Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, nhiệt độ trung bình từ tháng 5 - 10.2019 trên phạm vi toàn quốc phổ biến ở mức cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng 0,5 - 1 độ C.
Nhiệt độ cao nhất ở khu vực miền Trung có nơi đã gần chạm mốc 44 độ C
Cá biệt, trong giai đoạn cuối tháng 4, nhiều nơi nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm đến 2 - 3 độ C.
|
Tổng lượng mưa tại khu vực Trung bộ trong tháng 5 - 6 tới phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ từ 10 - 30%. Do đó, khu vực trung và nam Trung bộ có khả năng thiếu hụt mưa trong tháng 5.
Đối với khu vực Tây nguyên và Nam bộ, tổng lượng mưa trong tháng này phổ biến thấp hơn TBNN cùng thời kỳ từ 10 - 30%. Thời điểm bắt đầu mùa mưa ở Tây nguyên và Nam bộ có khả năng muộn hơn so với TBNN (khoảng nửa đầu tháng 5 ở khu vực Tây nguyên và nửa cuối tháng 5 ở khu vực Nam bộ).
Chuyên gia Lê Thị Xuân Lan bình luận: Nhiệt độ cao nhất ở khu vực miền Trung có nơi đã gần chạm mốc 44 độ C, đây là mức nhiệt cao nhất từng ghi nhận được.
Trong khi đó, tại miền Nam mức nhiệt vẫn chưa phải cao nhất vì chỉ khoảng 37 độ C (trong lều khí tượng), lịch sử đã từng ghi nhận mức nhiệt đạt tới 39,6 độ C (năm 1998). Tuy nhiên thực tế, nhiệt độ mà người dân cảm nhận thực sự là nắng nóng ngày càng khó chịu và năm nay khó chịu hơn những năm trước rất nhiều.
Tăng không gian xanh để đối phó với nắng nóng
Theo bà Lan, xu hướng nhiệt độ ngày càng tăng và năm sau cao hơn năm trước do tác động của biến đổi khí hậu.
Trước đây nắng nóng ở miền Nam thường xảy ra cục bộ ở các tỉnh Đông Nam bộ. Đơn cử, khi Bình Dương, Bình Phước nắng nóng 37 độ C thì các tỉnh miền Tây chỉ khoảng 35 độ C. Nguyên nhân là do ở khu vực này nhiều cây xanh và sông nước. “Nay ở các tỉnh ĐBSCL cũng nóng gần bằng khu vực miền Đông là điều khá lạ. Hay như các tỉnh miền Bắc, miền Trung năm nay ghi nhận nắng nóng vượt mức lịch sử đến 2 - 3 độ C.
Thời gian nắng nóng trong một ngày trước đây chỉ có 2 - 3 giờ đồng hồ thì nay nền nhiệt trên 35 độ C có thể kéo dài đến 5 - 7 giờ và ngay tại nền nhiệt độ đó, con người đã cảm thấy rất khó chịu. Khí hậu tự nhiên đang thay đổi ngày càng mạnh mẽ và rõ ràng”, bà Lan nói và nhận định một phần không nhỏ là do lỗi của chính con người tạo ra.
Cụ thể, ngay tại TP.HCM, trước đây mỗi con đường đều có nhiều không gian giảm nhiệt rất tốt nhờ trồng cây xanh, thảm cỏ hoặc hoa tươi... Cùng với sự gia tăng của bê tông hóa, các mảng xanh của TP ngày càng bị thu hẹp.
Chính vì vậy, TP.HCM năm nay mức nhiệt chưa vượt lịch sử nhưng người dân ai cũng cảm thấy nóng bức rất khó chịu. “Về tổng thể, để thích ứng với xu hướng nhiệt độ ngày càng cao thì về mặt quy hoạch đô thị, chính quyền phải tạo ra nhiều không gian xanh (hồ nước, cây xanh). Ngoài ra, mỗi người dân cũng nên tự có ý thức tham gia giữ gìn môi trường sống bằng việc trồng và bảo vệ cây xanh. Mỗi gia đình cần trồng thêm cây xanh trong chính ngôi nhà của mình để cải thiện không gian sống, lọc bớt sự ô nhiễm không khí ngay trong chính không gian sống của mình”, bà Lan khuyến cáo.
Bình luận (0)