Còn khoảng hơn 3 triệu người hưởng lương từ ngân sách
Sáng 30.12, Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 5 năm và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của ngành nội vụ.
Nhìn lại nhiệm kỳ 5 năm, báo cáo của Bộ này cho biết, các chỉ tiêu về giảm biên chế ở cả khối công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước; biên chế sự nghiệp; và số cán bộ, công chức cấp xã đều đạt và vượt yêu cầu (giảm tối thiểu 10%).
Cụ thể, biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước năm 2021 hơn 247.300, giảm hơn 27.500 biên chế (giảm 10,01% so với năm 2015), vượt mục tiêu giảm tối thiểu 10% theo Nghị quyết của Đảng.
Biên chế sự nghiệp năm 2021 hơn 1,783 triệu người, giảm 242.700 biên chế (giảm 11,98% so với năm 2015), cũng vượt mục tiêu giảm tối thiểu 10%.
Số lượng cán bộ, công chức cấp xã và số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố hiện nay có hơn 1 triệu người, giảm 147.290 người (giảm 12,49% so với năm 2015), cũng vượt mục tiêu giảm tối thiểu.
Trong giai đoạn năm 2015 - 2020, cả nước đã tinh giản được 67.218 người, gồm: 4.965 người thuộc khối các cơ quan, tổ chức ở T.Ư và 62.253 người thuộc khối các cơ quan, tổ chức ở địa phương. Trong số này, có gần 55.000 người hưởng chính sách về hưu trước tuổi, hơn 12.000 người hưởng chính sách thôi việc ngay, 67 người hưởng chính sách thôi việc sau khi đi học nghề và 80 người hưởng chính sách do chuyển sang tổ chức khác.
“Trong giai đoạn 2016 - 2020, công tác tổ chức bộ máy và thực hiện tinh giản biên chế đã đạt nhiều kết quả nổi bật, được Bộ Chính trị, Ban Bí thư T.Ư Đảng ghi nhận, đánh giá cao. Việc này đảm bảo yêu cầu theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối cấp trung gian và từng bước khắc phục những bất cập, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, vượt mục tiêu đề ra”, báo cáo của Bộ Nội vụ nhấn mạnh.
Như vậy, đến năm 2021, cả nước còn khoảng hơn 3 triệu người hưởng lương từ ngân sách (bao gồm cả số người hoạt động không chuyên trách cấp xã).
Giảm biên chế mới tập trung vào giảm số lượng
Tuy về số lượng đã hoàn thành chỉ tiêu (do biên chế mỗi năm đều do Bộ Nội vụ duyệt, nên việc cắt giảm 10% biên chế theo yêu cầu cơ bản ở trong tầm kiểm soát), nhưng trong 6 nội dung được liệt kê vào mục “tồn tại”, có đến 4 nội dung liên quan đến vấn đề số lượng và chất lượng người làm việc trong khu vực công.
Cụ thể, theo Bộ Nội vụ, tồn tại thứ nhất là kết quả thực hiện chính sách tinh giản biên chế chưa thực sự gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị quyết số 39-NQ/TW, mà “mới chỉ tập trung vào việc giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước”.
Điều này dẫn đến việc một số địa phương, đơn vị “gò” công việc trong phạm vi biên chế được giao, đồng thời liên tục “kêu” việc thiếu nhân lực, nhất là trong ngành y tế và giáo dục, những ngành đang sử dụng biên chế nhiều nhất hiện nay.
Bằng chứng là ngay trong hội nghị này, nhiều địa phương cũng đề nghị được bổ sung biên chế giáo dục, y tế để đảm bảo khối lượng công việc; đồng thời kiến nghị sớm hoàn thiện đề án vị trí việc làm để dựa vào đó tính toán biên chế cho hiệu quả, thay vì gò ép số lượng như hiện nay.
Trình độ, phẩm chất và năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn nhiều mặt chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng chính phủ điện tử, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, là tồn tại thứ hai có liên quan đến vấn đề này được Bộ Nội vụ chỉ ra.
Thứ ba là trật tự, kỷ cương hành chính chưa nghiêm, thể hiện qua kết quả kiểm tra công vụ ở một số địa phương, bộ, ngành cho thấy còn nhiều vấn đề cần phải nhắc nhở, chấn chỉnh; vẫn còn biểu hiện gây phiền hà, sách nhiễu khi giải quyết công việc liên quan đến người dân, tổ chức.
Thứ tư, công tác kiểm tra, thanh tra đã có chuyển biến, song việc xử lý, khắc phục sai phạm còn chậm, chưa kiên quyết, quyết liệt.
Ngoài ra, Bộ Nội vụ cũng cho rằng cải cách thủ tục hành chính chưa gắn với việc giảm thiểu các quy định về quản lý chuyên ngành nên việc cắt giảm thủ tục hành chính chưa thực sự mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội như mong đợi.
Bộ Quốc phòng và Bộ Công an có 9 thứ trưởng
Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Bộ Nội vụ lần này cũng tiếp tục đề cập đến vấn đề cấp phó trong các bộ, cơ quan ngang bộ, như trước đó đã báo cáo Quốc hội và Thanh Niên đã đưa tin.
Về số lượng cấp phó, theo quy định, số lượng thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ không quá 5 (Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao không quá 6). Trong trường hợp do sáp nhập bộ, cơ quan ngang bộ hoặc do yêu cầu điều động, luân chuyển cán bộ của cơ quan có thẩm quyền thì Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Đến ngày 10.10, số lượng cấp phó cụ thể như sau: Bộ TT-TT có 3 thứ trưởng (ít hơn 2 so với số lượng tối đa); 6 bộ ngành có 4 thứ trưởng và tương đương (ít hơn 1) là Bộ KH-ĐT, Bộ LĐ-TB-XH, Bộ Y tế; Bộ VH-TT-DL, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Dân tộc.
9 bộ ngành có 5 thứ trưởng và tương đương (đúng quy định) gồm: Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Công thương, Bộ KH-CN, Bộ TN-MT, Bộ GTVT, Bộ Xây dựng, Bộ GD-ĐT, Thanh tra Chính phủ.
4 Bộ có 6 thứ trưởng là Bộ Ngoại giao (đúng quy định); Bộ Nội vụ, Bộ NN-PTNT, Văn phòng Chính phủ (vượt 1).
Riêng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có 9 thứ trưởng, vượt 3 so với quy định.
“Số cấp phó vượt chủ yếu là do sắp xếp tổ chức bộ máy và yêu cầu của công tác cán bộ như thực hiện chủ trương luân chuyển, điều động cán bộ lãnh đạo từ địa phương về T.Ư”, theo Bộ Nội vụ.
|
Bình luận (0)