Đường sắt Nhổn - ga Hà Nội: Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô có dấu hiệu thi công khống

25/11/2020 18:37 GMT+7

Đây là một trong nhiều sai phạm liên quan dự án tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội và được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ qua xác minh tố cáo của công dân.

Chiều 25.11, Thanh tra Chính phủ đã thông báo kết luận thanh tra theo đơn tố cáo của ông Lương Xuân Bình, nguyên Phó trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), về một số nội dung liên quan đến dự án tuyến đường sắt đô thị TP.Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội.
Theo đó, Thanh tra Chính phủ xác định việc điều chỉnh hợp đồng tư vấn trọn gói tăng thêm hơn 6,5 triệu Euro có những chi phí trong nhiệm vụ, ngoài nhiệm vụ và do bất khả kháng nhưng khi lập điều chỉnh, thẩm định và phê duyệt dự toán điều chỉnh bổ sung, chủ đầu tư và các cơ quan chức năng đã không xác định cụ thể các khoản chi phí này.
Mặt khác, quá trình thương thảo điều chỉnh họp đồng tư vấn (hợp đồng trọn gói) chủ đầu tư không làm rõ trách nhiệm của Tư vấn Systra trong việc chậm xác định chi phí và giảm trừ khi lập dự toán bổ sung.
Đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ kết luận việc thực hiện gói thầu về rà phá bom mìn, vật nổ đoạn cầu cạn và khu vực depot của nhà thầu Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô có dấu hiệu vi phạm pháp luật là có cơ sở. Thực tế, đến thời điểm thanh tra công tác nghiệm thu và thanh quyết toán vẫn chưa hoàn thành, do các nguyên nhân khách quan và chủ quan; trong đó nguyên nhân chính là hồ sơ nghiệm thu khối lượng không đảm bảo, có dấu hiệu sai khối lượng thi công; hồ sơ hoàn công chưa đúng quy định, có hiện tượng không đúng với thực tế và không đúng với phương án kỹ thuật được phê duyệt...
Để kịp tiến độ thi công của dự án, MRB đã có văn bản gửi Bộ Quốc phòng và Bộ Quốc phòng đã có văn bản giao Bộ Tư lệnh Công binh thực hiện. Bộ Tư lệnh Công binh và Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô đã có văn bản cam kết an toàn và bàn giao mặt bằng cho các nhà thầu thi công gói thầu depot và gói thầu cầu cạn. Tuy nhiên, việc cam kết an toàn bằng văn bản và việc nghiệm thu khối lượng để thanh quyết toán là hai nội dung khác nhau.
Ngoài trách nhiệm của MRB, Thanh tra Chính phủ xác định sự việc này còn có trách nhiệm của Bộ Tư lệnh Công binh - cơ quan chủ quản của nhà thầu, Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô và đơn vị thi công gói thầu này, khi để xảy ra việc chậm trễ, kéo dài trong việc thực hiện gói thầu, trong quá trình tổ chức thi công và nghiệm thu khối lượng đã để xảy ra nhiều sai sót, đến nay chưa hoàn thành hồ sơ và nghiệm thu thanh quyết toán.
Theo kết luận thanh tra, ông Lương Xuân Bình còn tố cáo việc tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu sổ 1 (đoạn tuyến trên cao), gói thầu số 3 (hầm và các ga ngầm) có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Theo Thanh tra Chính phủ, các tố cáo này là có cơ sở.

Có dấu hiệu trù dập người tố cáo

Ngoài ra, kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng cho rằng, trước khi ông Lương Xuân Bình có đơn tố cáo, thì ông Bình đã có một số báo cáo về những sai phạm của MRB lên Bí thư Thành ủy Hà Nội và Chủ tịch UBND TP.Hà Nội. Thời điểm đó, các cơ quan này đều có chỉ đạo xác minh, thanh tra nhưng ông Bình không nhất trí và tiếp tục có đơn gửi lên các cơ quan T.Ư.
Trong quá trình công tác ở vị trí Phó trưởng ban MRB, ông Bình không bị kỷ luật gì và luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao, nguyên nhân không được bố nhiệm lại là khi lấy phiếu tín nhiệm trong hội nghị cán bộ viên chức, ông Bình không đạt tỷ lệ số phiếu cần thiết. Tuy nhiên, kết quả lấy phiếu tín nhiệm của tập thể Đảng ủy Ban và lãnh đạo Ban thì ông Bình đạt số phiếu, đề nghị Thành ủy Hà Nội xem xét lại quá trình công tác của ông Bình, trên cơ sở đó đảm bảo quyền lợi cho ông Bình, không đế tình trạng khiếu kiện kéo dài.
Từ các nội dung này, Tổng thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND TP.Hà Nội tổ chức kiểm điểm và chỉ đạo MRB; các sở Quy hoạch kiến trúc, KH-ĐT kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân qua các thời kỳ có liên quan; chỉ đạo Thành ủy Hà Nội xem xét lại quá trình công tác, đảm bảo quyền lợi cho ông Lương Xuân Bình.
Dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội do MRB làm chủ đầu tư, tư vấn thực hiện là Công ty Systra (Pháp). Quy mô toàn tuyến dài 12,5 km, trong đó trên cao 8,5 km, đi ngầm 4 km; điểm đầu là Nhổn, điểm cuối là ga Hà Nội. Tổng mức đầu tư dự án được điều chỉnh tăng từ 783 triệu Euro lên 1.176 triệu Euro.
Tháng 3.2007, Thủ tướng có văn bản đồng ý về nguyên tắc việc chỉ định Công ty Systra thực hiện gói thầu dịch vụ tư vấn thực hiện dự án. 9 tháng sau đó, MRB và Công ty Systra ký hợp đồng trọn gói dịch vụ tư vấn với trị giá hơn 10,6 triệu USD (chưa bao gồm chi phí dự phòng). Trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư và tư vấn đã ký 3 phụ lục điều chỉnh thời gian thực hiện và giá hợp đồng. Thời gian 25 tháng (từ ngày 10.3.2008 - 10.4.2010), sau đó điều chỉnh đến 31.12.2014. Giá trị hợp đồng sau điều chỉnh hơn 17,1 triệu Euro, tăng hơn 6,5 triệu Euro so với hợp đồng ban đầu
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.