Cục CSGT Bộ Công an vừa tổ chức cuộc họp tìm phương thức khắc phục kịp thời những vấn đề phát sinh từ thực tiễn qua quá trình vận hành, khai thác, sử dụng hệ thống camera giám sát xử lý vi phạm trên 2 tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai và Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Báo cáo tại cuộc họp cho biết, sau 8 tháng đưa vào hoạt động, hệ thống camera giám sát trên 2 tuyến cao tốc đã giúp lực lượng CSGT phát hiện, ghi nhận được 28.302 trường hợp vi phạm. Trong đó, lực lượng CSGT đã dừng, lập biên bản tại hiện trường 3.635 trường hợp; đã xác minh, gửi thông báo vi phạm đến 24.167 chủ phương tiện vi phạm (88,2%).
Tuy nhiên, đến nay, số người vi phạm đến thực hiện lập biên bản, nhận quyết định xử phạt chỉ có 6.474 trường hợp, với số tiền nộp phạt khoảng 19 tỉ đồng.
Tại cuộc họp, thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó cục trưởng Cục CSGT, nhìn nhận hệ thống camera giám sát đã làm thay đổi phương thức tuần tra kiểm soát của lực lượng CSGT, tiến tới sẽ tích hợp với cổng dịch vụ công quốc gia trong xử lý vi phạm hành chính, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; phòng ngừa, răn đe người vi phạm; nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông; đồng thời có tác dụng trong việc phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm trên tuyến giao thông.
Thông qua hệ thống giám sát, Đội tuần tra kiểm soát đường bộ cao tốc số 1 đã phối hợp với Công an các địa phương Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ tra cứu, xác minh thông tin di chuyển của phương tiện nghi sử dụng trong vụ án cướp tài sản, gây tai nạn giao thông bỏ chạy; chủ động bố trí lực lượng, dừng kiểm tra bắt giữ 2 vụ vận chuyển người trái phép qua biên giới (12 đối tượng người nước ngoài); tra cứu thông tin phương tiện phục vụ điều tra vụ cướp tài sản trả lời Công an tỉnh Yên Bái.
Tuy nhiên, Cục CSGT cũng nhìn nhận, việc nhiều trường hợp vi phạm chưa đến để thực hiện việc nộp phạt là vấn đề phát sinh, đòi hỏi lực lượng CSGT cần có biện pháp để giải quyết.
Theo thiếu tướng Lê Xuân Đức, đối với các trường hợp vi phạm đã gửi thông báo nhưng chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện chưa đến giải quyết, các đơn vị CSGT tiếp tục gửi thông báo cho công an xã, phường, thị trấn yêu cầu đến xử lý, cập nhật vào phần mềm Trang thông tin điện tử của Cục CSGT, phần mềm Hệ thống giám sát, để cảnh báo phương tiện vi phạm; đồng thời, gửi cho cơ quan Đăng kiểm để đưa vào cảnh báo trên Chương trình quản lý kiểm định và yêu cầu người vi phạm phải chấp hành xử lý vi phạm.
Bên cạnh đó, Cục CSGT yêu cầu các đơn vị nghiên cứu để đề nghị các cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Trong đó, đề nghị bổ sung một số điều của luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, phù hợp với thực tiễn ứng dụng khoa học công nghệ ở Việt Nam hiện nay; nghiên cứu sửa đổi Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định mở rộng các trường hợp được thực hiện xác minh xử phạt đối với hành vi vi phạm không làm thủ tục đăng ký sang tên xe;
Đồng thời, quy định cụ thể hơn trách nhiệm của chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện vi phạm có trách nhiệm hợp tác với lực lượng CSGT khi nhận được thông báo vi phạm; giải quyết hành vi vi phạm được phát hiện qua phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.
Bình luận (0)