Giảm thời gian nghỉ trưa để... tăng năng suất lao động

01/05/2019 04:57 GMT+7

Đó là ý kiến của đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) về đề xuất của Bộ LĐ-TB-XH giảm thời gian nghỉ trưa của cán bộ công chức cơ quan hành chính nhà nước xuống còn 1 giờ.

Thưa ông, đề xuất thống nhất giờ làm việc trong các cơ quan hành chính của Bộ LĐ-TB-XH đang nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội. Đây cũng là ý kiến mà tại kỳ họp Quốc hội thứ 4, khóa 14, ông đề nghị Chính phủ nghiên cứu thay đổi khung giờ làm việc đối với cơ quan hành chính bắt đầu từ 8 giờ 30. Vậy đề xuất của Bộ LĐ-TB-XH đưa ra trong bối cảnh này có hợp lý hay không?
Giảm thời gian nghỉ trưa để... tăng năng suất lao động
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh - Ảnh: Ngọc Thắng
Đối với việc đổi giờ làm thì đây cũng không phải vấn đề mới, tại kỳ họp lần thứ 4, Quốc hội khóa 14 tôi đề xuất vấn đề này. Trên thế giới cũng như châu Á, hầu hết các nước bắt đầu giờ làm việc ở cơ quan hành chính, khối văn phòng, cơ sở giáo dục từ 8 giờ 30 hoặc 9 giờ; thời gian nghỉ trưa là 1 tiếng. Thông tin tổng hợp cũng cho thấy, đất nước có thời gian nghỉ trưa kéo dài có năng suất làm việc thấp hơn các nước khác trong cùng khu vực. Trong cùng một đất nước, vùng có thời gian nghỉ trưa dài hơn thì kinh tế cũng kém phát triển hơn vùng còn lại.
Thực tế ở VN, hiện nay thời gian bắt đầu làm việc thường là từ 7 giờ hoặc 7 giờ 30 - 17 giờ. Thời gian nghỉ trưa từ 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng. Theo tôi, nếu các nước đã nghiên cứu và áp dụng giờ làm hợp lý, thì chúng ta cũng cần nghiên cứu để xem khung giờ làm việc hiện nay đã tối ưu chưa, hay cần thay đổi.
Qua tính toán các khung giờ để áp dụng cho phù hợp với điều kiện VN, giờ làm việc sẽ bắt đầu từ 8 giờ 30, kết thúc lúc 5 giờ chiều, thời gian nghỉ trưa là 1 tiếng. Riêng doanh nghiệp nhà nước sẽ tự quyết định giờ làm cho phù hợp với từng đơn vị.
Việc đưa ra chính sách hợp lý để thúc đẩy phát triển KT-XH, đề xuất của Bộ LĐ-TB-XH nên đưa ra càng sớm càng tốt và bàn bạc cho thấu đáo, đặc biệt là đối với các nội dung được đưa vào các dự thảo luật, vì luật thì phải cần một thời gian dài mới điều chỉnh.
Nhưng nhiều ý kiến cho rằng nên để như hiện tại, bởi thời tiết, văn hóa, giao thông các vùng miền ở VN… khác nhau...
Hiện nay, các nước ở châu Á có thời tiết tương tự như VN đã điều chỉnh giờ làm muộn hơn giờ làm hiện tại của VN như Lào, Nhật, Singapore, Thái Lan…
Về văn hóa, thì theo tôi không có ảnh hưởng gì, do thói quen làm nông nghiệp trước đây khi chúng ta xuất phát từ một nước nông nghiệp, người dân cần ra đồng sớm và cũng đi ngủ sớm đã tác động đến giờ làm việc của các cơ quan hành chính. Ngày nay thì chúng ta thiên về cuộc sống đô thị, công nghiệp nên chúng ta cần điều chỉnh để phù hợp. Tuy nhiên, đề xuất này là để áp dụng với các cơ quan hành chính, những tổ chức khác vẫn có thể quy định riêng cho phù hợp với đơn vị mình.
Việc áp dụng thời gian làm việc từ 8 giờ 30 - 17 giờ và nghỉ trưa 1 tiếng sẽ mang lại lợi ích về giao thông. Nếu bắt đầu từ 8 giờ 30 thì chúng ta không phải bố trí làm việc lệch giờ để tránh ùn tắc giao thông. Mọi người trong gia đình có đủ thời gian để đi học, đi làm cùng lúc mà không gây ùn tắc, tiết kiệm thời gian và chi phí.
Các nghiên cứu khuyến khích việc nghỉ trưa ngắn, khoảng 20 - 30 phút sẽ giúp hồi phục năng lượng, tỉnh táo, cải thiện trí nhớ, nâng cao hiệu quả làm việc.
Tuy nhiên, nếu thay đổi mà không đánh giá hết được các mặt thuận lợi, khó khăn từ tất cả các đối tượng chịu tác động, thì thay đổi đó khó khả thi, khó đem lại hiệu quả cao. Vì vậy, ban soạn thảo cần lấy nhiều ý kiến của cộng đồng, doanh nghiệp; tổ thức thảo luận lấy ý kiến nhiều tổ chức, chuyên gia trong nước và quốc tế để đánh giá hết tác động và tính hiệu quả việc đổi giờ làm.

Nên tạo cơ chế linh hoạt cho người lao động

Theo ông Trần Hữu Minh, Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, nên tạo sự linh hoạt cho nhân viên ngay trong một cơ quan. Điều này nhiều nước trên thế giới đã áp dụng, nhưng tại VN vẫn còn khá cứng nhắc. Ví dụ một số nước bắt đầu giờ làm từ 8 giờ 30 - 9 giờ, nhưng cho phép một nhóm nhân viên đến đúng giờ, một nhóm khác đến muộn hơn (tổng giờ làm không thay đổi), đảm bảo cơ quan hành chính luôn có người trực, tiếp dân và hiệu quả.
Nói cách khác, cơ quan hành chính có thể bắt đầu làm việc từ 8 giờ hoặc 8 giờ 30, nhưng quan trọng hơn là nên tạo ra cơ chế linh hoạt cho người lao động.
Kinh nghiệm trước đây từ việc áp dụng lệch giờ học giờ làm tốt hơn cho việc điều tiết giao thông, giảm sức ép lên kết cấu hạ tầng. Nếu tất cả mọi người cùng tập trung trên đường để đến cơ quan trong một khung giờ nhất định, thì sức ép lên kết cấu hạ tầng là rất lớn, đặc biệt đối với Hà Nội, TP.HCM là hai địa phương tập trung đông cơ quan hành chính và có lượng dân số rất đông, rất dễ dẫn đến ùn tắc.
Mai Hà (ghi)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.