(TNO) “Mỗi người đều có những đánh giá, chuẩn mực riêng. Với bạn, điều đó có thể là chuyện không đâu nhưng với người trong cuộc lúc đó lại khác. Nếu đặt mình vào trường hợp tương tự, mọi sự thiếu kiềm chế đều có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường”, thạc sĩ (Th.S) Đào Lê Hòa An, Ủy viên BCH T.Ư Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam phân tích.
Bị can Nguyễn Hải Dương (24 tuổi) trong vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước - Ảnh: C.A
|
Sau nhiều vụ án mạng xảy ra gần đây, lời khai về động cơ giết người của hung thủ thường làm người khác không khỏi giật mình vì tính ngớ ngẩn của nó. Vậy đâu là nguyên nhân thực sự đưa đẩy một con người lương thiện trước đó trở thành kẻ sát nhân máu lạnh?
Thiếu kiềm chế thường dẫn đến sai lầm nghiêm trọng
Trao đổi với Thanh Niên Online, thạc sĩ (Th.S) Đào Lê Hòa An, Ủy viên BCH T.Ư Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam cho rằng, hành vi của con người nhìn chung đều bị ảnh hưởng bởi 4 yếu tố: sinh lí, môi trường sống, sự giáo dục và những hoạt động giao tiếp hàng ngày.
Trong đó, hoạt động giao tiếp đóng vai trò cốt lõi, như vụ thảm sát 6 người vừa qua tại Bình Phước, nghi phạm không thiếu sự giáo dục nhưng vẫn có thể ra tay nhẫn tâm như thế. Do đó, việc chúng ta tiếp xúc với ai, giao tiếp trong môi trường nào quyết định rất lớn đến nhân cách và suy nghĩ của chúng ta.
|
Qua những vụ án từng xảy ra, tội phạm phần lớn nằm trong độ tuổi còn khá trẻ, chỉ từ 17 đến 25 tuổi. Theo suy nghĩ của nhiều người, những thanh niên trong lứa tuổi này gây án do cạn nghĩ và tư duy lệch lạc.
Chia sẻ về vấn đề trên, tiến sĩ (T.S) Đỗ Hạnh Nga, Trưởng khoa Công tác xã hội, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM, lại nghĩ khác.
Theo T.S Nga, lứa tuổi thanh niên kể trên đánh dấu sự chín muồi về mọi mặt, trong nhận thức lẫn sự sung sức về thể lực. Đó là độ tuổi đã bắt đầu đánh giá thế giới xung quanh bằng tư duy trừu tượng của mình.
Vì thế, trong giai đoạn này khả năng nhận xét, đánh giá và phân tích của con người rất cao so với những giai đoạn sau. Tuy nhiên, do tính độc lập càng lớn thì sự vùng lên càng mãnh liệt nên những hành động và quyết định của giới trẻ thường xảy ra nhanh và không có khoảng suy nghĩ nhất định.
Vì khả năng kiềm chế cảm xúc không tốt đó nên trong những lúc tức giận, họ sẽ có những hành xử vượt ngoài tầm kiểm soát của mình. Và khi án mạng đã xảy ra thì họ mới nhận ra mình đã sai.
Bị can Vũ Văn Tiến (24 tuổi) tham gia vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước lúc bị bắt - Ảnh: Hải Nam
|
Đồng tình với suy nghĩ trên, Th.S Hòa An phân tích thêm, sự phát triển không ngừng của công nghệ, truyền thông cũng góp phần tạo nên những phản ứng bột phát của giới trẻ. Ngày xưa, chúng ta dùng sách, báo in để đọc hay “giết thời gian” nên con người có suy nghĩ, hành động chậm rãi và điềm tĩnh hơn. Song, giới trẻ ngày nay lại bị xoáy đi rất nhanh bởi trò chơi trực tuyến và internet, điều đó vô tình tạo cho họ thói quen làm gì cũng nhanh, nghĩ là hành động liền.
Biết cách giải tỏa cơn giận
|
Th.S Hòa An cũng chỉ ra nhiều phương pháp để tránh những hành động dẫn đến sai trái khi giận dữ. Điều chúng ta khó làm nhất trong một cuộc cãi vã là cách ly với nó.
“Nếu bạn đang giận dữ trong cuộc xung đột, và thấy rằng sự căng thẳng ngày càng gia tăng thì tôi khuyên bạn nên bước ra khỏi khu vực đó. Hãy đi sang chỗ khác, hít thở sâu và cố gắng giảm dần cơn giận của mình. Bạn có thể uống một cốc nước lạnh, hoặc hét thật to để giải tỏa. Sau đó, bạn sẽ có thêm thời gian suy xét một cách chín chắn về sự việc đang diễn ra, tránh những sai lầm có tính bồng bột nhất thời”, Th.S An chia sẻ.
Và trên hết, nếu mỗi người biết cách quản lý tốt cảm xúc, suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi quyết định, hành động thì sẽ không còn những sự việc đáng tiếc, gây đau lòng xảy ra thêm nữa.
Bình luận (0)