DOC chưa ngăn được việc làm thay đổi hiện trạng trên Biển Đông

15/01/2019 19:18 GMT+7

Ngày 15.1, tại buổi trao đổi với đông đảo các cơ quan báo chí trong nước, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã giải đáp nhiều câu hỏi về tình hình phức tạp trên Biển Đông .

Phó thủ tướng đánh giá như thế nào về diễn biến trên Biển Đông trong năm qua và quan điểm của Việt Nam trong giải quyết vấn đề rất phức tạp này?
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh: Biển Đông vẫn là vấn đề được quan tâm lớn, không chỉ của Việt Nam, các nước trong khu vực mà cả các nước ngoài khu vực; bởi bất cứ vấn đề gì xảy ra cũng tác động tới môi trường hòa bình, an ninh, đến tự do hàng hải, thương mại, giao lưu trên khu vực.
Năm 2018, tình hình vẫn diễn biến phức tạp do sự thay đổi nguyên trạng Biển Đông, do kết quả của việc mở rộng các đảo đá, quân sự hóa các đảo đá trong khu vực, làm cho các nước hết sức lo ngại trong tương lai Biển Đông sẽ trở thành một trong những khu vực dễ xảy ra xung đột, ảnh hưởng tới môi trường hòa bình, ổn định không chỉ trong khu vực mà của cả châu Á - Thái Bình Dương.
Điều đó cũng cho thấy vì sao các nước quan tâm và có nhiều hoạt động quân sự hay diễn tập tại khu vực này, làm cho tình hình Biển Đông nóng hơn.
Chúng ta nhất quán quan điểm rằng Biển Đông là mối quan tâm chung, không được tiến hành các hoạt động có thể dẫn đến sự cố và gây xung đột trong khu vực, vì Việt Nam là nước sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất.
Lập trường của chúng ta là tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về luật Biển năm 1982, đó là quyền của các nước có vùng đặc quyền kinh tế và bờ biển, không được xâm phạm. Chúng ta vẫn tiếp tục thúc đẩy và hoan nghênh các sáng kiến nào góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định trên Biển Đông.
Thời gian vừa qua chứng kiến rất nhiều nước lớn gia tăng hoạt động trên Biển Đông, điều này có gây ra thách thức gì cho Việt Nam không? Liên quan đến tiến trình đàm phán COC, có thông tin Trung Quốc đòi hỏi điều khoản các nước ngoài khu vực chỉ được tập trận trên Biển Đông nếu tất cả các nước COC đồng ý; và các thỏa thuận khai thác tài nguyên chung trên biển chỉ dành các nước COC. Liệu các đòi hỏi này có khiến cho việc đàm phán COC trở nên khó khăn hơn không?
Quan điểm của Việt Nam là tất cả những hoạt động nào phục vụ cho mục tiêu duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông thì chúng ta không phản đối. Tất nhiên, các hoạt động đó phải tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về luật Biển năm 1982, đó là con đường tự do thông thương trên cơ sở hòa bình.  
Với Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), chúng ta phải biết rằng ASEAN và Trung Quốc đã có Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) từ năm 2002, đến nay đã gần 20 năm. Trong DOC có điều khoản phải tiến tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông.
Việc ASEAN và Trung Quốc thương lượng về COC không có gì nằm ngoài tiến trình này, chỉ có điều diễn ra chậm hơn so với mong muốn của các nước. Năm 2012, khi kiểm điểm 10 năm thực hiện DOC, các nước ASEAN luôn luôn bày tỏ mong muốn sớm ký kết COC. Tuy nhiên, phải đến năm 2017, 2018 mới bắt đầu đi vào thương lượng các thành tố của COC, chứ chưa có văn bản nào của COC. Đây là thương lượng nội bộ của ASEAN và Trung Quốc. Không có văn bản nào được công bố ra bên ngoài. Các dự đoán này, kia cũng mới chỉ là phán đoán.
COC phải đảm bảo được các nguyên tắc: thực hiện một cách hiệu quả; ràng buộc về mặt pháp lý; và thực thi được. Cho đến nay, nếu kiểm điểm lại thì có những điều khoản của DOC chưa thực hiện được, dù hàng năm đều có kiểm điểm, đánh giá; trong đó có việc thay đổi các hiện trạng ở Biển Đông. Do đó, COC phải đảm bảo được các yếu tố, thành tố có tính chất ràng buộc pháp lý. Còn các dự đoán này khác về COC thì chưa rõ ràng.
Trong bối cảnh diễn biến trên biển có chiều hướng phức tạp hơn như hiện nay thì quan hệ giữa Việt Nam - Trung Quốc có những thuận lợi, khó khăn gì?
Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong năm 2018 vẫn tiếp tục phát triển. Mức độ các chuyến thăm trong năm diễn ra bình thường, mặc dù không có các chuyến thăm cấp cao nhất như trong năm 2017 (Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc và Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam). Thời gian tới, chuyến thăm của lãnh đạo hai nước vẫn tiếp tục.
Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam hiện nay. Năm 2018, kim ngạch thương mại hai chiều là hơn 100 tỉ USD. Đó là những mặt hết sức tích cực trong quan hệ giữa 2 nước.
Đương nhiên, giữa Việt Nam - Trung Quốc cũng có những vấn đề còn tồn tại, đó là vấn đề trên biển. Qua các trao đổi, chúng ta vẫn tiếp tục nêu những diễn biến trên Biển Đông, đồng thời triển khai các cơ chế hợp tác. Hiện chúng ta có 3 cơ chế trên biển với Trung Quốc. Đó là hợp tác về những vấn đề ít nhạy cảm, hợp tác phân định bên ngoài và hợp tác cùng phát triển. Các vòng đàm phán về các cơ chế này vẫn tiếp tục.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang khiến cả thế giới nín thở theo dõi. Với Việt Nam, chúng ta phải chuẩn bị cho những tác động nào?
Thế giới hiện chứng kiến cuộc cạnh tranh thương mại đang tiếp tục giữa Mỹ và Trung Quốc, dù vừa qua hai nước có cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo tại Argentina để trao đổi các biện pháp giảm căng thẳng.
Nền kinh tế Việt Nam là kinh tế có độ mở rất lớn, với kim ngạch xuất nhập khẩu gấp 2 lần GDP, nên tác động của bên ngoài đương nhiên sẽ tác động tới kinh tế Việt Nam. Nếu chiều hướng thuận sẽ tác động tích cực cho kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển và ngược lại.
Việt Nam không mong muốn căng thẳng thương mại tác động tới các nước khác cũng như chính chúng ta.
Kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển, nhưng cũng phải tiếp tục ứng phó với không chỉ với cạnh tranh hiện nay giữa Mỹ - Trung Quốc mà còn rất nhiều cạnh tranh khác trong tương lai, kể cả giữa các nước phát triển với nhau. Chúng ta phải hướng tới nền kinh tế có thể chống lại các sức ép đó.
Đương nhiên, hiện không chỉ Việt Nam mà tất cả các nước trên thế giới đều phải suy nghĩ trước sự cạnh tranh của các nước lớn, không chỉ cạnh tranh Mỹ - Trung.
Xin cảm ơn Phó thủ tướng!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.