ĐBSCL dự báo lũ 'đẹp'

02/08/2018 08:36 GMT+7

Thông tin nước từ sự cố vỡ đập ở Lào cộng với lũ đến sớm khiến nhiều nơi ở ĐBSCL bị thiệt hại lớn, theo các chuyên gia và chính quyền địa phương là chưa chính xác.

Những ngày qua, mực nước vùng đầu nguồn ĐBSCL trên sông Tiền, sông Hậu lên nhanh nhưng vẫn thấp hơn so cùng kỳ.
Thiệt hại không đáng kể
Ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang, xác nhận: Do tác động của phía thượng nguồn làm nước lên nhanh hơn bình thường trong những ngày gần đây nhưng mực nước thực tế thấp hơn cùng kỳ và báo động 1 nên không thể nói là lũ sớm. Nếu so với lịch âm thì mực nước hiện tại cao hơn so với cùng kỳ nên có người nhận định lũ sớm. Xét theo lịch âm, lũ sớm hơn khoảng 8 - 10 ngày. Sở dĩ có sự chênh lệch này vì năm trước nhuận nên ngày âm lịch năm nay bị đẩy lùi xa hơn so với ngày dương lịch.
Tuy nhiên ông Thư cũng thừa nhận, nước dâng cao bất thường ở một số diện tích lúa và ở khu vực ngoài đê giáp với Campuchia bị ảnh hưởng. Có 5.000 ha phải dùng máy bơm thoát nước làm phát sinh thêm chi phí sản xuất, khoảng 2.000 ha bị thiệt hại năng suất 30% và 46 ha mất trắng. Ở khu vực này địa hình phức tạp, bãi bồi cao thấp khác nhau. Vì vậy mọi năm, tùy địa hình mà tỉnh cho làm hai vụ lúa hoặc một vụ lúa một vụ màu để chắc ăn. Tuy nhiên năm nay do lúa được giá, nhiều bà con làm liều. Ở một số nơi làm vụ 3, hiện lúa chưa kịp chín nên bị ảnh hưởng. "Sáng 1.8, chúng tôi đi kiểm tra chỉ đạo gia cố đê bao bảo vệ lúa và hoa màu cho bà con, tạm thời đóng cửa cống đập Tha La, Trà Sư không cho nước tràn vào đồng. Sau khi người dân thu hoạch xong sẽ mở cống để đón lũ", ông Thư nói.
Mới đi khảo sát để theo dõi diễn biến mực nước ở một số nơi, ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp, thông báo: Tại khu vực đầu nguồn giáp với biên giới Campuchia, nước vẫn còn thấp hơn cùng kỳ 2 cm, còn tại TP.Cao Lãnh thấp hơn khoảng 10 cm. Những cánh đồng trong đê bao vẫn được bảo đảm an toàn, hiện chưa có thiệt hại gì đáng kể. Chỉ có một số ít diện tích hoa màu ở khu vực bãi bồi ven sông, ngoài đê bị đe dọa. Tại Long An, một phần diện tích ở khu vực trũng thấp ngoài đê cũng bị đe dọa nhưng chưa có thiệt hại nào đáng kể và người dân cùng chính quyền địa phương đang tích cực bơm thoát nước để cứu lúa.
Dự báo lũ đẹp
Theo chuyên gia khí tượng thủy văn Lê Thị Xuân Lan, trong tháng 7, ĐBSCL có lũ tiểu mãn, mực nước cao hơn trung bình nhiều năm. Đến tháng 8, mức nước giật xuống, chỉ bắt đầu lên lại vào giữa tháng 9 và bắt đầu vào mùa lũ chính. Đỉnh lũ chính vụ sẽ rơi vào khoảng nửa đầu tháng 10, ở mức báo động 2. Nếu đỉnh lũ ở trong khoảng này được xem là “lũ đẹp” vì đồng bằng đón lượng nước đủ lớn có thể mang tôm cá về, vệ sinh đồng ruộng, bồi đắp phù sa… “Tuy nhiên, lũ là loại hình dự báo khó nhất hiện nay vì nó không còn tự nhiên, bị các đập thủy điện chi phối hết. Chỉ cần một động tác tích hay xả nước của một đập nào đó là thay đổi toàn bộ các mô hình dự báo. Đây là điều quan trọng nhất cần lưu ý hiện nay”, bà Lan khuyến cáo.
Ông Thư cũng nhận định lũ năm nay ở ĐBSCL cao hơn năm 2017 nhưng thấp dưới báo động 2 là mùa “lũ đẹp” dù có lo ngại về sự bất thường khi có sự kết hợp cùng lúc nhiều yếu tố như vừa qua. “Nước ở ĐBSCL trước đây lên từ từ, người dân có kinh nghiệm và thời gian ứng phó. Giờ lũ có thể là sự kết hợp của nhiều yếu tố nên bà con trở tay không kịp. Lũ đẹp mà tôi đề cập không bao gồm các yếu tố bất thường”, ông Thư giải thích thêm.
Theo các chuyên gia, phần diện tích lúa ở ngoài đê có thể đã không bị thiệt hại nếu nước có thể chảy tràn đều trên diện rộng. Vì các con đê bảo vệ phần diện tích bên trong, nước không có chỗ chảy, dâng cao gây thiệt hại cho bên ngoài đê. Đây là điều cần lưu ý vì sẽ có ý kiến cho rằng do nước từ thượng nguồn đổ về có yếu tố bất ngờ nên cần xây thêm các công trình bảo vệ. Thực tế những năm gần đây lũ lớn (2011) thì lượng nước thực tế đổ về ĐBSCL vẫn ít hơn rất nhiều so với mùa lũ năm 2000, nhưng mực nước lại cao hơn và thiệt hại lớn hơn cũng vì nước không còn chỗ chảy.
Lượng nước do mưa bão, vỡ và xả đập từ thượng nguồn về tới Campuchia được Biển Hồ (Tonle Sap, Campuchia) điều tiết nên ĐBSCL giảm được áp lực đáng kể, chỉ tăng khoảng 5 cm so với bình thường. Tuy nhiên, mực nước trên các sông ở ĐBSCL lên còn do kết hợp với đợt triều cường rằm tháng 6 âm lịch, đạt đỉnh vào ngày 31.7.
Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho biết: Ngày 1.8, mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu (An Giang) là 3,12 m (báo động 1 là 3,5 m) tiếp tục tăng 10 cm so với ngày trước đó; trên sông Hậu tại Châu Đốc (An Giang) là 2,55 m (báo động 1 là 3 m), tăng 9 cm so với ngày trước đó. Do ảnh hưởng của nước từ thượng nguồn về, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long sẽ lên nhanh đến ngày 5.8, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại Tân Châu và sông Hậu tại Châu Đốc có khả năng lên mức xấp xỉ báo động 1, sau đó lên chậm lại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.