Đề án 'thế trận camera' của TP.HCM: 1.600 tỉ đồng chỉ là con số khái toán

29/08/2019 10:33 GMT+7

Trả lời phỏng vấn Thanh Niên mới đây, ông Lê Quốc Cường, Phó giám đốc Sở TT-TT, cho biết kinh phí thực hiện lắp đặt hệ thống camera cần 1.607 tỉ đồng chỉ là con số khái toán.

Trả lời phỏng vấn Thanh Niên mới đây, ông Lê Quốc Cường, Phó giám đốc Sở TT-TT và là người được giao chủ trì đề án xây dựng hệ thống camera giám sát đô thị (giai đoạn 2019 - 2025), thông tin thêm kế hoạch ngân sách liên quan đề án này.
* Đề án nêu kinh phí thực hiện lắp đặt hệ thống camera cần 1.607 tỉ đồng. Cơ sở nào để đề án đưa ra con số này?
- Đây chỉ là con số khái toán thôi. Chúng tôi tính dựa vào số lượng, chất lượng camera lắp đặt, giá camera đó ở thị trường bao nhiêu, giá hệ thống quản lý video (VMS)... Đây chỉ là tính toán dự kiến số tiền đầu tư của đề án để trình UBND TP.HCM chứ không phải là con số thực để chi tiền. Sau khi đề án được phê duyệt, chúng tôi mới tiến hành các bước thủ tục thiết kế, đầu tư... với những thiết kế cụ thể, báo giá, thẩm định giá và có đánh giá lại mới cho ra số tiền cụ thể đầu tư của đề án.
* Trong đề án, con số 1.600 tỉ đồng lấy từ ngân sách nhà nước. Tại sao đề án không tính toán phương án xã hội hóa kinh phí để giảm áp lực cho ngân sách?
- Như tôi đã nói, con số 1.600 tỉ đồng đó chỉ là con số khái toán nói lên tổng mức đầu tư của xã hội cho hệ thống 10.000 camera, còn cách thức đầu tư thế nào cần phải tính toán kỹ thêm. Tôi nghĩ những hạng mục quan trọng, nhà nước sẽ bỏ tiền đầu tư còn những hạng mục khác nếu xã hội hóa được sẽ kêu gọi doanh nghiệp, người dân cùng tham gia đầu tư. Ví dụ như có thể xã hội hóa nguồn camera hoặc sau này sẽ thuê dịch vụ vận hành để giảm chi phí đầu tư.
Thậm chí sau này khi hệ thống camera hoàn thiện, chúng ta cần nghĩ cách khai thác nguồn dữ liệu từ hệ thống camera này. Ví dụ doanh nghiệp cần những hình ảnh, dữ liệu của hệ thống camera để phân tích, đưa dữ liệu vào phục vụ cho hoạt động kinh doanh, sản xuất... thì có thể trả phí để có dữ liệu.
Ở một số nước chúng tôi tìm hiểu, kinh phí mua sắm camera sẽ do doanh nghiệp đầu tư và sau này số tiền “phạt nguội” giao thông thu về sẽ chi trả cho doanh nghiệp. Rồi số tiền từ xử phạt vi phạm ô nhiễm môi trường, vi phạm trật tự đô thị cũng sẽ trở thành nguồn thu cho việc đầu tư hệ thống camera giám sát đô thị. Tuy nhiên, ở VN làm được điều này cần phải luật hóa, quy định cho phù hợp.

Mạng lưới sẵn có của TP.HCM

TP.HCM đang có hệ thống camera giám sát an ninh trật tự của Công an TP.HCM lắp ở vị trí trọng điểm nội thành và sử dụng hạ tầng cáp quang riêng. Ngoài ra còn có hệ thống 713 camera giám sát, quản lý giao thông được kết nối tại Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn.

Đáng kể nhất là hệ thống 37.000 camera của người dân, tổ chức, doanh nghiệp thuộc sự quản lý của UBND và công an quận, phường với mục đích giám sát địa bàn, quản lý trật tự đô thị, phòng chống tệ nạn xã hội, trộm cắp... Các quận, huyện triển khai nhiều dự án, hạng mục nhằm kết nối, quản lý tập trung các hệ thống camera tại trụ sở công an hoặc UBND quận: 1, 2, 3, 5, 9, 10, 12, Phú Nhuận, Gò Vấp, Thủ Đức.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.