Các cơ quan Chính phủ muốn đổi vai để ‘làm luật’ từ đầu tới cuối
Trình bày dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho hay, dự thảo lần này dự kiến sẽ bổ sung 4 điều theo hướng giao các cơ quan trình dự án chủ trì tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, thay vì Ủy ban Thường vụ Quốc hội (thông qua các Ủy ban).
“Cơ quan, tổ chức, đại biểu trình dự án có trách nhiệm báo cáo trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý. Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn trực tiếp chỉ đạo việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý”, ông Long thông tin thêm.
Thẩm tra dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho hay, nhiều đoàn đại biểu Quốc hội tán thành đề xuất này. “Thực hiện việc “đổi vai” này không những bảo đảm để các cơ quan thực hiện đúng chức năng của mình, mà còn phát huy cao độ tính chủ động, trách nhiệm của các cơ quan, kể cả cơ quan trình dự án và cơ quan thẩm tra, bảo đảm nguyên tắc soạn thảo đến cùng và thẩm tra đến cùng”, ông Định nói.
Tuy nhiên, ông Định cũng cho biết, một số ít ý kiến trong Ủy ban Pháp luật và một số đoàn đại biểu Quốc hội không tán thành việc đổi vai này.
"Không hiểu vướng gì mà lại muốn đổi vai?"
Nêu câu hỏi, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt vấn đề: Ở nước ngoài thì các cơ quan của Chính phủ khi trình dự án luật ra Quốc hội sẽ đứng ra bảo vệ đến cùng, hay là để Ủy ban Thường vụ Quốc hội đứng ra chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý như chúng ta, mà luật của họ tuổi thọ lại dài hơn luật của chúng ta?
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thì nêu câu hỏi, trước năm 2002, việc tiếp thu, chỉnh lý là “vai” của cơ quan soạn thảo trình dự án luật. Tuy nhiên, từ năm 2002, khi ra luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì đổi sang các cơ quan của Quốc hội, do Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì, tới nay thực hiện đã được 17 năm.
|
“Không hiểu trong 17 năm vừa rồi có vướng mắc gì không mà lại muốn đổi vai? Nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan soạn thảo hay vì lợi ích cục bộ khi soạn thảo luật và thường đeo đẳng lợi ích đó đến cùng. Nay giao cho cơ quan trình tiếp thu, chỉnh lý luôn thì liệu cơ quan này có giúp Quốc hội đưa ra những đạo luật công bằng, bình đẳng không, hay sẽ vì lợi ích cục bộ?”, ông Hiển nêu.
Giải trình sau đó, ông Long cho biết, không dám chắc chắn với câu hỏi của bà Lê Thị Nga, song dẫn lại hàng loạt dự án luật mà ông cho rằng, trong quá trình các cơ quan Quốc hội thẩm tra đã làm nảy sinh nhiều vấn đề bất cập, khó khăn trong thực hiện.
“Như dự thảo luật Quy hoạch, Chính phủ trình sang chỉ đề cập quy hoạch có tính chất chung của quốc gia chứ không trình quy hoạch kỹ thuật, chuyên ngành. Việc sau đó bổ sung phạm vi điều chỉnh lớn hơn mà chưa có đánh giá tác động, dẫn đến sau này có khó khăn nhất định. Một cái nhìn rất rõ là Thường vụ Quốc hội phải ra nghị quyết giải thích sau một thời gian gặp khó khăn trong tổ chức thi hành”, ông Long đơn cử.
Đổi vai thì vai trò của Quốc hội chắc chắn sẽ giảm
Cho ý kiến sau đó, ông Phùng Quốc Hiển vẫn không đồng tình với đề xuất này vì cho rằng, nếu cơ quan trình được giao chủ trì tiếp thu, chỉnh lý giúp việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì dẫn đến tình trạng “đầu Ngô, mình Sở”. “Giúp việc cho Thường vụ Quốc hội là các ủy ban lại đứng ngoài lề thì không hiểu là thế nào?”, ông Hiển nói và cho rằng, đề xuất này chưa “chín” và không nên đưa vào dự án luật.
Cùng quan điểm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay, trước đây Chính phủ đã từng đưa ra đề xuất “đổi vai” này, tuy nhiên các đại biểu Quốc hội, cơ quan Quốc hội đã “bác bỏ” với lý do rất thuyết phục, vì mô hình tổ chức quyền lực nhà nước đã được xác định trong Hiến pháp. “Đổi vai thì vai trò của Quốc hội chắc chắn sẽ giảm, nên rất khó kiểm soát quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án luật”, bà Ngân nói.
Mặt khác, theo Chủ tịch Quốc hội, theo quy trình lâu nay thì vai trò của các bộ, ngành trình luật cũng không bị hạn chế; trong quá trình chỉnh lý, tiếp thu, cơ quan chủ trì soạn thảo luôn có cơ hội bảo vệ chính sách mình đề ra. Hơn nữa, bà Ngân lo lắng, nếu “đổi vai”, việc tiếp thu, chỉnh lý có đảm bảo đúng quy định và có đủ thời gian làm trước khi trình Quốc hội thông qua?
“Bây giờ tài liệu còn gửi muộn thế này, nếu đổi vai thì không biết một năm làm mấy luật? Khi làm không được thì lại rút luật ra”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị không “đổi vai”, mà phải tăng cường trách nhiệm phối hợp giữa cơ quan trình và thẩm tra.
Bình luận (0)