Từ ngày 1.4, TP.HCM yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện chỉ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến, đối với hồ sơ trực tiếp thì chỉ giải quyết những hồ sơ thực sự cấp bách, cần thiết và phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, người dân nộp hồ sơ trực tiếp tại một số đơn vị khi cần thiết thì mỗi nơi lại hành xử một kiểu.
Nơi từ chối, nơi tiếp nhận
Chị O. (ở TP.HCM) phản ánh với Thanh Niên, chiều 6.4 chị đến UBND P.Cầu Kho, Q.1 để chứng thực sao y giấy tờ nhằm hoàn thiện gấp hồ sơ nhưng cán bộ ở đây yêu cầu về gửi qua bưu điện chứ không nhận trực tiếp. Ngay sau đó, chị qua UBND P.Cô Giang (cùng Q.1) thì nơi đây tiếp nhận sao y trực tiếp. "Cũng cùng một quận mà mỗi phường làm khác nhau. Thật ra người dân có việc cần thiết lắm mới trực tiếp đến chứng thực sao y, chứ đang dịch bệnh đâu ai muốn đi đến nơi công cộng", chị O. nói.
Trả lời PV Thanh Niên về việc này, ông Nguyễn Vũ Linh, Chủ tịch UBND P.Cầu Kho, cho biết hiện phường không giải quyết các hồ sơ trực tiếp, người dân có thể nộp hồ sơ trực tuyến đối với những thủ tục đã có trên hệ thống, hoặc nộp qua bưu điện. Đối với một số hồ sơ mà người dân đến tận trụ sở phường nộp, cán bộ sẽ xem nội dung hồ sơ, thời hạn mà người dân cần để linh động giải quyết những trường hợp cấp bách như: khai tử, hồ sơ liên quan đến tài sản theo tiến độ của ngân hàng. Còn những hồ sơ thông thường, cán bộ phường hẹn người dân qua ngày 15.4 quay lại giải quyết. “Các thủ tục sao y, chứng thực nếu không cấp bách thì phường hẹn qua 15.4”, ông Linh thông tin và cho biết số lượng hồ sơ trực tuyến trong hơn 10 ngày qua tăng so với tháng trước, bao gồm các thủ tục liên quan đến hộ tịch như khai sinh, khai tử, xác nhận tình trạng hôn nhân…
Trong khi đó, ông Lê Trương Hải Hiếu, Chủ tịch UBND Q.12, cho biết những hồ sơ nào đã có dịch vụ công trực tuyến thì các đơn vị sẽ không nhận trực tiếp trong lúc này; những hồ sơ trực tiếp quan trọng, cấp bách thì quận vẫn giải quyết cho người dân. “Quận không giảm bất kỳ thủ tục hành chính nào, đối với những hồ sơ có thể làm song song giữa trực tuyến và trực tiếp thì quận khuyến khích, hướng dẫn người dân nộp trực tuyến; các thủ tục như sao y, công chứng các phường vẫn giải quyết bình thường”, ông Hiếu nói, đồng thời cho hay sau khi hết thời gian “giãn cách xã hội” thì các phường sẽ phục vụ 100% nhân sự như lúc trước, còn hiện tại vẫn áp dụng phương thức làm việc tại nhà, không quá 30% nhân lực làm việc tại trụ sở.
Tại UBND P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, cũng chỉ bố trí khoảng 30% cán bộ làm việc tại trụ sở để giải quyết các thủ tục bức thiết của người dân. Ông Trịnh Trọng Thành, Phó chủ tịch UBND P.Hiệp Bình Chánh, cho biết một số thủ tục cấp bách liên quan đến giao dịch đảm bảo, tài sản; làm giấy chứng sinh, chứng tử… phường vẫn giải quyết hồ sơ nộp trực tiếp. Ngay từ ngoài cổng, cán bộ phường sẽ xem nội dung, thành phần hồ sơ, xác định thấy cấp bách, nếu không giải quyết sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi người dân thì cán bộ sẽ nhận. Người dân được đo thân thiệt, xịt nước rửa tay sát khuẩn rồi vào phòng tiếp nhận, giữ khoảng cách theo khuyến cáo của ngành y tế. “Do những trường hợp cấp bách, thật sự cần thiết không nhiều nên phường sẽ hỗ trợ hết mức có thể, sẵn sàng làm ngoài giờ, cử cán bộ xuống nhận hồ sơ tại địa chỉ nhà người dân”, ông Thành cho biết và đề nghị người dân làm thủ tục sao y, chứng thực sau ngày 15.4.
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng, người dân nên sử dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 thay vì đến nộp hồ sơ trực tiếp tại các cơ quan hành chính. Đối với những thủ tục chưa có dịch vụ công trực tuyến, người dân gọi điện thoại cho phường, quận để được hướng dẫn nên làm ngay hay có thể chờ vào thời điểm khác phù hợp hơn.
Nếu cần gấp, đơn vị vẫn giải quyết
Tại TP.Hà Nội, theo ông Nguyễn Đắc Phong, Phó chủ tịch UBND P.Giảng Võ (Q.Ba Đình), trong thời gian thực hiện “cách ly xã hội”, việc giải quyết thủ tục hành chính tại địa phương vẫn diễn ra bình thường. Từ ngày 10.3, UBND phường đã huy động lực lượng đoàn viên đo thân nhiệt, sát khuẩn, yêu cầu đeo khẩu trang và lấy thông tin người đến làm thủ tục để đảm bảo việc phòng, chống dịch. “Chúng tôi không từ chối giải quyết thủ tục hành chính của người dân, nhưng những người đến làm thủ tục không cần thiết như xác nhận lý lịch, công chứng giấy tờ để làm hồ sơ xin việc, đi làm... thì được khuyên ra về, giải quyết sau. Nếu người dân cần làm gấp thì đơn vị vẫn sẽ giải quyết”, ông Phong nói.
Ông Nguyễn Dân Huy, Chủ tịch UBND P.Trúc Bạch (Q.Ba Đình), cho biết có nghe một số địa phương chỉ giải quyết thủ tục khai tử, còn toàn bộ thủ tục hành chính khác đều bị gác lại. Tuy nhiên, tại P.Trúc Bạch, mọi thủ tục hành chính vẫn được giải quyết đầy đủ. “Từ khi triển khai giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến, đơn vị vẫn duy trì hoạt động đến bây giờ, một số người dân muốn ra làm trực tiếp thì đơn vị vẫn có bộ phận giải quyết, không bỏ một thủ tục nào. Tuy nhiên, trước khi vào làm việc, người dân sẽ được đo thân nhiệt, sát khuẩn và yêu cầu đeo khẩu trang, đồng thời hỏi nhanh xem có liên quan đến các ổ dịch hay không để có biện pháp sàng lọc”, ông Huy nói.
Bình luận (0)