Đề nghị bỏ ngay quỹ bảo trì đường bộ, quỹ phòng chống thiên tai

14/08/2019 05:00 GMT+7

Ngoài 2 quỹ trên, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn đề nghị bãi bỏ ngay nhiều quỹ khác; xây dựng lộ trình bãi bỏ các quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, bình ổn giá xăng dầu, dịch vụ viễn thông công ích...

Ngày 13.8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013 - 2018”.

Một số quỹ chi quản lý lớn hơn chi hoạt động

Trình bày báo cáo kết quả giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải, Trưởng đoàn giám sát, đánh giá hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng, nguồn tài chính cho tới mô hình tổ chức, hoạt động và nhiệm vụ các quỹ khá phức tạp, chưa rõ ràng, thiếu thống nhất dẫn đến nhiều bất cập trong hoạt động của các quỹ. Cụ thể, cho tới hiện nay, chưa có các cơ quan cả ở T.Ư và địa phương được giao nhiệm vụ thống nhất quản lý các quỹ này. Nguồn thu tài chính hình thành các quỹ cũng chưa đảm bảo hoạt động độc lập với ngân sách nhà nước; thu từ các nguồn ngoài ngân sách không đáng kể; tỷ lệ thu so với kế hoạch đạt thấp ở một số quỹ như: bảo trì đường bộ, phòng chống thiên tai...
Trong khi đó, việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ các quỹ còn trùng lặp, hiệu quả chưa cao khi nhiều quỹ được thành lập có chức năng, nhiệm vụ trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách. Một số quỹ trong quá trình thực hiện các chức năng nhiệm vụ không mang lại hiệu quả kỳ vọng, không đạt được mục tiêu. Một số quỹ có các nội dung chi thực hiện nhiệm vụ không hợp lý, không đúng bản chất quỹ; một số quỹ chi phí quản lý lớn hơn so với nội dung chi hoạt động; có quá nhiều quỹ tại địa phương làm phát sinh chi phí quản lý và tổ chức biên chế...
Từ đánh giá nói trên, đoàn giám sát đề nghị QH nghiên cứu ban hành nghị quyết về tăng cường quản lý, sử dụng các quỹ; Chính phủ xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện việc rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các quỹ, thực hiện cơ cấu lại, sáp nhập, dừng hoạt động hoặc giải thể đối với các quỹ hoạt động không hiệu quả, không đúng mục tiêu đề ra hoặc không còn phù hợp với tình hình kinh tế xã hội; không có khả năng độc lập về tài chính, trùng lặp nguồn thu, nhiệm vụ chi với ngân sách nhà nước. Cụ thể, đoàn giám sát đề nghị bãi bỏ ngay các quỹ: bảo trì đường bộ, hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS, hỗ trợ các hoạt động ngoại giao phục vụ kinh tế, hỗ trợ vận động cộng đồng người VN ở nước ngoài, phòng chống thiên tai. Đoàn giám sát cũng đề nghị xây dựng lộ trình bãi bỏ các quỹ: phòng chống tác hại thuốc lá, bình ổn giá xăng dầu, dịch vụ viễn thông công ích...

Quỹ ngoài ngân sách quá nhiều làm phân tán nguồn lực nhà nước

Tại phiên giám sát, nhiều thành phiên UBTVQH tán thành việc giám sát chuyên đề đối với các quỹ tài chính ngoài ngân sách là rất cần thiết vì đại biểu QH từ khóa trước đã râm ran chuyện mỗi luật lại sinh ra một quỹ trong khi hành lang pháp lý, hướng dẫn chưa đủ, dẫn đến quản lý rất khó khăn. Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn chứng luật Phòng chống tác hại rượu bia vừa rồi khi thấy QH không mặn mà với việc thành lập quỹ thì có người đã nói: “Không có quỹ thì ra luật làm gì!”. Từ đó, Chủ tịch QH đề nghị chấm dứt tình trạng quy định thành lập quỹ trong các luật chuyên ngành vì việc sinh ra quá nhiều loại quỹ cũng làm phân tán nguồn lực ngân sách nhà nước. Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đánh giá mục đích các quỹ ngoài ngân sách là "đẻ ra để dùng vốn ngân sách làm mồi huy động các nguồn xã hội, song thực tế là để bố trí ngân sách thôi còn việc thu hút các nguồn lực rất hạn chế".
Tuy nhiên, tại phiên họp, nhiều thành viên UBTVQH và đại diện các bộ, ngành cũng đề nghị cần cân nhắc kỹ lưỡng đối với đề nghị bãi bỏ các quỹ tài chính mà đoàn giám sát nêu trong báo cáo. Theo ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường, những quỹ mà đoàn giám sát đề nghị bãi bỏ đều là những quỹ “có tên tuổi”, “có đóng góp cho xã hội”, do đó việc bãi bỏ phải hết sức cân nhắc và thận trọng. Đồng quan điểm này, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng việc kiến nghị bãi bỏ các quỹ cụ thể có thể sẽ gây rối loạn với những tác động chưa lường hết được. Do đó, bà Ngân đề nghị UBTVQH sẽ ban hành nghị quyết, trong đó đánh giá về thực trạng các quỹ tài chính ngoài ngân sách đồng thời đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá thật kỹ các quỹ tài chính hiện nay để xây dựng kế hoạch, lộ trình về việc sắp xếp, sáp nhập hay giải thể. Bên cạnh đó, bà Ngân cũng tán thành kiến nghị QH, UBTVQH xem xét ban hành luật hay pháp lệnh để làm rõ cơ sở pháp lý quản lý các quỹ này.

Cả nước có 48 quỹ tài chính ngoài ngân sách

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, cả nước hiện có 48 quỹ tài chính ngoài ngân sách, trong đó ở T.Ư 28 quỹ, địa phương 20 quỹ, phần lớn được thành lập trước khi luật Ngân sách nhà nước 2015 có hiệu lực thi hành (2017). Còn Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, theo báo cáo của đoàn giám sát thì có hơn 100 văn bản cho phép thành lập và quyết định quy định chức năng nhiệm vụ của các quỹ này. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.