Đẩy đưa câu chữ ra tòa...

04/08/2019 10:55 GMT+7

Chỉ vì câu chữ trong hợp đồng chuyển nhượng đất được cho là “có thể hiểu theo nhiều cách” dẫn đến vụ kiện kéo dài gần 5 năm, hai vợ chồng cụ già gần 80 tuổi phải lên xuống tòa nhiều lần.

Theo đơn khởi kiện của nguyên đơn là một công ty tại Q.12 (TP.HCM), năm 1999 công ty chuyển nhượng (hợp đồng viết tay) cho vợ chồng cụ Nguyễn Minh Hai (năm nay 78 tuổi) và Nguyễn Thị Ngọc Châu (73 tuổi) lô đất 110 m2 tại xã Tân Xuân, H.Hóc Môn (TP.HCM). Giá chuyển nhượng hơn 150 triệu đồng. Việc thanh toán được chia làm 3 đợt: đợt 1 giao hơn 93 triệu đồng; đợt 2 giao 31,8 triệu đồng; đợt 3 trả 25.715.400 đồng sau khi giao giấy tờ về quyền sử dụng đất. Cụ Châu đã thanh toán 2 lần tiền hơn 124,8 triệu đồng.
Đến năm 2002, công ty được UBND TP.HCM cấp sổ đỏ khu đất chuyển nhượng cho cụ Châu. Sau đó, công ty liên hệ để các bên thực hiện nghĩa vụ còn lại nhưng gia đình cụ Châu cố tình không thực hiện, kéo dài, dẫn đến công ty khởi kiện vào năm 2015 yêu cầu bên nhận chuyển nhượng phải thanh toán số tiền còn lại, tương ứng quy ra diện tích đất 25,79 m2 với giá trị thực tế hiện nay là hơn 1,9 tỉ đồng.

Câu chữ có thể hiểu nhiều nghĩa ?

Tháng 3.2019, TAND H.Hóc Môn xử phiên sơ thẩm. Theo HĐXX, nội dung hợp đồng ghi còn lại 25.715.400 đồng sau khi giao giấy tờ là thỏa thuận chung chung, không cụ thể nên làm cho các bên hiểu theo nhiều cách, dẫn đến không thực hiện được. Phía cụ Châu thì cho rằng công ty chưa làm thủ tục sang tên nên chưa giao hết tiền, còn công ty lại cho rằng gia đình cụ Châu chưa giao tiền nên chưa làm thủ tục sang tên. Từ đó, HĐXX xét thấy cần chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và chấp nhận một phần yêu cầu của bị đơn, tuyên các bên tiếp tục thực hiện hợp đồng nhưng vợ chồng cụ Châu phải thanh toán số tiền còn lại cho công ty theo giá trị đất hiện nay là gần 1,4 tỉ đồng; phía công ty phải giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tiến hành thủ tục sang tên cho hai cụ đối với lô đất đã chuyển nhượng.
Không đồng ý với bản án sơ thẩm, gia đình cụ Châu kháng cáo, cho rằng chỉ chấp nhận thanh toán số tiền hơn 3 triệu đồng chưa trả. Lý do, hợp đồng ghi rõ còn lại 25.715.400 đồng sau khi giao giấy tờ nhưng công ty chưa giao giấy tờ nên gia đình cụ không thanh toán chứ không phải cố tình không thực hiện...

Rắc rối từ người môi giới

Vì sao gia đình cụ Châu chỉ đồng ý thanh toán hơn 3 triệu đồng, trong khi số tiền còn lại hơn 25 triệu đồng? Tại phiên tòa phúc thẩm hôm 2.8, cụ Châu nêu: “Tôi đi trả tiền mua đất mà như đi xin đất của họ vậy. Trước khi ký hợp đồng với công ty, ông T.M.C có ký biên nhận nhận cọc của tôi và 22 triệu đồng tiền thuế. Nhưng sau này tôi biết tiền thuế do công ty phải chịu nên tôi đã yêu cầu trừ vào 22 triệu đồng tiền thuế này nên tôi chỉ còn thiếu hơn 3 triệu đồng. Nhiều lần tôi yêu cầu nhận sổ để được thanh toán nhưng công ty nhất quyết không chịu”.
Đại diện ủy quyền cho công ty khẳng định ông T.M.C không liên quan gì đến công ty và công ty cũng không ủy quyền cho ông này nhận 22 triệu đồng tiền thuế từ bà Châu nên không chịu trách nhiệm với số tiền này. HĐXX đặt vấn đề: “Ông C. không liên quan đến công ty sao lại nhận cọc và thuế về lô đất mà công ty bán cho cụ Châu?” thì đại diện nguyên đơn cho biết ông C. là người môi giới ở ngoài, không phải nhân viên công ty (?!). Liên quan đến tình tiết này, ông C. có lời khai khẳng định có viết giấy biên nhận 22 triệu đồng của cụ Châu nhưng không nhận tiền mà chỉ để chứng tỏ có giao dịch chuyển nhượng đất (?). Căn cứ lời khai này, HĐXX sơ thẩm cho rằng không có chứng cứ thể hiện 22 triệu đồng công ty đã nhận nên tuyên án như trên.
Về câu chữ thanh toán trong hợp đồng ghi đợt 3 trả “25.715.400 đồng sau khi giao giấy tờ chủ quyền đất”, khi được HĐXX phúc thẩm đề nghị nguyên đơn giải thích, đại diện công ty vẫn cho rằng cụ Châu phải thanh toán đủ công ty mới giao sổ!
Nghe HĐXX phúc thẩm tuyên tạm dừng phiên tòa chờ bổ sung chứng cứ, hai cụ già lại lụi cụi dắt nhau ra bắt xe buýt trở về Hóc Môn, chờ ngày tòa mở lại.

Thân già mệt mỏi... giữ nhà

Tính cả lần này, cụ Châu và cụ Hai bảo đã đi lên đi xuống không dưới vài chục lần để giải quyết vụ án. Cụ Châu chậm rãi tâm sự: “Lúc mua đất, tôi đòi trả một lần cho xong nhưng công ty nói chưa có sổ, rồi hẹn thanh toán đợt cuối sau khi họ làm được sổ. Khi chờ lâu quá, tôi cứ đi lên đi xuống đòi hoài, họ lại nói tôi phải giao đủ tiền mới có sổ. Nhùng nhằng miết rồi giờ họ đòi gần 2 tỉ đồng. Nói với cô, chẳng lẽ 3 triệu đồng tôi không có để trả. Nhưng tôi muốn thấy sổ đỏ sang tên tôi thì tôi mới trả mà họ có giao cho tôi đâu”.
Ở thời điểm hiện nay, căn nhà của cụ được định giá hơn 8 tỉ đồng theo giá thị trường, nhưng đó là số tiền trên giấy tờ. Từ năm 1999 đến nay, căn nhà ấy là tài sản ki cóp cả đời của hai vợ chồng cụ và là mái nhà duy nhất cho cả 3 thế hệ nhà cụ chung sống.
“Tôi có trả tiền cho công ty hay không, tôi trả bao nhiêu tôi biết sẽ do tòa phán quyết. Cả đời vợ chồng tôi tần tảo, cặm cụi để có mảnh đất, căn nhà ấy. Nếu phải trả đến con số tỉ đồng chúng tôi chỉ còn cách bán nhà đi. Thân già chúng tôi cũng mệt mỏi lắm rồi. Nhưng tôi ức lắm. Giấy tờ nhà họ không giao nhưng cứ đòi tôi phải thanh toán đủ. Từ ngày tôi mua đất, xây nhà và nhiều lần đòi được thanh toán đủ, tôi còn chưa thấy tờ sổ đỏ, giấy chủ quyền mảnh đất của tôi như thế nào”, cụ Châu ngậm ngùi.
Nguyên thẩm phán TAND tối cao Trương Thị Minh Thơ phân tích: Khi giải quyết các tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng thì cần dựa vào nội dung được thể hiện trong hợp đồng. “Hợp đồng giữa cụ Châu và công ty thỏa thuận rất rõ, còn lại hơn 25 triệu đồng thanh toán sau khi giao giấy tờ. Vì vậy, yêu cầu của cụ Châu về việc được giao giấy tờ đất mới thanh toán là không sai. Còn nguyên nhân kéo dài việc chuyển nhượng đến nay, khi xét xử tòa cần xác định lỗi kéo dài là do ai và buộc bên có lỗi phải chịu trách nhiệm. Như cách xác định của cấp sơ thẩm là do thỏa thuận chung chung, hai bên có cách hiểu khác nhau dẫn đến nghĩa vụ các bên chưa thực hiện được. Nhưng tòa sơ thẩm lại buộc bị đơn phải chịu toàn bộ trách nhiệm về việc hợp đồng không rõ là không phù hợp, bởi hợp đồng là thỏa thuận giữa các bên”, bà Thơ đánh giá.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.