'Độc cô cầu bại của võ Việt' - Kỳ 3: Đêm còn hay mất giữa 2 võ đường

18/02/2018 08:51 GMT+7

Là võ sĩ giỏi, lại điển trai, ông Lê Thanh Tùng được nhiều người đẹp đương thời yêu mến, các võ sư tên tuổi cũng muốn nhận ông làm con rể.

Sau nhiều lần thách đấu thất bại, võ đường của võ sư Hà Trọng Sơn (Bình Định) đã có trận quyết đấu với võ đường của võ sư Lê Đại Hoan (Sài Gòn) tại tại xã Hòa Nghĩa (nay thuộc TP.Cam Ranh, Khánh Hòa) vào cuối năm 1972.
Nụ hồng sau chiến thắng
Lần gặp nhau tại Hòa Nghĩa, võ sư Hà Trọng Sơn cử võ sĩ Huỳnh Bông (ở Phú Yên) đại diện cho võ đường của mình để thượng đài với võ sĩ Lê Thanh Tùng. Tại buổi cà phê sáng trong ngày thượng đài, trước nhiều võ sư, võ sĩ, võ sư Mười Tường (tên thật là Lê Văn Tường), Trưởng Ban tổ chức trận đài tại Hòa Nghĩa, nói với võ sĩ Lê Thanh Tùng: “Tối nay, nếu Lê Thanh Tùng thắng Huỳnh Bông, bác Mười cho con dẫn con gái bác về Sài Gòn làm vợ, khỏi cưới”.
Không biết võ sư Mười Tường “chọn mặt gửi vàng” cho cô con gái xinh đẹp khiến các võ sĩ ngày đêm mơ ước hay dự báo là Lê Thanh Tùng sẽ không thắng nổi? Lúc đó, ông Tùng lại cho rằng võ sư Mười Tường nghĩ mình không thắng được võ sĩ Huỳnh Bông nên mới thách thức như vậy. Sự bốc đồng, tự ái của tuổi trẻ nổi lên, Lê Thanh Tùng đáp lời võ sư Mười Tường: Bác Mười muốn con thắng hiệp thứ mấy? Biết lời đùa giỡn đã quá đà, các bên im lặng sau câu trả lời của ông Tùng.
Suốt ngày hôm ấy, Ban tổ chức trận đấu đã cho xe phóng thanh đi rao khắp nơi lời kêu gọi khán giả đến xem trận đấu: "Đêm nay là đêm còn hay mất giữa 2 võ đường Hà Trọng Sơn và Lê Đại Hoan. Chỉ một đêm nay…”.
Trận thư hùng giữa 2 võ sĩ mới chỉ diễn ra trong hiệp 1 thì ông Tùng đã hạ võ sĩ Huỳnh Bông bằng một cú đá. Trong lúc ông Tùng còn đang ngây ngất trong men chiến thắng, một cô gái xinh xắn bước lên đài tặng bông hoa hồng rồi hòa lẫn trong đám người đang ùa lên võ đài.
Sáng hôm sau, cô gái tìm đến phòng thăm ông Tùng rồi bất ngờ hỏi: "Bông hoa hồng em tặng anh tối qua đâu rồi?". Ông Tùng ngơ ngác, chẳng biết bông hoa ấy đã rời khỏi tay mình trong tối qua như thế nào. Cô gái lặng lẽ về. Còn ông Tùng chuẩn bị đến thăm gia đình cô Trần Thị Thanh Tú. Thời gian này, cha cô Tú đã chuyển công tác vào Nha Trang, cách Cam Nghĩa chừng 20 km.
Võ sư Lê Thanh Tùng năm 1985 Ảnh tư liệu gia đình
“Ngày hôm đó tôi mới biết cô gái xinh đẹp tặng hoa cho mình là con gái bác Mười Tường. Thời đó, võ sĩ là nghề danh giá nên được nhiều người đẹp để mắt. Nhưng không vì thế mà tôi lợi dụng hay chấp nhận hết tình cảm của các cô nàng xinh đẹp. Khi đó, tôi chỉ nghĩ đến võ thuật và những trận thượng đài với các võ sĩ nổi tiếng khác”, ông Tùng nói.
Năm 1973, võ sư Lê Thanh Tùng có trận thượng đài được khán giả chờ đợi với võ sư Kê Hoàng Hổ tại sân Tinh Võ (ở Chợ Lớn). Võ sư Kê Hoàng Hổ cũng là một “tay đấm có số má” tại Sài Gòn. Tuy nhiên, trận đấu chỉ diễn ra cân bằng trong hiệp 1, đến hiệp thứ 2 thì ông Tùng áp đảo và hạ đo ván đối phương. Sau này, võ sư Kê Hoàng Hổ thừa nhận với giới báo chí rằng, ông đã thần tượng võ sư Lê Thanh Tùng. Còn võ sư Lê Thanh Tùng, sau trận đấu này cũng giã từ sàn đấu để chuyên tâm vào dạy võ và nghiên cứu võ thuật.
Luôn nuôi dưỡng ý chí chiến thắng
Thời gian dạy võ của võ sư Lê Thanh Tùng không nhiều nhưng học trò của ông có nhiều người nổi tiếng. Hầu hết các học trò này đều được ông thu nhận trong quá trình đi du đấu tại miền Trung và Tây Nguyên. Sau 2 trận đấu tại Pleiku vào tháng 12.1971, võ sư La Thành mời ông Tùng về dạy võ tại võ đường của mình. Ông Tùng nhận lời, trong số học trò của ông tại đây thành danh có võ sư Lê Ngọc Có (Chủ Tịch Hội Võ Thuật Cổ Truyền tỉnh Gia Lai), La Thanh Hồng, La Thanh Hoàng… Sau trận đài tại TP.Cam Ranh, ông Tùng nhận học trò là võ sư Lê Thanh Lân…
Võ sư Vũ Lê Cang (ở P.Đập Đá, TX.An Nhơn, Bình Định) kể rằng ông vốn là một cầu thủ bóng đá và từng học được vài thế võ để phòng thân. Sau khi xem trận đấu giữa võ sĩ Lê Thanh Tùng và võ sĩ Thạch Danh, ông càng mê võ thuật và thần tượng võ sĩ Lê Thanh Tùng, mong muốn được theo học võ.
Lúc này, cha ông Cang đang tập kết ở miền Bắc, gia đình không có tiền nên ông đâu dám mời võ sĩ Lê Thanh Tùng về dạy võ cho mình. Ông Cang bày tỏ tâm sự của mình với một nhà sư (người dân hay gọi là sư Kim) thường hay nâng đỡ mình. Không ngờ, trong một lần vào Sài Gòn, nhà sư đã thuyết phục được ông Tùng ra Bình Định dạy võ.
Võ sư Vũ Lê Cang, Võ sư Thanh Tùng, sư Kim (từ phải sang) ẢNH TƯ LIỆU GIA ĐÌNH
“Lúc đó, tôi cũng không dám mơ là anh Tùng nhận lời, vậy mà ảnh ra Bình Định dạy võ cho tôi. Anh Tùng ở nhà tôi hơn 5 tháng, có khi đi đi về về, để dạy tôi các đòn thế của môn quyền anh và võ tự do nhưng không hề thu một đồng học phí nào”, võ sư Vũ Lê Cang kể.
Võ sư Vũ Lê Cang thượng đài vài trận và đều giành ưu thế trước đối phương. Các học trò của võ sư Vũ Lê Cang khi thi đấu cũng chiếm được lợi thế nhờ các kỹ thuật thượng đài do võ sư Lê Thanh Tùng truyền lại.
Theo võ sư Lê Thanh Tùng, muốn có thành tựu trong võ thuật thì phải khổ luyện, không thể giỏi bằng lý thuyết. Trước hết, người học võ phải xác định được khả năng, sở thích của mình để chọn môn võ và thầy hướng dẫn cho phù hợp. Người dạy võ cũng vậy, trước khi dạy phải biết rõ học trò của mình, biết thể trạng của từng người để hướng học trò tập luyện loại võ công thích hợp.
“Các bạn trẻ muốn đạt được đỉnh cao võ thuật thì tập luyện võ thuật thường xuyên chưa đủ mà còn phải luôn nuôi dưỡng ý chí chiến thắng dù chạm trán mọi thử thách”, võ sư Lê Thanh Tùng chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.