Dự báo bão số 8 đổ bộ từ Thừa Thiên - Huế đến Hà Tĩnh trong 36-48 giờ tới

23/10/2020 16:10 GMT+7

Dự báo trong 36 - 48 giờ tới, cơn bão số 8 sẽ đổ bộ các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Hà Tĩnh. Ngay khi cơn bão này tan, Biển Đông sẽ lại đón bão số 9.

Đó là thông tin ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đưa ra tại cuộc họp ứng phó bão số 8 của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai diễn ra chiều nay, 23.10, tại Hà Nội.

KHẨN CẤP: Bão số 8 tăng tốc, bão số 9 sắp hình thành cùng hướng vào miền Trung

Ông Mai Văn Khiêm cho biết, hiện bão ở cấp 13, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa 270 km. Nhưng dự báo từ đêm nay, bão số 8 bắt đầu suy yếu dần trước khi đổ bộ vào đất liền các tỉnh Trung bộ trong khoảng 36 - 48 giờ tới.
Dự báo của các đài quốc tế đến nay không còn khác biệt và khá thống nhất khi cho rằng, vùng trọng tâm bão số 8 sẽ ảnh hưởng từ Thừa Thiên - Huế đến Hà Tĩnh. Gió mạnh trên đất liền cấp 7 - cấp 8, thời gian có gió mạnh và mưa từ đêm 24.10 đến sáng 25.10. 
Về kịch bản dự báo mưa, ông Khiêm cho biết, mưa bão bắt đầu từ đêm 24 và ngày 25.10 ở các tỉnh từ Thanh Hoá đến Thừa Thiên - Huế, lượng mưa phổ biến từ 100 - 150 mm, có nơi trên 200 mm.
Đáng lưu ý, ông Khiêm cho biết, khu vực biển Philippines xuất hiện dải hội tụ nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới hoặc thành bão số 9 đi vào Biển Đông ngay sau khi bão số 8 vừa tan trên đất liền.

Những căn nhà phao "thách thức" lũ lịch sử ở Quảng Bình: Nổi lên theo con nước

Hỗ trợ tối đa các tỉnh miền Trung phục hồi sau lũ

Chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, dù có dự báo bão sẽ giảm cường độ nhưng không vì thế mà chủ quan khi thực tế vừa qua, hoàn lưu các cơn bão chịu tác động của dải hội nhiệt đới, không khí lạnh, gió mùa tây nam, khí quyển hải dương... gây ra nhiều hình thái thiên tai phức tạp, khó lường. Trong lịch sử ở miền Trung chưa khi nào mà mưa liên miên đến 10 ngày, có nơi mưa trên 3.500 mm.
Ông Cường đặc biệt lưu ý các địa phương ứng phó mưa lớn, kiểm soát chặt chẽ các công trình hồ đập đảm bảo vận hành an toàn. Dù mưa không lớn nhưng ở Trung bộ đã có mưa liên tục trong nhiều ngày qua, sườn phía tây đất rừng đã no nước nên chỉ cần một tác động nhỏ là gây sạt trượt, lở đất, làm thiệt hại nghiêm trọng.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng: "Đảm bảo an toàn hồ Kẻ Gỗ là nhiệm vụ số một"

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, một tàu cá Bình Định dù đã được cảnh báo trước 2 ngày nhưng không di chuyển tránh bão, đã gặp phải sự cố ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, nằm trong đường tâm bão đi qua. Ông Cường đề nghị cơ quan chức năng thông tin, đề nghị phía Trung Quốc có biện pháp trợ giúp đối với tàu cá, ngư dân Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng yêu cầu, công tác ứng phó bão số 8 hiện nay phải tiến hành song song với tái thiết, khắc phục hậu quả vùng mưa lũ miền Trung.
Các bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ tập trung các lực lượng, hỗ trợ tối đa giúp các tỉnh vùng lũ miền Trung phục hồi về vệ sinh môi trường, khôi phục hạ tầng đường giao thông, phục hồi chăn nuôi sản xuất... giúp người dân vùng lũ sớm ổn định đời sống.

Trường học ngổn ngang trong lũ lịch sử: Nước chưa rút đã dọn dẹp đón học sinh

Thông tin tại cuộc họp, thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Cục phó Cực cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng), cho biết tình huống đáng lo nhất hiện nay là có 1 tàu cá với 5 lao động của tỉnh Bình Định bị hỏng máy khi ở khu vực tâm bão số 8 đi qua.
Tàu cá này đang ở vùng biển phía bắc đảo Linh Côn (quần đảo Hoàng Sa) khoảng 90 hải lý nhưng không thể cơ động được vào quần đảo Hoàng Sa.
Cũng theo thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, lúc 10 giờ 30 phút sáng nay, 23.10, Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã đề nghị Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) thông báo đến Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đề nghị có phương án hỗ trợ tàu cá hỏng máy trong tâm bão.

Mếu máo cầu cứu vì nhà ngập sâu mà bố mẹ kẹt bên trong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.