Đề xuất hạ độ tuổi hưởng trợ cấp xã hội từ 80 xuống 75 tuổi

06/08/2019 15:24 GMT+7

Đây là ý kiến của nhiều đại biểu tại phiên giải trình của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH về “Trách nhiệm quản lý nhà nước trong thực hiện chính sách , pháp luật về trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi và người khuyết tật”.

Tại phiên giải trình về “Trách nhiệm quản lý nhà nước trong thực hiện chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi và người khuyết tật” sáng nay, 6.8, do Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức, ông Đặng Thuần Phong, Phó chủ nhiệm Ủy ban này, cho biết qua quá trình giám sát và tiếp xúc cử tri, gần như nơi nào cũng kiến nghị giảm tuổi hưởng trợ cấp xã hội từ 80 xuống 75 tuổi, thậm chí, có nơi đề nghị giảm xuống 70 tuổi.
Trước băn khoăn về độ tuổi hưởng trợ cấp xã hội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết, đây cũng là ý kiến đề xuất mà Bộ này nhận được rất nhiều trong thời gian qua.
“Trước đây chúng ta quy định người cao tuổi từ 90 tuổi trở lên được hưởng trợ cấp xã hội, sau đó quy định giảm độ tuổi người cao tuổi xuống còn 85 tuổi. Hiện nay, độ tuổi hưởng trợ cấp xã hội được quy định cụ thể tại Nghị định số 06/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Người cao tuổi, nên độ tuổi người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội đã giảm xuống còn 80 tuổi. Muốn điều chỉnh hạ tiếp độ tuổi hưởng trợ cấp xã hội, thì chắc chắn phải sửa luật”, ông Đào Ngọc Dung nói.

Phiên giải trình do Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức sáng nay, 6.8

Ảnh Ngọc Thắng

Đồng tình với việc cần xem xét giảm độ tuổi người cao tuổi xuống 75, ông Dung cho rằng, điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay hoàn toàn có đủ cơ sở cho phép thực hiện. Tuy nhiên, do luật Người cao tuổi đến 2021 mới có kế hoạch sửa, nên cần phải tính toán để Quốc hội có Nghị quyết sửa gấp.
Cũng theo Bộ trưởng, Bộ LĐ-TB-XH sẽ nghiên cứu để trình Thủ tướng ban hành Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi và Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021 - 2030, bao gồm các giải pháp để ứng phó với vấn đề già hóa dân số, phát huy vai trò của người cao tuổi theo hướng tạo điều kiện để người cao tuổi có khả năng lao động được tham gia cống hiến, sống vui, sống khỏe.

Cuối năm nay, điều chỉnh mức trợ cấp xã hội

Ngoài đề xuất giảm tuổi hưởng trợ cấp xã hội, nhiều đại biểu cho rằng, mức trợ cấp 270.000 đồng/người/tháng hiện hành là quá thấp, không bảo đảm sinh hoạt cho người hưởng.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: “Việc điều chỉnh nâng mức trợ cấp tăng lên là thỏa đáng. Chúng tôi tính là cuối năm nay đề xuất với Chính phủ nâng lên mức mới, thay cho mức 270.000 người”.
Trao đổi thêm về đề xuất nâng mức trợ cấp, Thứ trưởng Bộ Tài Chính Trần Văn Hiếu cho biết, Bộ này luôn coi việc hỗ trợ cho các đối tượng là khoản chi quan trọng trong tổng chi an sinh xã hội của ngân sách nhà nước, và cố gắng cao nhất trong phạm vi có thể để đáp ứng khoản chi này.
“Dù ngân sách khó khăn nhưng những năm qua, Chính phủ đã cố gắng nâng mức hỗ trợ này. Hiện nay mức hỗ trợ là 270.000, và khuyến khích các địa phương trong phạm vi ngân sách được phép quyết định cao hơn. Quan điểm của chúng tôi, trợ giúp chính là khuyến khích các đối tượng tự vươn lên và xã hội hóa của các địa phương. Nếu có điều kiện nghiên cứu, có thể nâng lên”, ông Hiếu nói thêm.
Kết thúc phiên giải trình, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho hay các thành viên Ủy ban nhất trí cao và sẽ đề nghị Thủ tướng chỉ đạo việc rà soát các văn bản, bổ sung các quy định còn thiếu, bất cập, mâu thuẫn trong hệ thống văn bản pháp luật, để tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện chính sách liên quan đến người cao tuổi.
Bên cạnh đó, sớm chỉ đạo tổng kết đánh giá luật Người cao tuổi, để kịp thời kiến nghị Quốc hội điều chỉnh chính sách cần thiết cho phù hợp với tình hình mới, trong đó có đề xuất giảm tuổi hưởng trợ cấp đối với người cao tuổi, phù hợp với tình hình ngân sách Nhà nước.
Về việc nâng mức trợ cấp xã hội hàng tháng đối với người cao tuổi, người khuyết tật, bà Thúy Anh cho biết Ủy ban sẽ đề nghị Chính phủ nghiên cứu chương trình trợ giúp trong giai đoạn tới theo hướng khả thi; đồng thời, xây dựng mức trợ cấp xã hội trong chỉ đạo tương quan với chuẩn nghèo; đồng bộ với chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội; phù hợp với khả năng ngân sách; phù hợp với từng đối tượng, theo tinh thần công bằng nhưng không cào bằng.

Tại nhiều địa phương, người tâm thần đang ở ghép với người nghiện ma túy

Tại phiên giải trình, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, tại các địa phương, số người bị tự kỷ, người tâm thần có chiều hướng gia tăng. Nhiều địa phương liên tục đề nghị xây dựng trung tâm, cơ sở nuôi dưỡng người tâm thần.
“Qua thực tế tại các địa phương, có những nơi còn ghép người tâm thần vào cơ sở bảo trợ, thậm chí còn ghép cả người tâm thần sống cùng người cai nghiện ma túy. Thậm chí, có địa phương còn ghép cả các đối tượng này vào trung tâm nuôi dưỡng người có công. Bộ LĐ-TB-XH kiên quyết yêu cầu phải tách hẳn ra. Chúng ta đã có chủ trương nhưng lại chưa có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này", ông Dung nói, và cho rằng các doanh nghiệp ở địa phương khi đầu tư xây dựng trung tâm nuôi dưỡng người khuyết tật, người cao tuổi, người tâm thần, tự kỷ... cần phải được hỗ trợ ưu đãi về đất đai, thuế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.