Đưa nội dung phòng ngừa thiên tai vào chiến lược nhiệm kỳ

03/11/2020 06:14 GMT+7

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị phải nâng cao chất lượng dự báo thiên tai; đánh giá những nguy cơ tổn thương do thiên tai gây ra để có chuẩn bị nguồn lực để ứng cứu.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị phải lồng ghép nội dung phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch, chiến lược cho cả nhiệm kỳ tới; tránh để những tai nạn thương tâm như mùa mưa lũ năm nay tái diễn trong tương lai.
Ngày 2.11, Quốc hội (QH) dành thời gian thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2020, kế hoạch năm 2021. Nhiều đại biểu (ĐB) đánh giá cao những thành tựu mà đất nước đạt được trong 5 năm vừa qua, cũng như năm 2020.

Lo lắng về dịch bệnh, nợ công

Năm 2020, do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, GDP sau 10 tháng chỉ đạt 2,12% và kéo giảm trung bình 5 năm và không đạt so với kế hoạch. Nhưng VN vẫn là một trong số ít nền kinh tế tăng trưởng dương, thậm chí tăng cao nhất khu vực trong bối cảnh nhiều nước tăng trưởng âm.

Hồ thủy điện có tác dụng điều tiết, cắt lũ

Tại tổ Quảng Ngãi, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nói về an toàn hồ, đập thủy điện và tác động của thủy điện tới lũ lụt miền Trung thời gian qua. Theo đó, cả nước có 429 công trình thủy điện với dung tích khoảng 56 tỉ m3, chiếm 86% dung tích hồ chứa nước trên cả nước. Hiện 401/401 hồ chứa có các quy trình đã được phê duyệt phương án ứng phó thiên tai. Ông Tuấn Anh cho hay, qua thực tế kiểm tra, tất cả các hồ đập thủy điện tại khu vực các tỉnh miền Trung đều thực hiện quy trình xả lũ và vận hành liên hồ, đơn hồ theo đúng quy định pháp luật.
“Thực tế, qua số liệu quan trắc cho thấy các hồ thủy điện có tác dụng điều tiết, cắt lũ”, ông Tuấn Anh nói và dẫn ví dụ, hồ thủy điện Đắk Mi 4 tại thời điểm đỉnh lũ ngày 28.10, nước về hồ lên tới 17.000 m3/giây. Chính nhờ dung tích lớn của Đắk Mi có khả năng chứa nước điều tiết, cắt lũ đã giúp cắt lũ tới 55%. “Lượng xả thấp hơn lượng nước về hồ nên đã góp phần chống lũ”, ông Tuấn Anh phân tích.
Tuy vậy, các ĐB cũng chỉ ra nhiều vấn đề cần được đánh giá kỹ lưỡng hơn. Trong khi đó, ĐB Đặng Ngọc Nghĩa (đoàn Thừa Thiên-Huế) đề nghị Chính phủ tìm ra kịch bản đối với Covid-19 một cách hiệu quả, qua đó đánh giá mức độ ảnh hưởng của đại dịch tới kinh tế, xã hội như thế nào. “Dịch bệnh Covid-19 các nước vẫn tăng dần, còn chúng ta thế nào? Dịch bao giờ mới chấm dứt? Chính phủ cần có kịch bản chi tiết, rõ ràng về việc này. Dập dịch tốt rồi nhưng vấn đề kinh tế, an ninh, an toàn xã hội tôi vẫn lo ngại”, ông Nghĩa nói.
Tham gia thảo luận tại tổ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định, đại dịch Covid-19 tác động mạnh đến mọi mặt của đời sống xã hội không chỉ VN mà cả thế giới. Tuy nhiên, theo Thủ tướng, VN đưa ra phương châm thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch nhưng vẫn lo phát triển kinh tế. “Với tinh thần như vậy, chúng ta được thế giới đánh giá cao về cách làm”, Thủ tướng nói và cho biết, tới đây, tinh thần của Chính phủ vẫn kiểm soát mạnh mẽ, không chủ quan, lơ là với dịch bệnh, đồng thời vẫn tập trung cho các biện pháp phát triển về kinh tế.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung bày tỏ lo lắng về nợ công và bội chi ngân sách. Nếu tính tăng trưởng trên 4%, bội chi trên 6% thì nợ công sẽ rất cao và không an toàn. “Đây là vấn đề cần được quan tâm hàng đầu thời gian tới”, ông Dung nêu. Cùng lo lắng này, ĐB Bùi Đặng Dũng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách QH, cho biết theo dự toán ngân sách năm 2021 thì nợ công lên tới 4 triệu tỉ đồng. Như vậy, nếu đầu nhiệm kỳ bình quân nợ công trên đầu người là hơn 30 triệu đồng/người thì nay đã lên tới hơn 40 triệu đồng/người.
Ông Dũng cũng đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn, kỹ hơn về chỉ số trả nợ trực tiếp. Theo đó, năm 2020, số trả nợ trực tiếp là hơn 318.000 tỉ đồng, chiếm hơn 27% thu ngân sách. Theo dự toán, năm 2021, số dùng trả nợ trực tiếp là hơn 368.000 tỉ, chiếm 27,4% thu ngân sách.

Mưa lũ làm thay đổi kết cấu địa chất, gây sạt lở

Một vấn đề được nhiều ĐB đề cập trong ý kiến thảo luận là mưa lũ ở miền Trung. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định, “đây là vấn đề rất nóng bỏng” khi chưa bao giờ thiên tai vào VN dồn dập như vậy. “Chính phủ sẽ có chính sách mạnh tay hơn trong việc hỗ trợ như hỗ trợ nhà ở, nhà sập, đặc biệt là biện pháp chăm sóc, tìm người mất tích quyết liệt hơn”, Thủ tướng nhấn mạnh và cho biết, số người dân bị nạn, mất tích chưa tìm thấy là trên 50 người; Chính phủ sẽ có biện pháp khắc phục hậu quả lũ lụt miền Trung và đưa ra biện pháp hiệu quả hơn để đề phòng bão số 10.
Nói về nguyên nhân gây sạt lở dẫn đến nhiều thương vong thời gian qua tại miền Trung, Thủ tướng cho rằng, nguyên nhân chính là do kết cấu địa chất ở khu vực này đất sét là chính mà mưa lớn trên 1.000 mm kéo dài thì đất nhão. Theo Thủ tướng, các báo cáo về thảm thực vật tại khu vực vẫn còn 80 - 90%. Do đó, có thể kết luận, nguyên nhân sạt lở là do mưa lũ làm thay đổi kết cấu địa chất của khu vực là chính và cho rằng, cần phải đánh giá toàn diện hơn để có biện pháp hạn chế tối đa tác động của con người. “Đó là tăng trưởng xanh tốt hơn, hạn chế thủy điện tốt hơn nữa để không lấy rừng, đất rừng. Tôi nói rất nhiều lần là Tây nguyên không thể thành sa mạc mà Tây nguyên phải là rừng xanh bạt ngàn”, Thủ tướng cho biết. “Hiện nay độ che phủ rừng của VN là 43%, Trung Quốc là 28%. Đó là sự cố gắng, nhất là khu vực Tây Bắc, Tây nguyên. Tới đây, dọc miền Trung phải làm tốt hơn”, ông nói.
Cùng quan điểm này, khi thảo luận tại tổ Bà Rịa-Vũng Tàu, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho rằng, nguyên nhân gây ra sạt lở chính là do mưa bão cường độ cao kỷ lục, kéo dài. Bên cạnh đó, khu vực miền Trung có nhiều yếu tố bất lợi về địa hình, địa chất, thảm phủ thực vật bị suy giảm nhiều, việc xây dựng đường sá, thủy điện, cơ sở hạ tầng... làm mất ổn định sườn dốc, dễ gây sạt lở. Từ đó, Bộ trưởng Hà đề nghị, các nhà khoa học cần đánh giá kỹ hơn đối với địa chất mỗi khu vực khi phát triển các công trình hạ tầng để có thể đưa ra những giải pháp phòng ngừa.
Phát biểu tại tổ Cần Thơ, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị phải nâng cao chất lượng dự báo thiên tai; đánh giá những nguy cơ tổn thương do thiên tai gây ra để có chuẩn bị nguồn lực để ứng cứu. Đồng thời, phải lồng ghép nội dung phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch, chiến lược cho cả nhiệm kỳ tới. “Bây giờ biết những khu dân cư, những nơi mưa lũ có thể bị vùi lấp thì phải chủ động ngay. Chả nhẽ năm nay thế rồi, năm tới lại để tiếp tục bị vùi lấp tiếp như thế nữa hay sao”, bà Ngân nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.