Dệt thổ cẩm và sơn nữ của đại ngàn

23/02/2019 14:00 GMT+7

Nghề dệt thổ cẩm độc đáo, truyền đời của cộng đồng bản địa cao nguyên đại ngàn, vẫn luôn là mạch ngầm tột quý trong không gian văn hóa nơi đây.

Phóng khoáng nghề dệt

Lúa trên nương đã vào kho. Mùa đã vãn hay những buổi tối rỗi việc, những nàng sơn nữ lại ngồi vào khung dệt. Với họ, ngoài việc dệt nên những tấm choàng, áo, váy phục vụ nhu cầu, thì đó cũng là thể hiện sự phóng khoáng, khả năng sáng tạo của mỗi người.
Chị Đinh Lan, ở xã Tơ Tung, H.Kbang (Gia Lai) nói: “Ngày mình còn bé đã ngồi say mê xem mẹ, xem bà con trong làng dệt thổ cẩm. Ngày trước, một cô gái đã trưởng thành phải chứng tỏ mình đã dệt được đồ để sử dụng. Ngày nay, người dệt không nhiều nhưng vẫn có nhiều người biết dệt thổ cẩm. Làm chơi thôi, để mặc khi lễ hội hoặc làng có việc… Bây giờ sản phẩm làm ra, cứ mỗi bộ váy áo phải dệt trong một tuần, bán được trên dưới 1 triệu đồng. Rồi khăn choàng, túi thổ cẩm được bán với giá từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn đồng tùy món”.
Trên khung dệt, những chị em bản địa thoả sức sáng tạo, thử nghiệm những ý tưởng lên từng thớ vải bông. Để dệt nên một tấm thổ cẩm đẹp phải trải qua rất nhiều công đoạn đòi hỏi sự khéo léo và vô cùng tỉ mẩn.
Các nghệ nhân dệt thổ cẩm ở xã Glar, H.Đăk Đoa, Gia Lai Ảnh: Trần Hiếu
Trước đây, để có được những gam màu chủ đạo, bà con thường nhuộm vải theo cách truyền thống. Cần màu nào thì cứ ra rừng chọn các loại lá, hoa… để về chế biến nên. Vì thế màu trên các sản phẩm thổ cẩm dệt thành chủ yếu là màu tự nhiên.
Mỗi màu sắc kết hợp với nhau để dệt nên tấm thổ cẩm đều thể hiện sự tinh túy của đất trời. Màu đen cho đất, màu xanh cho trời, màu vàng biểu hiện cho sự kết hợp hài hòa giữa con người với thiên nhiên, màu đỏ tượng trưng cho sức sống mãnh liệt của con người. Vì thế, phụ nữ phải mất nhiều tháng để trồng bông, trồng dâu, rồi qua nhiều công đoạn mới se được sợi vải để dệt nên tấm thổ cẩm truyền thống.
Chị Mlơnh (ở làng Dôr 2, xã Glar, H.Đăk Đoa, Gia Lai) chia sẻ: “Ngày nào cũng thấy mẹ dệt nên mình học hỏi nhanh hơn. Mới đầu mà học dệt, công đoạn đầu tiên là tạo ra hoa văn rồi học pha màu nữa. Màu rất nhiều nên phải biết cách pha để tạo ra sản phẩm được nhiều người yêu thích”.
Cứ dịp làng có hội, chị em bản địa lại xúng xính trong những váy áo mà họ tự tay dệt nên. Nhìn chị Mlơnh vừa trò chuyện với khách, vừa thoăn thoắt trên khung dệt đã mòn, bóng nước, chúng tôi nghĩ mạch ngầm văn hoá tột quý này phải truyền đời từ những khung dệt trong từng gia đình như thế.

Công phu nghề dệt truyền thống

Xã Kông Lơng Khơng, H.Kbang là một trong số ít những nơi còn nguyên bản cách dệt thổ cẩm truyền thống. Nghệ nhân Đinh Thị Lăm, năm nay 57 tuổi, là một trong số này và sống ổn với nghề. Tận dụng khoảng đất trống trước và sau nhà, bà Lăm đều đặn trồng bông mỗi năm. Một phần sản phẩm thu được bà se thành sợi dành dệt vải, số còn lại làm giống cho mùa sau. Bao năm nay vẫn vậy. “Bông thu hoạch xong thì nhặt bỏ quả bị sâu, hỏng. Sau đó cho vào máy ép để tách hạt, rồi đánh tơi bông và se sợi. Chỉ tính riêng công đoạn làm sợi bông cũng đã mất khá nhiều thời gian rồi", bà Lăm cho biết.
Bà Lăm kể, từ khi còn là cô bé 15 tuổi, bà đã được mẹ truyền dạy cho tất cả các khâu để làm nên một tấm vải thổ cẩm đẹp. Mỗi năm học và tập luyện thêm một chút, sự khéo léo, giỏi giang của bà được bà con khắp trong và ngoài vùng biết đến. Vì thế, sản phẩm dệt của bà luôn được mọi người yêu thích và đặt mua. Cứ tranh thủ lúc nhàn rỗi, bà lại ngồi vào khung cửi, tỉ mẩn với từng đường dệt, từng nét hoa văn cho từng chiếc áo, chiếc váy, chiếc khố, cái mền...
Bà Đinh Thị Lăm (H.Kbang) đang se sợi theo cách truyền thống Ảnh: Trần Hiếu
Mỗi khi dệt được nhiều đồ, bà Lăm lại đem vào tận các xã Đak Smar, Sơ Pai, H.Kbang để bán lấy tiền nuôi con gái út đang học đại học tại TP.Đà Lạt. “Dệt thổ cẩm bằng sợi bông do mình tự làm dù bề mặt không được láng mịn bằng sợi hiện đại nhưng vải lại mềm hơn, bền hơn. Nhưng người nào am hiểu chỉ cần sờ vào vải là biết nó được làm bằng chất liệu gì và hiểu được giá trị của nó. Một bộ đồ dệt bằng sợi bông của nữ gồm váy, áo và thắt lưng có giá khoảng 4 triệu đồng, của nam thì rẻ hơn một chút. Dù đắt nhưng cô cũng không có hàng trữ sẵn để bán vì làm tới đâu là có người mua hết đến đó”, bà Lăm vui vẻ cho biết.
Hơn 40 năm gắn bó với nghề dệt truyền thống, bà Lăm vẫn giữ nguyên cách nhuộm màu mà ông bà từ xa xưa để lại. Thuốc nhuộm được chuẩn bị đặc biệt kỹ càng. Cây chàm được chặt về, sau đó ngâm với nước trong vòng 2 đêm. Lấy nước ấy hòa với tro được đốt từ vỏ ốc đá, bỏ thêm hạt cây thầu dầu để lắng bột. Sau đó dùng phần bột lắng đó trộn với tro đốt từ cây lpui rồi ngâm sợi chỉ vào. Cứ 3 đêm thì đem vắt, phơi khô rồi lại ngâm với hỗn hợp đó. Quy trình ấy cứ lặp đi lặp lại khoảng 8 - 10 lần thì sợi chỉ mới lên màu đẹp và bền như ý.
Chất liệu chủ đạo thổ cẩm trong festival cồng chiêng Tây Nguyên vừa qua ở Gia Lai Ảnh: Trần Hiếu
Chưa hết, sau khi nhuộm màu sẽ được quết một lớp cháo nhuyễn nấu bằng hạt cỏ để khiến sợi vải cứng lại, sau đó mới có thể dệt được. Chỉ nghe bà Lăm kể lại công đoạn nhuộm màu thôi đã thấy vô cùng công phu, tỉ mỉ và tốn rất nhiều thời gian.
“Chỉ chuẩn bị các loại bột để nhuộm cũng rất vất vả rồi, không phải nói làm là làm ngay được. Nếu muốn làm thì năm nay chuẩn bị hết rồi sang năm mới dệt được. Lâu lắm! Mà nhuộm vải mùi hôi lắm nên giờ cũng ít ai chịu làm nữa. Chỉ có mình vẫn muốn giữ cách làm của bà, của mẹ nên kiên trì”, bà Lăm nói.
Bà Lăm kể thêm, ngoài nhuộm màu chàm, ngày trước bà còn nhuộm được màu đỏ từ cây nhâu. Nhưng cây nhâu chỉ có trên rừng, mà nay cũng đã hiếm lắm rồi, không ai đi tìm nó về cho bà nhuộm nữa. Hoa văn màu đỏ và các màu khác trên váy áo đành phải sử dụng sợi mua ngoài chợ. Bà Lăm rầu rầu chỉ đứa cháu của mình nói: “Đấy, cô cũng dạy cho mấy đứa nhỏ cách nhuộm và dệt vải, nhưng mà tụi nó bảo nhiều công đoạn quá nên học không nhớ nổi. Thôi chúng nó biết dệt cũng đã được lắm rồiỉ”.
Chỉ dạy hoa văn cho người trẻ Ảnh: Trần Hiếu
Tuy không mang nhiều tính ứng dụng, song các công đoạn trồng bông, nhuộm vải, dệt thủ công truyền thống của người Bahnar vẫn cần được giữ gìn như một cách bảo tồn một nét đẹp văn hóa đang dần bị lãng quên. Chị Đinh Thị Hà (32 tuổi), làng K’Giang, xã Kông Lơng Khơng, bẽn lẽn nói: “Mình học dệt từ mẹ, từ cô Lăm cũng được mấy năm rồi. Cũng thích tự nhuộm màu nhưng thấy khó và mất nhiều thời gian quá…”.

Thổ cẩm vươn xa

Theo Sở VH-TT-DL Gia Lai, từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau, tỉnh Gia Lai đã hỗ trợ nguồn vốn hơn 7 tỉ đồng để bà con ở các buôn làng thành lập các câu lạc bộ, hợp tác xã dệt thổ cẩm hay những làng nghề, quy tụ các chị em tham gia làm nghề. Việc hỗ trợ này được thực hiện tích cực nhất là trong giai đoạn khoảng 10 năm trở lại đây và thực sự phát huy hiệu quả. Một số hợp tác xã, làng nghề phát triển nhanh chóng, với các mẫu mã có tính thương mại hóa cao, được ưa thích trên thị trường.
Hợp tác xã dệt thổ cẩm xã Glar quy tụ rất đông chị em trong xã Glar và một số xã lân cận thuộc H.Đăk Đoa. Hợp tác xã chính thức thành lập năm 2006 để có tư cách pháp nhân trong thương mại, thương hiệu, nhưng trước đó cả chục năm, nhiều chị em nơi đây đã quy tụ lại để phát triển ngành nghề truyền thống.
Và sau hơn 10 năm thành lập, từ 40 xã viên tham gia với tổng mức vốn đóng góp 15 triệu đồng ban đầu, đến nay, Hợp tác xã Glar đã có hơn 300 hội viên với tổng mức đóng góp lên tới hơn 200 triệu đồng.

 

Dệt thổ cẩm ở xã Glar, H.Đăk Đoa Ảnh: Trần Hiếu
Phụ nữ, từ già tới trẻ đến với hợp tác xã ngày càng đông. Hợp tác xã ngày càng trở nên nổi tiếng với các sản phẩm đã có mặt khắp các tỉnh Tây Nguyên. Glar trở thành nơi để để chị em phụ nữ người Ba Na trong vùng cải thiện thu nhập và bảo tồn ngành nghề truyền thống.
Nghệ nhân Mlop, Chủ nhiệm hợp tác xã dệt thổ cẩm xã Glar (H.Đăk Đoa), nói: “Ngay trong xã Glar thì mấy em rất thích dệt vải. Các cháu gái từ lớp 4, lớp 5, mình đã dạy cho họ rồi. Chị em tìm tòi tạo ra mẫu mã, hoa văn, để giữ lại truyền thống.Tết vừa rồi, nhiều người tìm đến mua làm quà lắm đấy”
Hay Câu lạc bộ dệt thổ cẩm làng Phung, xã Biển Hồ, TP.Pleiku (Gia Lai) cũng là một địa chỉ có uy tín về thổ cẩm. Nghệ nhân Rơ Lan Pel, Chủ nhiệm Câu lạc bộ dệt thổ cẩm làng Phung, chia sẻ: “Công việc này giúp tôi có niềm yêu thích, giúp cho tôi có được sản phẩm đồ truyền thống rất đẹp. Đồng thời, gia đình có thêm thu nhập. Đây cũng là sản phẩm quý báu của cha ông từ ngay xưa. Con cháu cần phải giữ gìn”.
Một gian hàng thổ cẩm của người bản địa ở TX.An Khê (Gia Lai) trong Lễ hội cầu Huê vừa mới diễn ra Ảnh: Trần Hiếu
Sản phẩm thổ cẩm không chỉ “sống” ở cộng đồng làng mà còn vươn xa tới các tỉnh thành trong nước và nước ngoài.
Ông Ksor Phúc, Phó trưởng Phòng Quản lý Di sản văn hóa, Sở VH-TT-DL Gia Lai, cho biết: “Chúng tôi tổ chức thường xuyên và định kỳ các cuộc liên hoan, hội thi tay nghề dệt thổ cẩm từ cơ sở đến cấp tỉnh. Đồng thời, tổ chức hình thành các làng nghề truyền thống, mở các lớp học nghề cho em đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, để từ đó duy trì nghề dệt truyền thống.Với hơn 730.000 lượt khách du lịch đến Gia Lai và sẽ còn tăng nhanh trong những năm tới, đây là dịp để thổ cẩm càng vươn xa”. 

Du khách Hàn Quốc hứng thú với gian hàng thổ cẩm Ảnh: Trần Hiếu
Bao đời nay, nghề dệt thổ cẩm đã gắn liền với đời sống, văn hóa của cư dân bản địa. Và với những cách làm hay của chính quyền và những người yêu nghề truyền thống, dệt thổ cẩm nơi đây đã sống dậy. Sản phẩm dệt thổ cẩm của những nàng sơn nữ, chị em phụ nữ nơi đây đã có mặt ở nhiều cửa hàng lưu niệm, các điểm du lịch.
Có một thoáng buồn là các lễ hội trong các cộng đồng làng dần mai một. Và trong các dịp lễ hiếm hoi ấy, nhiều thiếu nữ đã không lấy áo, váy của người bản địa làm phục trang duy nhất của mình... Có lẽ, đó là góc khuất văn hóa từ các cộng đồng làng trước xu thế hội nhập, hiện đại!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.