Đầu tư mạnh hơn nữa cho giao thông ĐBSCL

20/01/2021 05:25 GMT+7

Bạn đọc Báo Thanh Niên cho rằng phải đầu tư mạnh hơn cho hạ tầng giao thông của khu vực ĐBSCL. Khi đường sá thông thoáng sẽ giúp miền Tây thu hút nhiều nhà đầu tư hơn, cuộc sống người dân sẽ được cải thiện...

Thông tin dự án đường sắt 10 tỉ USD nối TP.HCM - Cần Thơ khởi động khiến nhiều người vui mừng, đồng thời hy vọng qua đó sẽ góp phần giúp các tỉnh khu vực ĐBSCL thêm động lực "cất cánh". Như Thanh Niên thông tin, Bộ GTVT vừa quyết định giao nhiệm vụ cho Ban Quản lý dự án đường sắt tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu của dự án nhằm tăng cường loại hình vận tải bằng đường sắt để kết nối TP.HCM với các tỉnh khu vực ĐBSCL.
Theo quyết định của Bộ GTVT ngày 27.8.2013 phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, tổng chiều dài toàn tuyến là 173,677 km với 14 ga, bắt đầu từ ga lập tàu An Bình (Bình Dương) đến Cần Thơ, đi theo hướng tuyến dài nhằm tiếp cận các đô thị, thị xã hiện hữu của TP.HCM và 4 tỉnh miền Tây. Tổng vốn đầu tư xây dựng khoảng 10 tỉ USD.
Tuyến được thiết kế đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, là khổ hiện đại dành cho đường sắt cao tốcphổ biến trên thế giới, tốc độ dưới 200 km/giờ cho tàu hàng và trên 200 km/giờ cho tàu khách.
Dự án sau khi được thực hiện sẽ kết nối trung tâm kinh tế trọng điểm phía nam với thủ phủ của khu vực ĐBSCL, rút ngắn thời gian di chuyển xuống còn 45 phút. Tuy nhiên, sau nhiều lần họp bàn, đại diện 5 tỉnh thành liên quan đã thống nhất với phương án đơn vị nghiên cứu đề xuất (Viện Khoa học - Công nghệ Phương Nam) là rút ngắn tuyến còn 139,7 km với 9 ga, chạy song hành với đường bộ cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận, hướng ngoại vi các đô thị hiện hữu…

Chờ dự án thành hiện thực

Phản hồi về thông tin trên, nhiều bạn đọc (BĐ) Thanh Niên bày tỏ sự vui mừng và hy vọng dự án sớm trở thành hiện thực. “Hay quá, xin hoan nghênh và chúc dự án sớm thành hiện thực. Rất mong!”, BĐ Hoài Thương ý kiến. Tương tự, BĐ Khanh Nien cho rằng: “Đây là dự án bao người dân miền Tây và TP.HCM ao ước”.
Còn BĐ Nhạc nhận định: “Dự án này rất cần thiết và chắc chắn góp phần không nhỏ vào sự phát triển của miền Tây ở những nơi nó đi qua”.

Nếu có đường sắt chạy song song với cao tốc thì giảm tải trên đường bộ rất nhiều.    

Chóe

Cũng có ý kiến băn khoăn, đặt vấn đề “có cần thiết xây dựng tuyến đường sắt như vậy hay không”. “Có khả thi không, trong khi miền Tây đất mềm lún, sông rạch nhiều”, BĐ Tịnh góp ý. Hay như BĐ Nguyen Dong viết: “Có thật cần thiết không khi chúng ta đang làm cao tốc đi các tỉnh miền Tây? Cần tính toán khối lượng hàng hóa lưu thông để tránh lãng phí”.
Tuy nhiên, theo BĐ Ba Hoang, nhu cầu cấp bách phải phát triển tuyến đường này. “Trong thời gian dài chúng ta chưa quan tâm đúng mức cho loại hình giao thông này, gây lãng phí nghiêm trọng tiềm năng vốn có của nó. Hơn nữa, so với khu vực và thế giới, đường sắt chúng ta quá lạc hậu cần phải tập trung giải quyết sớm để đáp ứng yêu cầu đi lại của dân và vận chuyển hàng hóa”, BĐ Ba Hoang viết.

Giao thông phát triển sẽ thúc đẩy kinh tế đi lên

Theo ông Hà Ngọc Trường, Trưởng bộ môn đường sắt metro, Trường ĐH GTVT TP.HCM, đồng thời là chủ nhiệm đề án tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ, hiện có 2 nhà đầu tư đến từ Mỹ và Anh quan tâm đến dự án. Họ đánh giá hiệu quả đầu tư tuyến đường (sau khi thay đổi hướng tuyến) sẽ rất cao, bởi nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa từ miền Tây Nam bộ lên TP.HCM rất lớn và còn tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các địa phương hoàn toàn có thể khai thác quỹ đất ở các ga để huy động nguồn vốn phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

Tôi rất mong chờ tuyến đường sắt này sớm thành hiện thực.    

Trinh Tuan

Là người ủng hộ dự án đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ cũng như các dự án phát triển hạ tầng giao thông khác cho ĐBSCL, BĐ Thanh Ngô phân tích thêm: “Là một trong bốn vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, tuy nhiên hiện nay hạ tầng giao thông của ĐBSCL chưa phát triển tương xứng cả đường bộ, đường sắt... Hạ tầng giao thông được đầu tư tốt mới kéo các nhà đầu tư “đổ bộ” sau đó. Vì vậy cần đầu tư nhiều hơn nữa cho giao thông của ĐBSCL để thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân”.
Đồng quan điểm, BĐ Liêm viết: “Phải đầu tư mạnh hơn cho hạ tầng giao thông của khu vực ĐBSCL. Khi đường sá thông thoáng sẽ giúp miền Tây thu hút nhiều nhà đầu tư hơn. Cuộc sống người dân sẽ được cải thiện”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.