Đây là kỷ niệm đáng nhớ của người dân cả nước. Bên cạnh những người xuống đường ôn hòa, vẫn có không ít thanh thiếu niên lợi dụng tụ tập đua xe, phóng nhanh vượt ẩu; nhiều nhóm người, hết “tăng 1” trong quán nhậu kéo nhau ra đường “đi bão”.
Đặc biệt, nhiều gia đình chở theo con nhỏ không đội nón bảo hiểm, vừa lái xe vừa cầm điện thoại quay phim rất nguy hiểm. Không chỉ vậy, một số cô muốn “chơi trội”, xuống đường cởi bỏ quần áo la hét; nhiều người quay phim đưa lên mạng xã hội. Điều này gây phản cảm, trái thuần phong mỹ tục, đi ngược lại tính chất cổ vũ, mừng chiến thắng.
Trong những dịp thế này, Công an TP.HCM phải huy động nhiều lực lượng xuống đường điều tiết giao thông, đảm bảo an ninh trật tự cho người dân cổ vũ trong an toàn. Công an TP kêu gọi người dân cổ vũ bóng đá một cách văn minh, chấp hành nghiêm các quy định về bảo đảm trật tự, trị an; không quá khích, chạy xe gây rối trật tự công cộng... Tuy vậy, thực tế, đã có nhiều tai nạn thương tâm khi xuống đường “đi bão”, để lại những hậu quả nặng nề cho gia đình và xã hội.
Mỗi người phải nhận thức rằng không có gì quý hơn tính mạng, sức khỏe của mình và người khác. Ví như hành động đẹp tại Cần Thơ trong đêm đội tuyển bóng đá nam VN giành huy chương vàng SEA Games 30: người hâm mộ vẫn không quên nhường đường cho xe cứu thương đi qua khu vực ken dày người. Tóm lại, “vui thôi, đừng vui quá!”.
Bình luận (0)