Đầu tư nhà cao tầng: Thành phố biển 'rụt rè'

17/09/2019 21:02 GMT+7

TP.Đà Nẵng từng đề ra nhiều cơ chế khuyến khích đầu tư nhà cao tầng (NCT), nhưng kết quả chưa như mong đợi.

Tọa đàm “Kiến trúc cao tầng ven biển” do Hội Kiến trúc sư (KTS) Đà Nẵng vừa chủ trì đã gợi mở một số hướng đi mới...

Cơ hội nhưng lúng túng

Đánh giá vấn đề quy hoạch kiến trúc ven biển miền Trung, KTS Phan Đức Hải (Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng) nhìn nhận địa bàn Đà Nẵng cũng đang gặp nhiều vấn đề về đô thị ven biển.
KTS Phan Đức Hải (Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng) đánh giá, với 2 mặt tiếp xúc biển và chiều dài bờ biển 74km ôm trọn, TP.Đà Nẵng có điều kiện xây dựng các không gian kiến trúc cảnh quan đậm sắc thái biển. Hiện TP quy hoạch kiến trúc cảnh quan ven biển theo chức năng công trình gồm công trình công cộng, khu nghỉ dưỡng, sân golf, văn phòng, căn hộ, khách sạn kết hợp thương mại dịch vụ, công trình quốc phòng..
“NCT ven biển là yếu tố quan trọng tạo nên không gian cảnh quan đô thị biển Đà Nẵng, đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng và tạo động lực phát triển du lịch. Tuy nhiên, NCT cũng ngăn cản gió, nắng và tầm nhìn ra biển của khu vực bên trong, nếu mật độ cao tác động cảnh quan và hạ tầng”, KTS Phan Đức Hải nói.
PGS-TS, KTS Phạm Thúy Loan, Phó viện trưởng Viện kiến trúc quốc gia (Bộ Xây dựng), cũng cho rằng NCT là xu hướng phổ biến, không thể cưỡng lại nhưng lại trở thành vấn đề đang nóng nhiều tỉnh, thành; riêng Đà Nẵng còn nhạy cảm hơn.“Đang có cảm giác Đà Nẵng dừng NCT lại vì nhiều vấn đề quá. Tuy nhiên, đây là cơ hội và xu hướng tất yếu của Đà Nẵng. TP lúng túng đón nhận vì chưa có cách làm chuẩn”, KTS Phạm Thúy Loan nói.

Khu vực trung tâm đang tạm dừng phát triển nhà cao tầng xây chen, ghép

KTS Nguyễn Luận chia sẻ quan điểm, nếu dải đất ven biển là nhà thấp tầng thì nhà đầu tư không mặn mà vì ngược với quy luật giá trị đất đô thị. Muốn có điểm nhìn cao từ bên trong đô thị, phải có nhà đầu tư chấp nhận xây NCT trên giá trị đất thấp, điều này chỉ khả thi với vốn Nhà nước. Nhưng vốn ở đâu? KTS đến từ Hà Nội này cũng giả thiết, nếu quy hoạch NCT ở trung tâm thấp dần ra biển, thì view (góc nhìn) biển chỉ phục vụ rất ít người dân đô thị, trong khi phần lớn thị dân không đủ điều kiện sở hữu điểm cao ở trung tâm để nhìn ra biển, còn du khách luôn muốn ở gần biển và thật sự cần “view” này. “Luận điểm view từ trung tâm ra biển là cần, nhưng không phải là chính để định hướng, tạo khung quy hoạch cho các dải đất ven biển. NCT ven biển có thể xây dựng nhưng cần tạo khoảng trống và lượng hóa cụ thể % khoảng trống giữa các tòa nhà”, ông nói.

“Cần mạnh dạn”

Theo KTS Nguyễn Luận, giá trị thẩm mỹ đô thị ven biển được đánh giá ở cảnh quan ven biển chứ không phải bằng view từ trung tâm ra biển. Đồng thời, cả 2 trường hợp xây dựng ở ven biển (chỉ có nhà thấp tầng, được quy hoạch hợp lý; nhiều NCT nhưng không tạo thành bức tường liên tục) có giá trị thẩm mỹ ngang nhau, cần kết hợp hợp lý.
KTS Nguyễn Thế Phương, Tổng giám đốc Công ty TNHH Liên minh thiết kế quốc tế Finko, đánh giá hầu hết đô thị cảng biển thế giới đều hướng biển, khai thác hết tiềm năng quỹ đất ven biển. Đô thị biển VN thì ngược lại, từ lâu có nếp nghĩ càng gần biển, gần sông thì công trình càng thấp. “Người Pháp, người Mỹ ưa mạo hiểm và khám phá đã “đẩy” Hà Nội, Sài Gòn sát mép nước, đặt trung tâm Hải Phòng, Đà Nẵng gần biển. Nhưng sau này, VN không tạo ra được đô thị biển nào hấp dẫn, đánh mất cơ hội kinh tế và tiềm năng du lịch”, KTS đến từ Berlin (Đức) nói. Ông cũng cho rằng, người Pháp từng quy hoạch Đà Nẵng nằm ngay biển, nhưng sau này phát triển về hướng nam, lùi dần vào đất liền, trở thành “một thành phố biển rụt rè”, trái ngược với tính cách khoáng đạt, mạnh mẽ của người dân vùng biển.
KTS Nguyễn Thế Phương dẫn chứng nhiều TP không có bãi biển đẹp nhưng lại là trung tâm thế giới (New York), trung tâm tài chính châu Á (Hong Kong, Singapore, Dubai), trung tâm kinh tế (Thẩm Quyến)… Ấy là do những TP này tìm được hướng đi đúng với NCT cùng các khu công cộng và giải pháp kiến trúc. Từ chiến lược phát triển đô thị dựa trên dự án, công trình đặc biệt, các TP đó dựng lên loạt NCT làm trung tâm thương mại, tài chính, vận tải, hàng hải, căn hộ... để tối đa hóa không gian, dành quỹ đất tiện ích khác. Các trung tâm này chiếm vị trí đắc địa thay vì lùi vào đất liền, tạo nên chuỗi dịch vụ mua sắm, ẩm thực, vui chơi giải trí... kéo theo phát triển du lịch.
Gợi ý Đà Nẵng “cần mạnh dạn tiến lên”, không thể để du khách đến tắm biển rồi về, KTS Nguyễn Thế Phương cho rằng phải phát triển cơ sở hạ tầng, NCT và tăng hiệu quả sử dụng đất, thậm chí nghiên cứu lấn biển môt cách khoa học. “Phát triển bền vững không phải là không làm gì cả, không phải giữ biển hay làm ít thôi để giữ gìn. Mà phát triển nó lên để tận dụng tài nguyên một cách hợp lý”, KTS Nguyễn Thế Phương nói. (còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.