Để dịch vụ công trực tuyến đột phá

21/04/2020 06:09 GMT+7

Dịch vụ công trực tuyến cho thấy hiệu quả đáng kể, đặc biệt trong điều kiện giãn cách xã hội .

Nhưng nhiều ý kiến cho rằng để dịch vụ này hiệu quả hơn, nên đầu tư triển khai ở các lĩnh vực dễ phát sinh nhũng nhiễu.
Mới đây, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, cho biết toàn TP hiện có 1.818 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), từ phường, xã cho đến quận, huyện, sở, ngành. Trong đó, 82% số thủ tục ở cấp độ 3 và 4. Hà Nội phấn đấu hết tháng 4 này sẽ hoàn thành xong mức độ 4 đối với 237 thủ tục còn lại. Ông Chung cũng cho rằng việc thực hiện DVCTT đã mang lại hiệu quả tốt đặc biệt trong thời gian phải thực hiện giãn cách xã hội.

Tỷ lệ giải quyết đúng hạn tăng cao

Tại Hải Phòng, đến nay đã có 1.900 thủ tục hành chính từ cấp xã đến cấp TP được triển khai, trong đó có 422 dịch vụ cấp 3, 4. Theo Sở TT-TT TP.Hải Phòng, lượng hồ sơ trực tuyến năm 2019 gấp 6 lần năm 2018, cho thấy mức độ quan tâm của người dân tăng mạnh. Trong 3 tháng đầu năm nay, số hồ sơ tiếp nhận là 147.147, tăng 5,4 lần so với cùng kỳ năm 2019.
Tại Nghệ An, 3 tháng đầu năm, hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 được tiếp nhận qua cổng DVCTT là 4.284 hồ sơ (cấp tỉnh 4.082 hồ sơ, cấp huyện 202). Trong thời gian giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, UBND tỉnh Nghệ An đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong tỉnh tập trung giải quyết thủ tục hành chính qua DVCTT mức độ 3, 4; tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết nhiều năm qua, nhiều bộ thủ tục hành chính được rút gọn và đưa lên cổng DVCTT để người dân dễ sử dụng. Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19, TP yêu cầu các cơ quan, đơn vị bố trí nhân sự hướng dẫn, trao đổi qua email, tin nhắn điện thoại, đường dây nóng để trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân. Theo ông Tuyến, khi sử dụng DVCTT, người dân và doanh nghiệp cũng hạn chế tiếp xúc với cán bộ, qua đó giảm thiểu được tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực của cán bộ.
Tại Thừa Thiên-Huế, người dân dùng DVCTT tăng đáng kể những ngày vừa qua. Theo Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Thừa Thiên-Huế, trong thời gian giãn cách xã hội (1 - 15.4), có 1.067 hồ sơ nộp tại trung tâm, tỷ lệ trực tuyến 85% (907 hồ sơ).
Ngày 20.4, ông Trần Ngọc Thạch, Phó giám đốc Sở TT-TT TP.Đà Nẵng, cho biết do ưu tiên nhận và xử lý hồ sơ trực tuyến trên cổng DVCTT, nên trong thời gian cách ly xã hội vừa qua (từ ngày 1 - 15.4), số hồ sơ trực tuyến chiếm 67% tổng số hồ sơ thủ tục hành chính. Theo ông Thạch, để tiếp tục thừa hưởng, duy trì kết quả này, Sở TT-TT đề xuất rà soát các DVCTT đã xây dựng trên cổng DVCTT và tiếp tục khai thác hiệu quả trong thời gian tới, kể cả khi hết quy định cách ly xã hội. Trong đó, cần rà soát, áp dụng chức năng thanh toán qua mạng, phiếu thu điện tử cho các DVCTT, hoàn thành trước ngày 30.5 để thuận lợi cho tổ chức, công dân khi sử dụng DVCTT và bảo đảm thực hiện chủ trương “thanh toán không dùng tiền mặt” của Chính phủ.
Để dịch vụ công trực tuyến đột phá

Cán bộ UBND Q.1 (TP.HCM) tiếp nhận hồ sơ trực tuyến của người dân

Ảnh: Ngọc Dương

Quan tâm hơn đến chất lượng dịch vụ

Tuy nhiên, ghi nhận của nhóm PV Thanh Niên tại nhiều tỉnh thành cũng cho thấy người dân, doanh nghiệp kỳ vọng DVCTT được mở rộng hơn nữa và còn rất nhiều người dân lại chưa biết đến các thủ tục này.

Mới chỉ có 2 trường hợp nộp phạt trực tuyến

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, từ thời điểm cho thí điểm người vi phạm nộp phạt trực tuyến (13.3) đến nay, lực lượng CSGT tại 5 tỉnh, thành đã đưa lên Cổng DVCTT quốc gia 1.506 quyết định xử phạt hành chính, nhưng đến nay mới chỉ có… 2 trường hợp nộp phạt trực tuyến, gồm 1 trường hợp tại tỉnh Quảng Ninh và 1 ở TP.HCM.
“Nguyên nhân nào khiến người dân nộp phạt trực tuyến lại quá ít như vậy?”, trả lời Thanh Niên chiều qua (20.4), một lãnh đạo Cục CSGT cho biết: “Chúng tôi đang tìm nguyên nhân mà đến nay vẫn chưa ra. Cũng có một số ý kiến nói rằng do giãn cách xã hội, do thói quen của người dân, hoặc do truyền thông chưa tới. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng đây vẫn chưa phải là nguyên nhân cơ bản”.
Mặt khác, cũng có những khó khăn đến từ năng lực triển khai của các địa phương, hay sự thiếu đồng bộ từ T.Ư đến địa phương. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Trưởng phòng Kiểm soát thủ tục hành chính tỉnh Nghệ An, cho biết một số bộ, ngành đăng tải các văn bản, quyết định thiếu chính xác, khiến việc tra cứu, tìm hiểu và áp dụng gặp khó khăn. Trên Cổng DVCTT quốc gia cũng không thống nhất, nhiều trường hợp viết tắt tùy tiện, sử dụng cụm từ không thống nhất giữa các thủ tục hành chính cùng nhóm…
Để đánh giá về tác dụng DVCTT, nhóm nghiên cứu của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng các cơ quan nhà nước cam kết có thể cung cấp được bao nhiêu dịch vụ công cấp độ 3 và cấp độ 4 mới chỉ là bước đầu tiên, bởi vấn đề còn nằm ở chất lượng dịch vụ. Trong quá trình doanh nghiệp và người dân sử dụng dịch vụ, vẫn có thể nảy sinh nhiều vướng mắc, khó khăn như giao diện không thân thiện, hướng dẫn không rõ ràng, hệ thống bị lỗi, xử lý chậm, đường truyền bị nghẽn... Do đó, chỉ số quan trọng nhất để đánh giá tính hiệu quả của những khoản đầu tư công nghệ thông tin của các bộ vẫn là số lượng, tỷ lệ hồ sơ làm trực tuyến.
Tuy nhiên, trong 17 bộ được nhóm nghiên cứu khảo sát vào tháng 11.2019, chỉ có 8 bộ công bố thống kê số lượng hồ sơ tiếp nhận trực tuyến. Một số bộ có số hồ sơ trực tuyến rất ít như Bộ Xây dựng và Bộ Tư pháp không có hồ sơ nào; Bộ Ngoại giao có 1 hồ sơ; Bộ KH-ĐT có 9 hồ sơ; Bộ GTVT có 14 hồ sơ.
Thực tế này khiến nhóm nghiên cứu “đặt ra nhiều nghi vấn về mức độ hiệu quả của việc đầu tư các cổng DVCTT”, như: liệu có tình trạng một số bộ, ngành đầu tư để có được số lượng thủ tục hành chính cấp độ 3, cấp độ 4 nhiều nhằm đạt thành tích, nhưng lại không chú trọng vào việc khiến cho hệ thống đó trở nên thân thiện, hấp dẫn với đối tượng được phục vụ là các doanh nghiệp và người dân? Nếu cho rằng hệ thống đã rất thân thiện, hấp dẫn nhưng số lượng hồ sơ trực tuyến thấp vì người dân và doanh nghiệp không có nhu cầu sử dụng, thì lại dẫn đến câu hỏi: Vì sao cơ quan nhà nước không khảo sát trước mà lại bỏ tiền đầu tư vào những dự án mà không ai có nhu cầu?
“Vấn đề hiện nay là quan tâm đúng mức hơn đến chất lượng của dịch vụ và Chính phủ cần có những công cụ giám sát thực chất hơn”, ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế VCCI, nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.