Đề xuất 'chuyển' Long An, Tiền Giang về Đông Nam bộ

05/06/2020 06:04 GMT+7

Đề xuất trên được đưa ra tại cuộc họp về phương án phân vùng giai đoạn 2021 -2030, tổ chức hôm qua (4.6) ở Hà Nội.

Hai phương án phân vùng

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết sau nhiều cuộc họp, hội thảo lấy ý kiến, từ 6 phương án ban đầu, Bộ KH-ĐT gút lại 2 phương án phân vùng để lựa chọn.
Cụ thể, phương án 1 là giữ nguyên 2 vùng đồng bằng sông Hồng và vùng ĐBSCL; tách vùng Trung du và miền núi phía bắc hiện tại thành vùng Đông Bắc và Tây Bắc. Bên cạnh đó, tách vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung hiện tại thành Bắc Trung bộ và Nam Trung bộ (tỉnh Thừa Thiên - Huế đưa vào vùng Nam Trung bộ), điều chỉnh 1 tỉnh (Bình Thuận) sang vùng Đông Nam bộ và gộp 4 tỉnh Tây nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông) vào vùng Nam Trung bộ. Ngoài ra, vùng Đông Nam bộ mới được hình thành trên cơ sở vùng Đông Nam bộ hiện nay và bổ sung thêm 2 tỉnh (Lâm Đồng và Bình Thuận).
Phân vùng là cơ sở để quy hoạch cụ thể từng vùng, từ đó khai thác tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương trong vùng, toàn vùng để phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng thông qua phân công, hợp tác và hệ thống hạ tầng...
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng
Phương án 2 được xây dựng trên cơ sở phương án phân vùng giai đoạn 2011 - 2020 hiện nay, chỉ thực hiện tách vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung thành 2 vùng: vùng Bắc Trung bộ và vùng Nam Trung bộ; đồng thời mở rộng vùng đồng bằng sông Hồng thêm 4 tỉnh: Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang để trở thành vùng đồng bằng và trung du Bắc bộ (gồm 15 tỉnh).
Tại cuộc họp, nhiều chuyên gia đồng tình với phương án 2 vì cho rằng có nhiều ưu điểm hơn so với phương án 1. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị cân nhắc việc đưa 4 tỉnh trung du về vùng đồng bằng sông Hồng và để Long An ở vùng ĐBSCL.
PGS-TS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, cho rằng 4 tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang hiện là động lực phát triển của vùng trung du miền núi phía bắc. Do đó, nếu “cắt” mất đầu tàu thì vùng miền núi sẽ khó khăn. Trong khi đó, GS Nguyễn Quang Thái, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, cho rằng nên đưa Long An và Tiền Giang về miền Đông Nam bộ để TP.HCM thực sự trở thành trung tâm gắn kết vùng, chứ không nên để ở vùng ĐBSCL vì thực chất cả 2 tỉnh này không nằm trong lưu vực con sông này.

Phân vùng để làm gì?

Tuy nhiên, điều nhiều đại biểu băn khoăn là mục đích của việc phân vùng. “Phân vùng để làm gì?”, GS Nguyễn Quang Thái nêu câu hỏi. Theo ông Thái, nếu làm quy hoạch vùng xong mà chỉ để “xuân thu nhị kỳ” họp và cộng số liệu, hứa hẹn, vui vẻ với nhau nhưng không có thể chế nào để liên kết vùng thì không có ý nghĩa. “Cần phải có cơ chế, thể chế để điều hành vùng. Không phải quy hoạch để vẽ cho đẹp mà không có ai điều hành, điều tiết”, ông Thái nói. PGS-TS Trần Trọng Hanh thì cho rằng hiện nay không chỉ thiếu cơ quan điều phối, quản lý vùng mà thiếu cả chính sách tài khóa; các chính sách liên kết vùng cũng hết sức hời hợt.
TS Dương Đình Giám, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách công nghiệp (Bộ Công thương), lại nêu quan điểm thực tiễn trên thế giới cho thấy thể chế không phải điều kiện tiên quyết để liên kết vùng. Theo ông Giám, để liên kết vùng hiệu quả, bắt buộc phải có những địa phương phải “hy sinh” trong ngắn hạn. Tuy nhiên, hiện nay việc giao chỉ tiêu kinh tế cho địa phương và tư duy nhiệm kỳ của lãnh đạo địa phương khiến liên kết vùng trở nên thiếu hiệu quả.
Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết mục tiêu của việc phân vùng là để thực hiện luật Quy hoạch, làm cơ sở để quy hoạch vùng. Ông Dũng đồng tình với nhận định việc phân vùng lâu nay “chỉ để phân vùng”, “nhiều vùng thành ra các câu lạc bộ vui vẻ” chứ chưa thực sự có ý nghĩa trong chỉ đạo, đầu tư, liên kết và các chính sách phát triển vùng. “Phân vùng là cơ sở để quy hoạch cụ thể từng vùng, từ đó khai thác tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương trong vùng, toàn vùng để phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng thông qua phân công, hợp tác và hệ thống hạ tầng...”, ông Dũng nói và yêu cầu Bộ KH-ĐT tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại phiên họp, trình Chính phủ 2 phương án trên cơ sở phương án 2 để thông qua.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.