Sương bao phủ tứ bề trong đêm tối. Gió mang hơi nước phả vào mặt lạnh ngắt. Bạn tôi lội bì bõm trong làn nước sâu từ đầu gối đến bụng kéo chiếc ghe và gỡ từng trái nò đổ tôm, cua, cá vào rổ trên ghe. Mẹ anh nhanh tay phân loại để kịp phiên chợ sớm với mớ hải sản tươi rói vừa vớt lên từ đầm Lâm Bình.
Nhọc nhằn trong đêm lạnh
|
Vào mùa nắng, ven đầm là nơi trú ngụ của nhiều loài chim. Chúng đến đây kiếm ăn, kết bạn tình rồi làm tổ để duy trì nòi giống. Khi những cơn gió se lạnh cuối thu tràn về, lũ chim vội bay đi tìm nơi ấm áp trú tránh mùa đông lạnh giá.
Tôi phụ anh Thuần đẩy chiếc ghe nhỏ xuống nước, chiếc ghe lướt nhẹ trên mặt nước dần xa bờ. Vừa chèo ghe, anh tranh thủ giảng giải: “Đánh cá bằng đăng nò dùng lưới nhựa đan dày, cột vào hàng cọc tre cắm xuống đáy với chiều dài mỗi giàn từ 15 - 20 m, cao 1,2 m. Phần cuối đặt 2 trái nò bằng khung sắt và lưới nhựa nối liền với lưới chắn. Mỗi giàn tốn từ 2 - 3 triệu đồng. Cá bơi men theo lưới rồi chui vào nò và nếu là cá lớn thì bị nhốt lại, không thể trở ra. Để tôm, cá vào nhiều thì phải luôn di chuyển giàn nò phù hợp với mức nước trong đầm”.
Sau khoảng hai mươi phút, anh xuống nước, kiểm tra giàn đăng nò đầu tiên rồi đổ vào chiếc rổ đan bằng tre mọc trong làng. Chỉ có ít cá nhỏ và tôm đất cùng vài con cua đồng. Mẹ anh nhanh tay phân riêng từng loại tôm đất, cá và cua “để chúng vẫn còn tươi rói khi đến tay người mua”. Anh Thuần lội nước, kéo chiếc ghe sang kiểm tra trái nò bên kia giàn đăng lưới. “Vẫn chỉ có thế”, anh thở dài.
|
Sau hơn 2 giờ đồng hồ, trên ghe có khoảng 2 kg cua, vài lạng tôm đất cùng mớ cá nhỏ. Bỗng có tiếng quẫy mạnh. Con cá mè nặng hơn 1 kg nằm trong lòng ghe lấp lánh vảy bạc. Và niềm vui sướng khi thêm con cá mè cũng nặng chừng ấy quẫy mạnh trong chiếc nò vừa vớt lên khỏi mặt nước. “Nhiều người cho rằng đánh bắt theo kiểu đăng nò sẽ tận diệt nguồn thủy sản. Thực ra, không phải vậy. Những loài cá chui vào nò lớn lắm cũng chỉ trên dưới ngón tay: cá ngạnh, mại trắng, đỗ dạ, tôm đất và cua. Hiếm lắm mới được cá mè vào nò. Chắc cháu nhẹ vía nên hôm nay mới gặp may như thế. Bữa nay sẽ bán được khoảng 150.000 đồng”, mẹ anh nói.
Anh gọi vọng sang những người đang đội đèn pin trên đầu, lúi húi kiểm tra đăng nò, đổ cá vào ghe: “Hôm nay có nhiều không?”. Vẳng sang tiếng trả lời: “Chẳng được bao nhiêu”. Chúng tôi cùng nhiều người vội trở vào bờ khi trời vừa hửng sáng. Những tiếng xuýt xoa vì lạnh. đường trở về với bao chuyện ruộng mạ, làng quê cùng nỗi lo kiếm tiền trang trải trong cuộc sống, con em đến trường.
Làng bè rớ Lâm Đen
Đầm Lâm Bình (thuở trước gọi là Lâm Đen) tựa chiếc gương khổng lồ soi nền trời xanh thẳm. Khi mưa giăng kín đất trời, nước lũ đổ về khiến những cánh đồng ven đầm chìm trong biển nước mênh mông, từng đàn cá tung tăng bơi lội, tìm nơi tình tự để duy trì giống nòi. Cửa đầm nối với sông Trường và sông Lò Bó trước khi hòa vào dòng nước sông Thoa đổ ra biển cả qua cửa Mỹ Á. Nơi hợp lưu những dòng nước lãng du lượng tôm, cá khá phong phú, là nguồn thực phẩm chủ yếu hiện diện trong bữa cơm của người dân quanh vùng và chuyển đến phiên chợ làng xa.
Những bậc cao niên kể rằng: Thuở trước, nhiều người ở nơi khác đến đây mưu sinh với nghề bè rớ đánh bắt cá, tôm trên đầm. Họ mua những cây tre còn tươi, dùng rựa trảy sạch mắt rồi xếp sát vào nhau. Sau đó, họ đặt 4 - 5 đà ngang rồi dùng dây mây rừng buộc chặt từng cây tre vào đà với chiều rộng từ 3 - 4 m. Những chiếc bè vững chãi, đủ sức ngâm mình trong nước, dãi dầu mưa nắng hàng chục năm được kết nối từ 4 - 5 lớp tre như thế xếp chồng lên nhau.
Phía đằng sau, họ làm một khoang như khoang thuyền là nơi trú ngụ và sinh hoạt cho cả gia đình. Trước mũi bè là giàn rớ khá chắc chắn để đánh bắt cá, tôm. Đêm tối, cả xóm bè rớ treo đèn sáng rực, lấp lóa trên mặt đầm để dẫn dụ cá vào tấm lưới khá lớn cột vào bốn thân tre dài. Mỗi lần hạ và cất rớ bắt cá, tôm kéo dài khoảng mươi phút với sự tham gia của nhiều thành viên trong gia đình nên khung cảnh rất nhộn nhịp.
tin liên quan
Mưu sinh trên “nóc nhà miền Tây”Thuở ban đầu, dân xóm bè rớ mưu sinh và cư ngụ ngay trên bè neo đậu trong đầm. Họ chỉ lên bờ bán cá, tôm và mua những vật dụng cần thiết cho cuộc sống thường ngày. Lâu dần, tình cảm giữa họ với người dân trên bờ gắn bó mật thiết như anh em họ hàng. Họ chia sẻ mớ cá, tôm tươi rói vừa vớt lên khỏi mặt nước và nhận lại thúng lúa vừa gặt nơi đồng quê, rổ khoai vừa đào trên vùng đất gò đồi. Thương cảm kiếp sống lênh đênh trên đầm nước, quan lại và cư dân bản địa nhường cho họ khu đất khá rộng để lập làng và sẻ chia ruộng lúa nước, đất gò đồi để họ làm kế sinh nhai.
Đời nối tiếp đời, họ an cư trên vùng quê nặng nghĩa ân tình. Xóm bè rớ thuở trước chìm dần vào dĩ vãng, được gợi lại qua chuyện kể của những bậc cao niên. Hậu duệ của họ giờ đã quần tụ bên bờ đầm thành xóm làng trù phú yên vui. Sớm mai, con trẻ tung tăng cắp sách đến trường thay cho những bé thơ quẩn quanh trên chiếc bè thuở trước. Nhiều người đỗ cử nhân, tiến sĩ, góp sức xây dựng quê hương, đất nước, sống phương xa nhưng lòng luôn hướng về quê nhà.
Khung cảnh đầm Lâm Đen khá thơ mộng và yên bình với làng quê, ruộng đồng bao quanh. Phía đông là dãy núi Dâu như tòa thành án ngữ ngăn những trận cuồng phong từ biển, phía tây là dãy núi Làng che chắn bão giông.
Chiều phai nắng. Từng đàn cò trắng thong dong tìm mồi ven bờ đầm tạo nên khung cảnh yên bình nơi đồng quê. Những con chim nước cần mẫn kiếm ăn gợi lên hình ảnh người dân quê chịu thương chịu khó lặn lội mưu sinh trên đồng. Xa xa, ngư dân chèo ghe giăng lưới bắt cá trên mặt đầm. Những âm thanh nhịp nhàng, dồn dập phát ra từ thanh gỗ gõ vào mạn ghe vang vọng trên đầm nước mênh mông.
Bình luận (0)