Ngày 19.4, tại Tiền Giang, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể có buổi làm việc với Viện Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Phương Nam, Công ty CP tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam (đơn vị tư vấn thiết kế tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ) và lãnh đạo các tỉnh có tuyến đường sắt của dự án tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ đi qua.
tin liên quan
Tàu điện sẽ chạy trên đường sắt TP.HCM - Cần ThơÔng Trần Công Hoàng Quốc Trang, Giám đốc Viện KH-CN Phương Nam, cho biết theo phương án đầu tư bằng hình thức BOT kết hợp BT, thì kinh phí thực hiện xong 2 giai đoạn của dự án này trên 4,8 tỉ USD, và tổng diện tích đất mà các địa phương có tuyến đường sắt đi qua phải giải tỏa, giao nhà đầu tư, là khoảng 4.500 ha.
“Hiện nay chúng tôi đã có nhà tài trợ cho dự án gần 5 tỉ USD”, ông Trang thông tin.
Cụ thể, TP.HCM khoảng 138 ha, Long An trên 1.170 ha, Tiền Giang 1.142 ha, Vĩnh Long trên 1.700 ha, TP.Cần Thơ trên 408 ha…
“Bây giờ tại Vĩnh Long chúng tôi giải phóng mặt bằng khoảng 20 ha là đã gặp phải rất nhiều khó khăn, mất rất nhiều thời gian để giải quyết. Phương án này giải phóng đến 1.700 ha thật sự rất khó tưởng tượng”, ông Nguyễn Văn Liệt, Giám đốc Sở GT-VT Vĩnh Long, nói tại buổi làm việc.
Cũng tại buổi làm việc, chất vấn của đại diện các tỉnh vẫn chưa nhận được trả lời thỏa đáng. Đặc biệt là việc sử dụng quỹ đất đến 4.500 ha để làm gì, thì đơn vị tư vấn không nói được.
Quỹ đất để nhà đầu tư thu hồi vốn, để làm gì?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá phương án này thiếu thuyết phục, thậm chí mù mờ và cần phải tính toán cụ thể hơn.
Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu đơn vị tư vấn phải làm rõ các vấn đề quan trọng, như tuyến đường sắt phải đảm bảo kết nối giao thông với các tuyến đường hiện hữu và phải thuận tiện đi đến các quốc lộ, cảng đường thủy nội địa và khu đô thị. Đặc biệt, quỹ đất để nhà đầu tư thu hồi vốn là dùng đất đó để làm gì?
“Kiểu gì thì phương án được duyệt cũng phải thông qua đấu thầu quốc tế. Còn việc đơn vị tư vấn có được nhà đầu tư mạnh đứng sau, thì xét cho cùng chỉ là lợi thế khi xét thầu chứ không thể nói là phương án khả thi được.
Ngoài ra, công tác giải tỏa để doanh nghiệp bán lại thu hồi vốn đâu phải dễ thực hiện, khi thực tế hiện nay giá đất tăng gần như từng ngày…Vì vậy, phương án được duyệt phải rõ ràng, minh bạch", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể kết luận.
Dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ có tổng chiều dài 173,67 km, tốc độ thiết kế 200 km/h. Có 9 nhà ga đi qua các tỉnh: Bình Dương, TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ và được chia làm 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 từ ga Tân Kiên (TP.HCM về Cần Thơ), còn giai đoạn 2 tuyến từ ga Tân Kiên đi An Bình (Bình Dương).
Dự án đã được đồng ý chủ trương nghiên cứu từ năm 2013. Tuy nhiên, đến nay, đơn vị tư vấn vẫn chưa thuyết phục được các phương án khả thi về tuyến, về hạn mức đầu tư, và đặc biệt là tính khả thi trong vấn đề thu hồi vốn.
|
Bình luận (0)