Đoàn ĐBQH TP.HCM lấy ý kiến góp ý Luật hòa giải, đối thoại tại tòa

02/03/2020 15:52 GMT+7

Chiều 2.3, Đoàn ĐBQH TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý cho dự thảo luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, nhằm chuẩn bị cho kỳ họp quốc hội lần thứ 9 khóa 14 sắp tới.

Hòa giải, đối thoại theo dự thảo trên được thực hiện trước khi tòa án thụ lý đơn khởi kiện vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, đơn khởi kiện vụ án hành chính thuộc thẩm quyền của tòa án.
Đây được xem là khâu tiền tố tụng tại tòa án, được đặt tại trụ sở các tòa án, nhưng không phải là một tổ chức có cơ cấu, bộ máy riêng, không thuộc biên chế của TAND. Đây là một tổ chức tự quản của các hòa giải viên, đối thoại viên, có chức năng điều phối hoạt động hòa giải vụ việc dân sự, đối thoại khiếu kiện hành chính, được TAND hỗ trợ một số hoạt động.

Giảm tải công việc của tòa, không thay hoạt động của tòa

Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại hội thảo, khi nhiều ý kiến cho rằng, nếu như hòa giải không thành, tòa thụ lý thì không cần thủ tục hòa giải trong tố tụng.
Luật sư Nguyễn Bảo Trâm (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết hòa giải, đối thoại tại tòa án làm giảm tải công việc chứ không thay hoạt động của tòa án.
“Các hòa giải viên thực ra chỉ làm giảm tải công việc của tòa án chứ không phải làm thay hoạt động xét xử của tòa án, trong đó có hoạt động hòa giải theo quy định của luật tố tụng. Và theo tôi cũng không cần thiết phải sửa đổi các bộ luật tố tụng hiện hành theo hướng đối với những vụ việc qua hòa giải, đối thoại trước khi tòa án thụ lý thì khi vào khâu thụ lý thì không cần phải hòa giải nữa, mà đưa ra xét xử luôn, trừ khi các bên có yêu cầu”, luật sư Trâm nêu ý kiến.
Theo luật sư Trâm việc hòa giải, đối thoại là việc hiển nhiên lâu nay mà Việt Nam đã khuyến khích thực hiện và đến cả giai đoạn giám đốc thẩm, tòa án cũng khuyến khích hòa giải, vì vậy khi tòa án thụ lý các vụ án trước đó qua hòa giải không thành thì tiếp tục áp dụng đúng quy định hòa giải trong tố tụng hiện hành.
Bà Trần Thị Thương (Phó chánh văn phòng TAND TP.HCM) cho biết trong 9 tháng, TAND TP.HCM thí điểm 10 trung tâm hòa giải, đối thoại thì đã nhận hơn 6.000 vụ việc và đã hòa giải thành 70 - 80%.
Theo bà Phương, khi có những tranh chấp phát sinh trong dân sự hay khiếu kiện hành chính, con đường xét xử tòa án không phải là con đường duy nhất, mà còn có biện pháp khác và hòa giải, đối thoại tại tòa án là biện pháp hay và được áp dụng tại các nước theo xu thế chung. Do đó, những vấn đề trong dự thảo là đi sát với thực tiễn.

Tính đến việc thu phí hòa giải thành

Ngoài ra, hội thảo cũng đưa ra ý kiến nên chăng phải thu phí hòa giải, đối thoại tại tòa án sau khi hòa giải thành. Theo một số chuyên gia, khi thí điểm có thể không thu phí nhưng đã luật hóa thì nên tính đến việc thu phí. Bởi, tòa án, thi hành án cũng thu phí thì hòa giải cũng nên thu phí để hỗ trợ, đảm bảo kinh phí cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại tòa. Tất nhiên, mức thu sẽ mang tính hỗ trợ, không cao.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.