Dựng hàng rào kỹ thuật với phim nhập
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, đại biểu Triệu Thế Hùng (Lâm Đồng) đặt câu hỏi về giải pháp để tăng cường thị phần và phát triển phim Việt, khắc phục tình trạng phim ngoại đang lấn át phim nội hiện nay. "Giải pháp gì để khắc phục tình trạng thiếu vắng phim đề tài lịch sử dân tộc và phim dành cho thiếu nhi mang tính giáo dục cao?", đại biểu Hùng chất vấn.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, hiện mỗi năm, phim ngoại nhập khẩu vào Việt Nam khoảng 240 phim, trong khi phim nội có khoảng 40, chứng tỏ đúng là có tình trạng “phim ngoại đang lấn át phim nội”.
Lý do, theo Bộ trưởng, luật Điện ảnh và các văn bản hiện hành không quy định hạn ngạch để nhập khẩu phim.
“Luật Điện ảnh (sửa đổi) có hiệu lực 10 năm nay còn tồn tại nhiều bất cập. Tôi xin nêu bất cập nhỏ, như khi chúng ta gia nhập WTO, thì buộc phải bỏ hạn ngạch nhập khẩu phim nước ngoài, tức là chúng ta mở cửa nhập khẩu phim, nên bây giờ phim nước ngoài vào chúng ta không kiểm soát được. Miễn là có rạp là được nhập khẩu phim”, Bộ trưởng nói, và cho rằng luật Điện ảnh cần phải sửa. Bộ sẽ trình Chính phủ dự án sửa đổi luật trong năm nay để trình Quốc hội.
|
Về giải pháp, Bộ trưởng cho rằng có 2 cách. Thứ nhất là dùng hàng rào kỹ thuật, như kiểm duyệt về nội dung phim, những bộ phim không phù hợp thì chúng ta không cho phát hành và phổ biến.
Thứ hai là quy định các rạp phải chiếu phim Việt, với tổng số buổi chiếu phải đạt tối thiểu 20%.
Ngoài ra, người đứng đầu Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch cũng cho biết thêm một số giải pháp khác như tăng cường hỗ trợ sản xuất và quảng bá phim thông qua các gói đặt hàng sản xuất phim từ ngân sách nhà nước; cố gắng để sản xuất những bộ phim Việt hay, đồng thời thu hút các nhà đầu tư để đầu tư vào sản xuất phim.
Bộ trưởng cũng cho hay hiện chúng ta đã có nhiều bộ phim có doanh thu lớn, tới 200 tỉ đồng.
Làm gì để hạn chếtác động của phim Hàn Quốc?
Liên quan đến tình trạng thiếu vắng phim về đề tài lịch sử dân tộc và phim dành cho thiếu nhi mang tính giáo dục cao, Bộ trưởng cho rằng “do người ta tập trung vào những dòng phim mang lại hiệu quả, mang lại lợi nhuận”, cho nên, những dòng phim lịch sử và thiếu nhi rất ít.
Giải pháp của Bộ trưởng là “nhà nước phải đặt hàng” để sản xuất các dòng phim mang tính lịch sử, chính trị và phim dành cho thiếu nhi; phải tháo gỡ các cơ chế, chính sách và có đào tạo để có các kịch bản thì chúng ta sẽ có những bộ phim tốt.
Cùng băn khoăn "phim ngoại lấn át phim nội", đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) chất vấn Bộ trưởng Thiện về việc ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam cần làm gì để hạn chế tác động của phim ảnh nước ngoài, nhất là phim Hàn Quốc, đến lối sống và xu hướng tiêu dùng sản phẩm của một số bộ phận người dân?
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng cho biết, năm 2016, Thủ tướng đã ban hành một đề án về phát triển chiến lược công nghiệp văn hóa của Việt Nam. Đây là lần đầu tiên chiến lược “công nghiệp văn hóa” xuất hiện tại Việt Nam.
Tại nhiều nước trên thế giới, các ngành văn hóa cũng được coi là ngành công nghiệp, ví dụ, công nghiệp điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, các ngành về thời trang... đóng góp rất lớn vào GDP của Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc.
Từ đó đến nay, Bộ đã triển khai thực hiện đề án, mà “rõ nhất là trong lĩnh vực điện ảnh”, với doanh thu khoảng hơn 3.000 tỉ đồng, tức là khoảng 150 triệu USD. Đề án đặt ra việc đến 2020 phấn đấu để các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đóng góp khoảng 3% GDP, và Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch “đang triển khai rất tích cực”.
Bình luận (0)