Ngày 22.9, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân tại Q.3, Q.9, Thủ Đức và H.Bình Chánh giai đoạn từ tháng 1.2016 đến tháng 6.2020.
Ông Trần Văn Bảy, Chủ tịch UBND Q.9, cho biết từ tháng 1.2016 đến tháng 6.2020, lãnh đạo UBND quận và các phòng, ban trực thuộc đã tiếp hơn 8.200 buổi với hơn 15.460 lượt công dân và nhận 6.147 đơn thư. Trên địa bàn Q.9 có 2 vụ việc khiếu nại phức tạp, kéo dài gồm dự án Khu công nghệ cao và dự án Khu đô thị mới Long Bình.
Theo ông Bảy, nhiều trường hợp đơn thư khiếu nại đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết nhưng người dân không đồng ý và tiếp tục gửi đơn đến cơ quan Đảng, Nhà nước cấp trên, báo đài, đường dây nóng… Sau đó, các cơ quan này lại chuyển đơn về cho HĐND - UBND Q.9 thụ lý, xem xét, giải thích trả lời phúc đáp cho công dân và cơ quan chuyển đơn. “Có trường hợp lấn chiếm đất nhà nước, chính quyền xử phạt nhưng sau đó người dân khởi kiện ra tòa. Tôi phải trực tiếp ra tòa 3 ngày ở TAND TP.HCM và 3 ngày TAND cấp cao tại TP.HCM để giải quyết vụ việc”, ông Bảy cho hay.
Dù vậy, Chủ tịch UBND Q.9 cũng thừa nhận công tác xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh kiến nghị của người dân tại một số đơn vị chưa được quan tâm đúng mức, công tác phân loại và nhận định đơn thư chưa đúng, xử lý đơn còn chậm. Mặt khác, công tác phối hợp giải quyết bức xúc ở các lĩnh vực về đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, quản lý đô thị, xây dựng cơ bản giữa các phòng ban đơn vị còn chưa kịp thời, thiếu thống nhất dẫn đến chậm trễ. Để nâng cao công tác giải quyết đơn, ông Bảy kiến nghị cần có phần mềm quản lý hồ sơ liên thông giữa các cơ quan, đơn vị để thực hiện phân loại đơn ngay từ đầu.
Ông Nguyễn Văn Tài, Phó chủ tịch UBND H.Bình Chánh, cho biết số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo mà huyện phải xử lý nhiều hơn so với 4 huyện khác, tập trung ở lĩnh vực đất đai, xây dựng. Ông Tài cũng cho rằng quy định pháp luật về khiếu nại, chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư còn bất cập, văn bản hướng dẫn của sở ngành chưa kịp thời, không phù hợp với thực tiễn nên không giải quyết đầy đủ quyền lợi cho người dân.
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cho rằng quy định về đại diện theo ủy quyền hiện nay quá rộng, có những người làm nghề đi khiếu nại để kiếm thêm thu nhập. “Người khiếu nại ra nước ngoài sinh sống bao nhiêu năm rồi nhưng người được ủy quyền ở nhà vẫn theo đuổi”, ông Nghĩa dẫn chứng. Để khắc phục bất cập trong việc cùng một nội dung nhưng người dân gửi đơn nhiều lần, ông Nghĩa cho rằng cần luật hóa điểm dừng trong công tác tiếp nhận, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân; đồng thời xây dựng phần mềm quản lý hồ sơ để tạo thành “bộ lọc” ngay khi tiếp nhận đơn, nếu đơn nào đã giải quyết thỏa đáng thì không nhận đơn và không giải quyết nữa. Quy định cũng cần cụ thể để tránh tình trạng cán bộ lợi dụng “điểm dừng” này hạn chế quyền khiếu nại, tố cáo của người dân.
Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM, khẳng định khiếu nại, tố cáo là quyền công dân và trách nhiệm của cán bộ, công chức phải tôn trọng quyền này. Do đó, các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị cần được xem xét, phân loại chính xác, áp dụng đúng quy định pháp luật để giải quyết thỏa đáng nhất, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân để tạo sự đồng thuận. Các quận, huyện phải tuân thủ quy định tiếp công dân của người đứng đầu, quan tâm đến các vụ việc phức tạp dễ dẫn đến khiếu nại, tố cáo đông người…
Bình luận (0)