Giành giật sự sống cho bệnh nhân nơi biển đảo

09/10/2020 05:34 GMT+7

Vừa là chiến sĩ vừa là bác sĩ, nhiều năm qua 'đội đặc nhiệm' y, bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 đã giành giật lại sự sống cho cả trăm sinh mạng ngư dân, chiến sĩ...

Vừa là chiến sĩ vừa là bác sĩ, nhiều năm qua “đội đặc nhiệm” y, bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 đã giành giật lại sự sống cho cả trăm sinh mạng ngư dân, chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc chẳng may bị bạo bệnh.

Nửa đêm, trực thăng quân đội bay ra Trường Sa cứu ngư dân

Trong tuần qua, các y, bác sĩ (BS) Bệnh viện (BV) Quân y 175 tại TP.HCM đã thực hiện 2 chuyến cấp cứu đường không (CCĐK), đưa 2 ngư dân bị đột quỵ não từ biển đảo về đất liền chữa trị. Những chuyến bay ấy, không chỉ gian khó là bệnh lý nặng của bệnh nhân (BN) mà còn là thời tiết, điều kiện trên máy bay mà y, BS phải vượt qua để đảm bảo sự sống cho BN về đến đất liền.

Bác sĩ đu thang dây để cứu người

Thượng úy, BS Đinh Văn Hồng, Khoa Hồi sức tích cực BV Quân y 175, kể anh đã tham gia cấp cứu và vận chuyển được 10 chuyến. Trong đó đáng nhớ nhất phải kể đến nhiệm vụ cấp cứu BN tại nhà giàn DK1 vào tháng 7.2018.
“Ngay khi nhận lệnh, chúng tôi đã xác định BN nặng nên phải mang theo nhiều trang thiết bị thiết yếu, thuốc cấp cứu như: máy thở, máy theo dõi, bình ô xy... BN cần sớm được tiếp cận, vận chuyển về đất liền điều trị. Trước khi bay, tổ bay nhận thông báo về tình hình thời tiết có thể diễn biến xấu và đúng như dự báo, trong đêm, khi máy bay chuẩn bị hạ cánh xuống nhà giàn thì gặp phải tình huống thời tiết xấu, không thể hạ cánh. Để tận dụng giờ vàng cấp cứu BN kịp thời, chúng tôi xuống nhà giàn bằng thang dây”, BS Hồng nhớ lại.
Cũng theo BS Hồng, dù đã được huấn luyện nhiều tình huống, nhưng thực tế tổ cấp cứu chưa từng gặp tình huống này. Rất may mọi người đã xuống nhà giàn an toàn, nhanh chóng tiếp cận BN. Sau đó, tổ bay cũng hạ cánh được và vận chuyển BN về đất liền thành công. “Lần cấp cứu này là kỷ niệm và cũng là kinh nghiệm quý báu cho chúng tôi về CCĐK từ biển đảo, khác rất nhiều so với cấp cứu trên đất liền. Đó cũng là động lực để chúng tôi hoàn thành tốt những nhiệm vụ tiếp theo”, BS Hồng nói.

Trực thăng khẩn cấp ra nhà giàn DK1 cứu trung úy bị đột quỵ não

Cũng như đồng nghiệp, đại úy, BS Phạm Trường Thanh, Khoa Hồi sức tích cực, Đội trưởng Đội CCĐK, BV Quân y 175, cho hay trong 3 năm qua, anh đi CCĐK 10 ca. Đối với anh, mỗi lần tham gia CCĐK đều là một thử thách, trải nghiệm mới vì không thể lường trước được những khó khăn, nguy hiểm bất ngờ xảy ra.
“Ấn tượng nhất đối với tôi có lẽ là trường hợp BN L.V.T (chiến sĩ ở đảo Thuyền Chài thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam) được chẩn đoán đa chấn thương, chấn thương bụng kín, vỡ ruột non, vỡ gan trong bao, chấn thương khung chậu, gãy ngành ngồi mu, gãy hở độ 3 giữa xương cẳng chân phải. Nhận được lệnh đi cấp cứu, BV nhanh chóng tập hợp đội ngũ BS - kỹ thuật viên gồm 5 người, đảm bảo một kíp mổ dã chiến ngay trên đảo”, BS Thanh kể.
Tuy nhiên, khi nhận lệnh, thời tiết bắt đầu chuyển biến xấu, mưa nhiều kèm theo bão và gió giật mạnh khiến việc di chuyển bằng trực thăng gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, Thuyền Chài là một đảo nhỏ, nằm rất xa đất liền, trực thăng thường phải bay đợi thời tiết tạm ổn mới có thể đáp. Điều này khiến việc tiếp cận người bệnh bị kéo dài thời gian.

Đất liền luôn là hậu phương vững chắc cho tất cả mọi người. Chúng tôi luôn luôn sẵn sàng hỗ trợ, không nề hà mỗi khi biển, đảo cần

BS Trương Xuân Bách
Khoa Hồi sức cấp cứu chống độc, BV Quân y 175

Khi ê kíp cấp cứu tới đảo thì gặp phải tình huống hết sức phức tạp, trực thăng không có vị trí đáp an toàn. Ê kíp phải leo thang dây xuống. Sau khi tiếp cận, cấp cứu, nhận thấy tình trạng BN có dấu hiệu ngừng tuần hoàn hô hấp, cần đặt ống nội khí quản - thở máy, nhưng việc thực hiện phòng mổ dã chiến là điều bất khả thi. Ê kíp cấp cứu quyết định hồi sức tích cực và nhanh chóng đưa BN về... Sau thời gian điều trị, chiến sĩ L.V.T được xuất viện, quay trở lại nhiệm vụ ở đảo Thuyền Chài.
“Ấn tượng vì những điều tưởng chừng không thể làm được nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm làm được. Ấn tượng vì nụ cười của người lính khi được cứu sống và tiếp tục cống hiến cho Tổ quốc”, BS Thanh tâm sự.
Giành giật sự sống cho bệnh nhân nơi biển đảo1

Có chuyến bay cấp cứu 2 bệnh nhân cùng lúc

“Trận chiến” thời bình của người lính là bác sĩ

Theo BS Hồng, CCĐK và bay trên biển ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề cấp cứu và vận chuyển BN. Về CCĐK, khi đưa BN lên cao có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến BN, thậm chí làm nặng thêm tình trạng bệnh, như giảm áp, giảm ô xy, sự thay đổi độ cao, vấn đề rung xóc, tiếng ồn... Mặt khác, các yếu tố này còn ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như sự phán đoán và xử trí tình huống của y, BS và phi hành đoàn. “Thực tế, trong một số chuyến bay, chúng tôi đã mổ cấp cứu, dẫn lưu khí khoang màng phổi, sốc điện chuyển nhịp, đặt ống nội khí quản và thở máy... Nhờ những kiến thức về sinh lý và sinh lý bệnh trong chuyến bay mà chúng tôi luôn đảm bảo an toàn cho BN cũng như phi hành đoàn”, BS Hồng nói.
Còn về vận chuyển bằng trực thăng qua biển, BS Hồng chia sẻ việc di chuyển đường dài bằng trực thăng trên đất liền đã khó khăn, thì trên biển càng phức tạp hơn. Chính nhờ những phi công dũng cảm của phi hành đoàn (Binh đoàn 18) mà những chuyến bay vượt biển của đoàn luôn đảm bảo an toàn. Đáng nói, hầu hết các chuyến bay của ê kíp cấp cứu là bay đêm để giành thời gian vàng cứu sống BN. Nhưng bay đêm rất khác so với bay ngày, bởi trong đêm tối, việc định vị và quan sát trong quá trình bay khó khăn, làm kéo dài thời gian vận chuyển, thậm chí có thể gây nguy hiểm đến an toàn của phi hành đoàn. Thêm vào đó, trong đêm tối, việc cấp cứu BN cũng gặp nhiều khó khăn về vấn đề ánh sáng, sử dụng thuốc, xử trí cấp cứu, khám và nhận định tình trạng BN... Đặc biệt là sự mệt mỏi trong quá trình bay đêm, ảnh hưởng rất lớn đến công tác cấp cứu BN. Tuy nhiên do được rèn luyện, ê kíp đã quen với các vấn đề trên, ê kíp luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ cấp cứu và vận chuyển BN bằng trực thăng từ biển đảo về đất liền dù ngày hay đêm.
Theo BS Thanh, để cấp cứu thành công một ca bệnh bằng đường không, BV Quân y 175 luôn đảm bảo nhân sự 100% là BS hồi sức tích cực. Đây không chỉ là những người lính tinh nhuệ, những BS giỏi về chuyên môn mà đội ngũ được lựa chọn còn phải nhạy bén trong phán đoán, xử trí cấp cứu và những tình huống ngoài chuyên môn khác.
“Mỗi lần bay ra cấp cứu và vận chuyển một BN ở biển đảo kịp thời, thành công là mỗi lần tôi cảm thấy hạnh phúc và vinh dự. Vinh dự vì ít nhiều cũng được góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, cũng như cấp cứu kịp thời một BN là niềm hạnh phúc của mọi BS. Bà con, mọi người hãy yên tâm công tác làm nhiệm vụ thiêng liêng cao cả bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đất liền luôn là hậu phương vững chắc cho tất cả mọi người. Chúng tôi luôn luôn sẵn sàng hỗ trợ, không nề hà mỗi khi biển, đảo cần”, trung úy, BS Trương Xuân Bách, Khoa Hồi sức cấp cứu chống độc, BV Quân y 175 - người đã 3 lần tham gia CCĐK, chia sẻ.
Năm 2016, BV Quân y 175 thành lập Đội CCĐK có 12 người gồm 6 BS, 6 điều dưỡng. Mỗi ê kíp vận chuyển CCĐK có 3 người, tùy tình huống thực tế mà quyết định 2 hay 1 BS trong 1 lần đi. Lực lượng CCĐK thực hiện trung bình 20 - 25 ca/năm, trong đó có đến 70% số ca là người dân, ngư dân nơi biển đảo, đặc biệt đều thành công 100%.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.