thuận, Phó chủ tịch UBND H.Hướng Hóa, cho biết đã ký văn bản giao Hạt kiểm lâm huyện chủ trì, phối hợp Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, Đồn biên phòng Hướng Lập và UBND xã Hướng Lập phối hợp xua đuổi voọc gáy trắng quay lại rừng sâu, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân trên địa bàn. Địa phương cũng tuyên truyền, vận động người dân không được săn bắt loài động vật quý hiếm này.
|
Quây lưới ngăn voọc “xuống núi”
Việc “đối phó” với đàn voọc hiện nay đang làm đau đầu cơ quan chức năng. Đặc biệt là từ sau tháng 9.2020, khi các em học sinh trở lại trường và phải đi qua khu vực có đàn voọc.
Nhiều phương án được đưa ra nhưng chưa có phương án nào thực sự có hiệu quả. Đầu tiên, UBND xã Hướng Lập đã đề xuất 2 phương án là “bắn súng chỉ thiên” và “thuê chuyên gia bắn thuốc mê bắt để thả lại vào trong rừng sâu, xa khu vực dân cư sinh sống”. Tuy nhiên, cả 2 phương án đều lập tức bị lực lượng kiểm lâm bác bỏ vì khó khả thi.
Tiếp đó, sau cuộc họp liên ngành, Sở NN-PTNT Quảng Trị đề xuất sử dụng chó nghiệp vụ biên phòng để “đối phó” với voọc, vì tin rằng tiếng chó sủa sẽ làm voọc hoảng sợ. Tuy nhiên, đề xuất này không được cấp có thẩm quyền đồng ý. Lý do, theo đại tá Lê Văn Phương, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng Quảng Trị, nếu đeo rọ mõm thì chó chiến đấu không thể... sủa được, nên hiệu quả xua đuổi không cao. Mặt khác, theo phản xạ, voọc có thể tấn công lại, gây nguy hiểm đến tính mạng của chó. Trong khi đó, việc tháo rọ mõm khiến chó nghiệp vụ khi phát hiện mục tiêu có thể tấn công voọc gây nguy hiểm cho loại động vật này...
Chính vì thế, Sở NN-PTNT Quảng Trị đã phải có thêm phương án 2, giao Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa khảo sát khu vực 800 m, nơi đàn voọc hay xuống đường, để rào lưới. Ngày 2 và 3.10, đoạn lưới dài 800 m được rào, các cọc tre dài 5 - 6 m được cắm cách nhau 2 - 3 m; sử dụng lưới dây cước, mắt nhỏ, khổ rộng 3 m, gồm 2 lớp (để có độ cao 6 m). Đoạn lưới này quây khoảnh rừng bên trong núi đá vôi rộng 10 ha, nơi sinh sống của đàn voọc.
Ông Thái Văn Trình (cán bộ Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa) cho hay việc căng lưới nhằm chặn voọc tấn công người bất ngờ, có thể làm giảm nhịp tấn công của voọc, để dân qua đường có thể phòng thủ kịp. Tuy nhiên, xem ra “giải pháp rào lưới” này cũng chỉ là tình thế.
Ông Bùi Quang Duẩn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm H.Hướng Hóa, cho biết voọc Hà Tĩnh, hay còn gọi voọc đen Hà Tĩnh, voọc gáy trắng (tên khoa học Trachypithecus hatinhensis) được tìm thấy trong các khu rừng núi đá vôi thuộc tỉnh Quảng Bình. Chúng sống theo đàn từ 2 - 15 con, cá biệt có đàn 30 con, thuộc nhóm IB động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, nằm trong Sách đỏ Việt Nam.
Cũng theo ông Duẩn, mùa này là mùa động dục của loài voọc gáy trắng nên chúng khá hung dữ, nếu bị xua đuổi mạnh sẽ quay lại tấn công người.
|
Bình luận (0)