'Độc cô cầu bại của võ Việt' - Kỳ 1: Thần cước Lê Thanh Tùng

16/02/2018 08:00 GMT+7

Trong cuộc đời làm võ sĩ, ông Lê Thanh Tùng bất bại và luôn hạ đối phương trong vòng 1 đến 2 hiệp bằng đòn chân nên được mệnh danh là “Thần cước”.

Tháng 9.2017, võ sư Lê Thanh Tùng, tay đấm một thời được mệnh danh "độc cô cầu bại", đệ nhất cao thủ ở miền Nam trước năm 1975, sau mấy mươi năm ròng biệt tăm bỗng hội ngộ cùng bạn bè ở TP.Pleiku (Gia Lai) khiến giới võ thuật xôn xao, còn người hâm mộ vô cùng hoan hỉ.
Năm nay, võ sư Lê Thanh Tùng 68 tuổi nhưng ông rắn rỏi, mạnh khỏe hơn so với tuổi của mình khá nhiều. Ông Tùng cho biết đã cùng gia đình sang định cư tại Mỹ từ năm 1978. Sau khi nghỉ hưu, năm 2011, ông Tùng trở về sống tại TP.HCM. Năm 2012, ông kết hôn và về quê vợ ở một làng ven biển xã Xuân Thịnh (TX.Sông Cầu, Phú Yên) ẩn cư, vui thú điền viên và chuyên tâm vào nghiên cứu võ học.
Khởi đầu từ quyền anh
Năm 1956, võ sư Lê Đại Hoan (quê ở Đồng Nai) mở một võ đường tại Sài Gòn và mong muốn cậu con trai Lê Thanh Tùng vừa lên 6 tuổi sẽ kế nghiệp mình. Nhưng cách huấn luyện khắc nghiệt của ông Hoan quá sức đối với một đứa bé 6 tuổi nên niềm đam mê học võ của cậu con trai vơi dần. Suốt mấy năm liền, ông Tùng luyện võ chỉ để đối phó với cha nhưng lại ngày càng đam mê âm nhạc, ca hát. Khuyên bảo con trai nhưng không hiệu quả, mỗi khi bạn bè hỏi về con trai, võ sư Hoan chỉ biết than ngắn thở dài chuyện “cha làm thầy, con đốt sách”.
Trong một lần chứng kiến cậu con trai 15 tuổi của mình luyện guitar thay vì luyện võ, ông Hoan tức giận đập vỡ cây đàn. Khi ấy, chàng trai Lê Thanh Tùng rất thất vọng vì cây đàn là tài sản và niềm hứng khởi duy nhất của ông vào thời điểm đó. 
Võ sư Lê Thanh Tùng ẢNH: HOÀNG TRỌNG
Một dịp đến thăm ông Hoan, võ sư Tám Denis (võ sư môn quyền anh, người gốc Pháp) nghe chuyện cậu con trai "mê đàn, không mê võ" liền “đàm phán” và thuyết phục Tùng tham gia tập luyện quyền anh với các võ sĩ nước ngoài.
“Hằng ngày, tôi và bác Tám Denis mỗi người một chiếc xe, đạp 15 km để đến sân vận động Cộng Hòa tập luyện quyền anh. Tôi rất hào hứng với môn võ thuật này. Thời đó, các võ sư lừng danh ở đất Sài Gòn như Minh Cảnh, Huỳnh Tiền, Kid Dempsey… đều có mở lò dạy võ tại các sân vận động Cộng Hòa và Phan Đình Phùng (cũ)”, võ sư Lê Thanh Tùng nhớ lại.
Luyện tập quyền anh được 3 năm, ông Tùng lần lượt thắng tất cả các võ sĩ đồng hạng 48kg đương thời, thậm chí thắng luôn võ sĩ Xuân Thanh, nhà vô địch quyền anh quốc gia hạng 51 kg. Khi niềm đam mê võ thuật được khơi lại, ông Tùng mới hiểu được cha mình nên trở lại tập luyện võ cổ truyền tại võ đường Lê Đại Hoan và chuyển sang thi đấu tự do.
Nhà vô địch quốc gia 20 tuổi
Từ khi trở về thi đấu cho võ đường Lê Đại Hoan, ông Tùng bách chiến bách thắng trên các võ đài từ Sài Gòn cho đến các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên… Năm 1970, bước sang tuổi 20, ông Tùng giành chức vô địch hạng cân 51 kg tại giải đấu toàn quốc do Tổng Cuộc quyền thuật Việt Nam (ở miền Nam) tổ chức. Hầu hết các trận đấu, ông Tùng đều hạ đối phương trong vòng 1 đến 2 hiệp và đều dùng đòn chân nên được mệnh danh là “Thần cước”.
Võ sĩ Lê Thanh Tùng (bên phải) giành chiến thắng trước võ sĩ Minh Cường Ảnh: Tư liệu gia đình
Võ sư Lê Thanh Tùng kể lại, giải đấu năm 1970 quy tụ rất nhiều võ sĩ giỏi từ các tỉnh, thành toàn miền Nam lúc bấy giờ tham gia. Để đi đến chiến thắng cuối cùng, ông trải qua 5 vòng đấu nhưng trận khó khăn nhất là ở vòng bán kết, đối thủ là võ sĩ Lý Ngọc Long. Ông Long là nhà vô địch đai đen Taekwondo toàn miền Nam chuyển sang học võ cổ truyền, thi đấu cho võ đường của võ sư Lý Huỳnh. Trận chung kết, ông Tùng đánh thắng võ sĩ Minh Cường (của võ đường Minh Sang) cũng rất nổi tiếng ở Sài Gòn.
Năm 1971, ông Tùng rời Sài Gòn đi các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên tìm các võ sĩ nổi tiếng để thi đấu, học hỏi thêm về võ thuật. Nhờ luyện tập quyền anh và các môn võ cổ truyền, ông Tùng nhận ra rằng võ cổ truyền có nhiều đòn thế hiểm nhưng cũng có không ít động tác dư thừa, chỉ đánh đẹp mắt mà lại kém hiệu quả.
“Thi đấu trên đài là phải tụ lực chứ không thể tản lực, tức là tung đòn phải hiệu quả để hạ đối phương chứ không thể ra chiêu đẹp mắt nhưng phí sức. Vì vậy, phải tập trung luyện tập, hình thành thói quen phản xạ bằng các đòn đánh, thế đá cho hiệu quả chứ không nên đánh theo bài vở khiến đối phương dễ bắt bài rồi tung đòn đối phó”, võ sư Lê Thanh Tùng nói.
Ông Tùng (bìa phải) giành giải vô địch năm 1970, tiếp theo là các võ sĩ Minh Cường, Lý Ngọc Long ẢNH TƯ LIỆU GIA ĐÌNH
Theo ông Tùng, võ sĩ quyền anh khi tập luyện chỉ tập trung vào 3 đòn đánh tay rất hiệu quả, gồm: đòn thẳng, vòng cung từ bên ngoài vào và đòn móc từ dưới lên. Sử dụng những đòn này thì khoảng cách từ vị trí ra đòn đến vị trí của đối phương rất ngắn, ít phí sức trong khi đối phương ít có thời gian chống đỡ. Khi luyện võ cổ truyền để thi đấu tự do, ông Tùng áp dụng nguyên lý đòn tay vào các đòn chân. Nhờ vậy, các đòn chân của ông rất nguy hiểm, có thể 1 đòn là hạ gục đối phương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.