Biển Đà Nẵng vốn được xem là 'con gà đẻ trứng vàng' cho ngành kinh tế - du lịch TP này. Tuy nhiên, tình trạng xả thải chưa xử lý triệt để gây ô nhiễm biển đang trở thành nỗi lo.
Cứ mưa là ô nhiễm
Vệt nước đen khiến 4 km bờ vịnh Đà Nẵng sẫm màu bất thường trong các ngày 12 - 13.2 (Thanh Niên đã phản ánh), qua xét nghiệm đã cho kết quả có 2 thông số mẫu lấy ở cửa xả vượt chuẩn. Sở TN-MT TP.Đà Nẵng xác định nguyên nhân hệ thống thu gom, xử lý nước thải một số thời điểm bị quá tải, một số đoạn hư hỏng xuống cấp... nhưng vẫn chưa tìm được nguồn gốc xả ra vệt nước đen.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.Đà Nẵng, cho biết trong năm 2018, UBND TP và ngành du lịch đã 2 lần khuyến cáo du khách không tắm biển gần các cửa xả để tránh ô nhiễm.
“Ngành du lịch đã kiến nghị, du khách cũng phàn nàn rất nhiều, nhất là ở các cống xả Mân Thái, Temple, Mỹ An và mong các ngành liên quan xử lý sớm trước mùa nắng vì lúc này du khách đông, rất khó cho ngành du lịch”, ông Bình nói.
2 năm qua, hầu như mỗi khi mưa lớn là các cửa xả quá tải. Hiện tượng nước thải chưa qua xử lý tràn tự do không chỉ xé toạc bờ biển, vỉa hè (cửa xả Mỹ An) mà còn trào ngược gây ngập úng nhà dân phía trong - một nghịch lý chưa từng có đối với các khu dân cư sát biển.
Các cửa xả ra biển Đà Nẵng tù đọng nước thải
Ông Nguyễn Được, cử tri tại Q.Ngũ Hành Sơn (TP.Đà Nẵng), cho biết năm 2018 người dân tổ 28 P.Mỹ An đã 4 lần “lãnh đủ” nạn nước thải ngập nhà do hệ thống thu gom tại cửa xả Mỹ An bị sự cố.
Ngành du lịch đã kiến nghị, du khách cũng phàn nàn rất nhiều, nhất là ở các cống xả Mân Thái, Temple, Mỹ An và mong các ngành liên quan xử lý sớm trước mùa nắng vì lúc này du khách đông, rất khó cho ngành du lịch
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.Đà Nẵng.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp xây dựng công trình cao tầng ven biển còn lợi dụng trời mưa để... tranh thủ xả thải chưa qua xử lý vào hệ thống cống chung.
Không chỉ người dân, du khách tố giác, mà lãnh đạo 2 ngành xây dựng và TN-MT cũng phải thường xuyên “vi hành” trong đêm, bắt quả tang các doanh nghiệp.
Theo Sở TN-MT TP.Đà Nẵng, hệ thống thu gom nước thải đưa vào sử dụng từ năm 2007 ở bờ biển phía đông với 20 cửa xả, qua 2 quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn. Phía vịnh Đà Nẵng có 29 cửa xả, đến nay đã quá tải khi lưu lượng xả khoảng 34.500 m3/ngày đêm.
Mặc dù TP đã đầu tư hệ thống 7 trạm bơm (hơn 10 máy/trạm) để đưa nước thải về trạm xử lý ở Q.Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà, nhưng khi trời mưa, lưu lượng tăng bất thường thì nước lại tràn ở cửa xả.
Cần hàng ngàn tỉ đồng
Để giải quyết, HĐND TP.Đà Nẵng đã thông qua chủ trương đầu tư 3 dự án thu gom nước thải ven biển, trong đó dự án “Cải thiện môi trường nước phía đông Q.Sơn Trà” đầu tư gần 1.450 tỉ đồng đang triển khai các thủ tục đầu tư, dự kiến khởi công tháng 6.2019, hoàn thành cuối năm 2020.
Nước thải xử lý không còn đổ ra biển mà đưa về âu thuyền Thọ Quang. Dự án xây dựng hệ thống thu gom nước thải khu vực Mỹ Khê - Mỹ An (từ đường Phạm Văn Đồng đến Hồ Xuân Hương) cũng đầu tư 680 tỉ đồng; dự án tuyến ống thu gom nước thải dọc đường Trường Sa về trạm bơm nước thải Cổ Cò (từ đường Hồ Xuân Hương đến Huyền Trân Công Chúa) 212 tỉ đồng.
Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN-MT, cho biết địa phương cố gắng khởi công hệ thống xử lý nước thải phía đông biển Đà Nẵng trong năm 2019.
“Nếu mọi thứ thuận lợi thì cuối năm 2020 là ổn. Bên cạnh hoàn thành nâng cấp các trạm xử lý nước thải, chúng tôi đang khuyến khích các khách sạn có nhu cầu sử dụng nước lớn đầu tư nâng cấp hệ thống nước thải để dùng nước thải đạt chuẩn tái sử dụng tưới cây, rửa đường, phục vụ một phần sinh hoạt”, ông Hùng thông tin thêm.
Phó giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Xuân Bình cho biết thêm, Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị cũng đã xác định trọng tâm ngành du lịch TP trong thời gian tới hướng ra sông, biển, phát triển du lịch chất lượng cao gắn liền bất động sản, nghỉ dưỡng, đồng thời xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm hội nghị, hội thảo quốc tế. Do đó, giải quyết vấn đề môi trường biển là rất cấp bách đối với TP.Đà Nẵng.
Bình luận (0)