Sáng nay (14.11), thảo luận về luật Quốc phòng, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (thành phố Hồ Chí Minh) băn khoăn về nội dung kinh tế quốc phòng. Theo ông Nghĩa, Nghị quyết của Đảng đã nêu, những gì lực lượng vũ trang không cần thiết chuyển sang các bộ ngành khác quản lý, dân sự hoá. Kinh nghiệm các nước, kể cả những nước có lực lượng vũ trang hùng mạnh, không nhất thiết cái gì cũng quốc phòng làm.
Đại biểu này cho rằng, lực lượng vũ trang tập trung để chiến đấu, đồng thời đề nghị nhất quán quan điểm: Lực lượng vũ trang không làm kinh tế thuần tuý vì lợi ích, lợi nhuận hoặc kinh doanh những điều không phục vụ cho lợi ích quốc phòng.
“Ví dụ như kinh doanh khách sạn, xây nhà ở để bán... chẳng phục vụ gì cho quốc phòng. Toàn dân, Đảng và nhà nước có trách nhiệm chịu mọi kinh phí cho quân đội hoạt động. Thời chúng ta trong rừng, bộ đội cùng với nhân dân tăng gia sản xuất, thời đó đã khác rồi, bất đắc dĩ mới làm kinh tế", ông Nghĩa nói.
Lý do, theo đại biểu này, việc không tập trung vào kinh tế nhằm tăng cường sức mạnh quốc phòng, không phân tán nguồn lực, xây dựng niềm tin, tình cảm của nhân dân với bộ đội, quốc phòng.
“Anh mặc áo quân đội, đi xe biển đỏ mà anh kinh doanh, lại giàu có lên, tài sản nhiều, lại còn có một số sai phạm sẽ ảnh hưởng uy tín, tình cảm của dân với quân đội”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Bộ Quốc phòng không có quan điểm trái ngược nhau mà mọi chủ trương đều thống nhất rất cao bằng văn bản, nghị quyết. Cần hiểu là quân đội không làm kinh tế đơn thuần mà làm kinh tế gắn với quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.
Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (đoàn thành phố Hồ Chí Minh) thì nhìn nhận, việc làm kinh tế xã hội góp phần làm quân đội mạnh lên, nhưng vừa qua có việc chưa đúng, chưa tròn. Ông Hoàng cũng đồng ý nếu quân đội làm kinh tế thì làm kinh tế quốc phòng là chính.
Đại biểu này cũng cho biết, Bộ Chính trị đã thông qua chủ trương về đề án của Quân uỷ Trung ương Bộ Quốc phòng đề xuất về sản xuất, kinh tế quốc phòng. Đề án chính thức tái cơ cấu sắp xếp các doanh nghiệp quân đội cũng vừa được thông qua, theo đó hơn 100 doanh nghiệp quân đội sẽ được giảm xuống và cổ phần hoá thoái vốn hết, chỉ còn 17 doanh nghiệp, trong đó 5 doanh nghiệp có cổ phần và 12 doanh nghiệp vốn chủ sở hữu nhà nước.
Bình luận (0)