Địa phương không áp biện pháp cao hơn yêu cầu của Thủ tướng

29/04/2020 06:40 GMT+7

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu không được lơ là, mất cảnh giác, đặc biệt là những người làm công tác phòng, chống dịch, bởi 'lúc này chưa phải là lúc xả hơi hoàn toàn'.

Thông điệp trên được Thủ tướng nhấn mạnh khi kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 28.4 bàn về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, nhằm tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống nhân dân, nhất là một số ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng như du lịch, dịch vụ ăn uống, hàng không.

Không được lơ là, mất cảnh giác

Cụ thể, phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu không được lơ là, mất cảnh giác, đặc biệt là những người làm công tác phòng, chống dịch, bởi “lúc này chưa phải là lúc xả hơi hoàn toàn”. Các cơ quan chức năng, đặc biệt Ban Chỉ đạo quốc gia, cần tiếp tục thực hiện chiến lược được đề ra, kiên quyết ngăn chặn dịch xâm nhập, phát hiện sớm, khoanh vùng dập dịch một cách kịp thời, hiệu quả. Mặc dù nguy cơ thấp, không có ca lây nhiễm trong cộng đồng trong 12 ngày qua, nhưng việc tổ chức thực hiện Chỉ thị 19 trên một số góc độ, một số khu vực cần phải tiếp tục được quan tâm, nhất là trong kỳ nghỉ kéo dài.

TP.HCM nới lỏng, cho phép tập trung dưới 30 người nơi công cộng

Ngày 28.4, UBND TP.HCM ban hành quyết định hướng dẫn các sở, ngành và 24 quận, huyện thực hiện Chỉ thị 19 của Thủ tướng, áp dụng từ hôm nay (29.4). Cụ thể, cơ sở làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ, spa, massage, xông hơi; các khu vui chơi giải trí, sân khấu, rạp chiếu phim, trung tâm tiệc cưới, vũ trường, quán bar, karaoke, pub, beer club, hát với nhau, các điểm kinh doanh trò chơi điện tử tiếp tục tạm dừng hoạt động. Về lĩnh vực lưu trú, các cơ sở kinh doanh theo mô hình homestay và AirBnb ngừng nhận khách mới. Các lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, sự kiện tập trung đông người tại nơi công cộng, sân vận động và các sự kiện lớn chưa cần thiết cũng phải tạm dừng hoạt động.

Đáng chú ý, TP.HCM nới lỏng, cho phép tập trung nơi công cộng và các hoạt động hội họp từ 30 người trở xuống. Các lĩnh vực khác được phép hoạt động nhưng phải thực hiện theo bộ tiêu chí đánh giá mức độ hoạt động an toàn phòng chống dịch. Cơ quan chức năng và chính quyền địa phương rà soát lại bộ tiêu chí để điều chỉnh cho phù hợp, đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19.
Các cơ quan, đơn vị nhà nước làm việc bình thường, các cuộc họp không quá 30 người tham dự, đảm bảo giãn cách tối thiểu giữa 2 người là 1 m, vệ sinh phòng họp và vật dụng tiếp xúc với người dự họp. TP.HCM yêu cầu đẩy mạnh giải quyết các thủ tục hành chính qua mạng, hệ thống bưu điện và ứng dụng công nghệ thông tin để họp trực tuyến cũng như trao đổi công việc. Người dân ở TP.HCM phải đeo khẩu trang nơi công cộng và nơi làm việc, đảm bảo giữ khoảng cách 1 m và hạn chế ra khỏi nhà nếu không thật sự cần thiết…
Sỹ Đông
Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu chính quyền cơ sở phải kiên quyết thực hiện các biện pháp đã nêu ra, đặc biệt là chống tình trạng tập trung đông người, không tuân thủ các biện pháp phòng dịch thông thường. Tuy nhiên, cần nới lỏng, khôi phục các hoạt động xã hội, khởi động tích cực, tăng tốc phát triển kinh tế ở lĩnh vực có hệ số an toàn cao, trên cơ sở phương án phòng dịch, nhất là phản công, dập dịch nhanh nếu phát hiện. “Chủ tịch UBND các địa phương có thể xem xét nới lỏng một số ngành khác để phát triển sản xuất kinh doanh”, Thủ tướng nói, đồng thời cho rằng tất cả các địa phương phải chủ động đề ra các biện pháp chống dịch theo mức nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trên địa bàn phù hợp với điều kiện của địa phương mình, cân nhắc không áp dụng các biện pháp cao hơn yêu cầu của Thủ tướng để tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống nhân dân, nhất là một số ngành đạt quá thấp, bị ảnh hưởng nghiêm trọng như du lịch, dịch vụ ăn uống và đặc biệt là ngành hàng không. Thủ tướng cũng lưu ý ngăn chặn có hiệu quả tình trạng tiêu cực, tham nhũng lợi ích nhóm trong mua các thiết bị y tế, nếu phát hiện tiêu cực, tham nhũng phải chuyển đến cơ quan điều tra để xử lý nghiêm.

Sớm đưa tiền hỗ trợ đến người dân

Về các đề nghị của Ban chỉ đạo, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần cho phép và tạo điều kiện tối đa xuất khẩu khẩu trang y tế, các thuốc điều trị Covid-19 và vật tư y tế. Thủ tướng nêu rõ yêu cầu đẩy mạnh xuất khẩu nhưng phải đảm bảo chất lượng sản phẩm, giữ gìn uy tín quốc gia. Người đứng đầu Chính phủ cũng đồng ý về nguyên tắc xem xét bổ sung Nghị quyết 37 của Chính phủ về một số nhóm đối tượng hưởng chính sách về phòng, chống dịch và giao Bộ Y tế khẩn trương phối hợp với Bộ Tài chính hoàn thiện trình Chính phủ; cho phép các đơn vị chưa đủ năng lực xét nghiệm hoặc có quá nhiều mẫu cần xét nghiệm được đặt hàng các đơn vị y tế khác có đủ năng lực (cả công lập và tư nhân) cũng như đồng tình với phương án cách ly chuyên gia, công nhân lành nghề, nhà quản lý về VN theo hướng thuận lợi, phù hợp.
Các khu công nghiệp, khu du lịch, các đô thị đông dân cư, chợ, siêu thị, các nơi có mật độ giao lưu, giao thương lớn có sự kiểm soát, đôn đốc thực hiện những biện pháp phòng chống dịch. Các địa phương và ngành giáo dục cần lưu ý việc bảo đảm an toàn khi học sinh đi học trở lại; Bộ GD-ĐT chủ trì phối hợp với Bộ Y tế hướng dẫn thật cụ thể, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện. Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Y tế, với các địa phương triển khai các biện pháp kiểm soát y tế đối với những người về VN qua đường mòn, lối hẻm. Bộ GTVT căn cứ diễn biến dịch, đặc biệt là nhu cầu đi lại của nhân dân, hướng dẫn việc bảo đảm an toàn và quyết định việc tăng dần tần suất các chuyến bay nội địa phù hợp, cũng như khách đi tàu lửa, ô tô, bảo đảm số chuyến, không để dồn ứ hành khách có nhu cầu đi lại.
Dịp này, Thủ tướng cũng lưu ý sớm đưa tiền hỗ trợ đến người dân kịp thời.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.