Ngày 19.3, UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm hoạt động của Tổ công tác về đầu tư và lắng nghe các ý kiến của doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước nhằm cải thiện môi trường đầu tư.
"Doanh nghiệp như trái banh"
Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở KH-ĐT TP.HCM, thông tin sau 3 năm thành lập, Tổ công tác về đầu tư đã kết luận hướng dẫn xử lý vướng mắc cho 92 dự án. Đến nay, các vướng mắc của 35 dự án với tổng mức đầu tư hơn 320.000 tỉ đồng cơ bản thực hiện xong nội dung chỉ đạo, các khó khăn đã được tháo gỡ, đang triển khai thực hiện các bước đầu tư tiếp theo. Đối với 57 dự án còn lại, các cơ quan chức năng đang rà soát lại pháp lý, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn lấy ý kiến hướng dẫn của các bộ ngành hoặc xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng để củng cố hồ sơ pháp lý, làm cơ sở tiếp tục triển khai dự án. Ngoài ra, tổ công tác cũng tiếp nhận, phân loại, xử lý 108 đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Tại hội nghị, đại diện nhiều doanh nghiệp bày tỏ khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp gặp phải chính là thủ tục hành chính, sự chồng chéo giữa các quy định pháp luật và cả sự đùn đẩy trách nhiệm của một số cán bộ sở ngành.
Bà Huỳnh Thị Lan Phương, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH xử lý chất thải Việt Nam, cho hay ngay sau khi nhận được đề nghị của UBND TP.HCM chuyển đổi công nghệ từ chôn lấp hợp vệ sinh sang đốt rác phát điện thì doanh nghiệp đã làm việc với Sở TN-MT về các thủ tục thực hiện. Nhưng sau đó, Sở TN-MT lại chuyển qua Sở KH-CN thẩm định về công nghệ, kế tiếp Sở KH-CN trả lời rằng do giá trị đầu tư lớn, không thuộc thẩm quyền của Sở KH-CN mà cần phải đưa qua Bộ KH-CN. Khi ra Bộ KH-CN thì bộ này trả lời phải chuyển qua Bộ KH-ĐT, tiếp đó Bộ KH-ĐT lại chuyển về Sở KH-CN.
Qua sự việc hồ sơ chạy lòng vòng của doanh nghiệp, bà Phương cho rằng thủ tục hành chính là vấn đề mà TP.HCM cần cải thiện để thu hút đầu tư, kinh doanh. “Nhiều nơi coi doanh nghiệp như trái banh đá qua đá lại, nhiều doanh nghiệp khác cũng gặp trường hợp này. TP.HCM cần có những kênh để khi doanh nghiệp khó khăn có nơi trình bày, tiếp xúc và có sự phản hồi, tạo ra sự gắn kết giữa doanh nghiệp và chính quyền”, bà Phương đề xuất.
Sau phần trình bày của bà Phương, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết đã giao Phó chủ tịch UBND Lê Hòa Bình và Giám đốc Sở TN-MT giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp trong tuần tới.
Cũng tại hội nghị, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp cơ khí - điện, nêu nhiều doanh nghiệp nói rằng thủ tục đầu tư vào các tỉnh Bắc Ninh, Phú Thọ, Đồng Nai, Bình Dương nhanh hơn TP.HCM. Như 8 doanh nghiệp ngành cơ khí điện có giấy phép đầu tư từ cuối năm 2017 vừa qua mới chỉ có 2 doanh nghiệp khởi công. Trước thực trạng doanh nghiệp cơ khí - điện nằm rải rác trong khu dân cư, ông Tống đề nghị TP.HCM quy hoạch khu công nghiệp (KCN) hoặc cụm công nghiệp cơ khí điện để doanh nghiệp đầu tư, tăng sự hợp tác.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp khu chế xuất TP.HCM, cho rằng cần tháo gỡ các vướng mắc về đất đai để thu hút luồng dịch chuyển nguồn vốn FDI từ các nước về Đông Nam Á và Việt Nam.
Quá 15 ngày không trả lời coi như đồng ý
Nhận được nhiều đơn kêu cứu của doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nói có những hồ sơ vướng quy định pháp luật, có hồ sơ chậm trễ do sự thiếu tích cực của cán bộ, TP đã thấy được và yêu cầu kiểm điểm, xử lý.
Trước kiến nghị về đầu tư KCN chuyên ngành, ông Phong bày tỏ ủng hộ và cho biết Chính phủ đã cho phép TP.HCM chuyển khoảng 1.090 ha từ đất nông nghiệp sang đất công nghiệp, hiện làm điều chỉnh quy hoạch các KCN. Sắp tới, TP.HCM sẽ đề xuất một số cơ chế chính sách để tiếp tục xây dựng tập đoàn kinh tế mạnh, giữ vai trò đầu đàn từng bước vươn tầm khu vực.
Về hoạt động của tổ công tác đầu tư, ông Phong nhấn mạnh đây là mô hình đầu tiên của cả nước nhằm đẩy nhanh tiến độ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án trên địa bàn TP.HCM. Tuy nhiên, thực tế có một số dự án vướng mắc về pháp luật nên cần phải báo cáo xin ý kiến các bộ. Ông Phong yêu cầu Sở KH-ĐT thường xuyên rà soát các khó khăn vướng mắc của dự án, đặc biệt là dự án trọng điểm để giải quyết, theo dõi chặt chẽ việc thực hiện kết luận của tổ công tác đầu tư, không để chậm trễ các nhiệm vụ, công việc đã có kết luận, có thời hạn, thời hiệu. Các doanh nghiệp gặp khó khăn có thể liên hệ Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM cũng như Sở KH-ĐT.
Cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 8 dự ánTại hội nghị, UBND TP.HCM đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 8 dự án với tổng vốn đầu tư 23.145 tỉ đồng; trao chủ trương đầu tư cho 5 dự án, tổng vốn đầu tư gần 15.000 tỉ đồng. Bên cạnh đó, trao giấy phép xây dựng cho dự án chung cư Cô Giang, Q.1 với tổng vốn đầu tư 3.000 tỉ đồng của Công ty CP phát triển Đất Việt.
Đáng chú ý, UBND TP.HCM đã trao nghị quyết của Chính phủ cho Công ty Lotte Properties HCMC đối với dự án Khu phức hợp thông minh - Thủ Thiêm Eco Smart City tại khu chức năng số 2A trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm với tổng vốn đầu tư 20.100 tỉ đồng. Dự án này hướng đến mục tiêu hình thành và phát triển khu trung tâm tài chính, thương mại - dịch vụ tổng hợp và dân cư đa chức năng.
|
Để tránh tình trạng chờ đợi hồ sơ từ các sở ngành, ông Phong cho rằng nếu quá 15 ngày làm việc, cơ quan được lấy ý kiến không trả lời bằng văn bản thì xem như đồng ý và phải chịu trách nhiệm về các nội dung có liên quan. “Sau này nếu có sự cố gì xảy ra thì sở ngành đó chịu trách nhiệm, thậm chí liên quan đến thanh tra, kiểm tra”, ông Phong nói. Ngoài ra, trong quá trình giải quyết hồ sơ cho doanh nghiệp, nếu có sửa đổi, bổ sung hồ sơ thì thông báo một lần bằng văn bản cho doanh nghiệp, nhà đầu tư về toàn bộ các nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung.
“Thực tế hiện tôi đã nhận được một đơn của doanh nghiệp nước ngoài phàn nàn về chuyện này. Một lần kêu lên sửa cái này, sửa xong lại mời lên sửa cái khác. Liên tục như thế ai mà chịu nổi”, ông Phong nhìn nhận và yêu cầu tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “ngâm” hồ sơ, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Bình luận (0)