Sáng 26.2, Ban Thường trực Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hội nghị hướng dẫn quy trình giới thiệu người của các cơ quan T.Ư ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 15.
Hướng dẫn vừa được Ban Thường trực Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ký ban hành ngày 24.2.
Theo hướng dẫn, các cơ quan sẽ phải tổ chức 3 cuộc họp để có thể giới thiệu người của đơn vị mình ra ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 15.
Cụ thể, bước 1, ban lãnh đạo cơ quan họp để dự kiến người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội. Bước 2, tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri. Bước 3, ban lãnh đạo cơ quan tổ chức hội nghị ban lãnh đạo mở rộng để thảo luận, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội.
Tại cuộc họp, vấn đề được nhiều đại diện của các cơ quan, tổ chức nêu ra là thành phần của các cuộc họp “ban lãnh đạo” sẽ như thế nào vì khái niệm “ban lãnh đạo” khá rộng.
Ông Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nêu câu hỏi: Liên đoàn Luật sư thì họp ban lãnh đạo có cần họp Đảng đoàn hay không, vì Liên đoàn Luật sư có Đảng đoàn?
Trả lời băn khoăn này, ông Vương Văn Nam, Trưởng ban Tổ chức - Cán bộ Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho biết: “Đảng không nói cụ thể” nhưng theo nhận thức của ông Nam thì cả Đảng đoàn (nếu có) và ban lãnh đạo của cơ quan, tổ chức đều phải họp.
“Tức là tập thể có thẩm quyền quyết định về công tác nhân sự”, ông Nam giải thích rõ.
Giải thích thêm sau đó, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hầu A Lềnh cho biết, ngày hôm qua (25.2), Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng vừa tổ chức họp ban lãnh đạo để giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội của tổ chức này.
“Hôm qua chúng tôi vừa họp, kinh nghiệm thế này thôi. Khi họp chúng tôi mời tất cả thành viên Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Vì liên quan tới công tác lãnh đạo. Trong 7 ủy viên Đảng đoàn thì có 6 đồng chí trong Ban Thường trực (Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) rồi. Chỉ có 1 đồng chí không phải là Ban Thường trực thôi”, ông Lềnh nói.
Giải đáp băn khoăn, họp ban lãnh đạo có cần mời đại diện của Đảng ủy của Đảng bộ tại các cơ quan, đơn vị hay không, ông Lềnh cho biết, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mời phó bí thư thường trực Đảng ủy dự, phát biểu ý kiến; nhưng khi bỏ phiếu, biểu quyết (giới thiệu người ứng cử) thì “đồng chí đó không được biểu quyết”.
Theo ông Lềnh, nguyên tắc phân cấp quản lý cán bộ thì người được giới thiệu thuộc thẩm quyền quản lý của ai thì tập thể lãnh đạo đơn vị đó chủ trì cuộc họp. “Như Mặt trận Tổ quốc là Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc họp và kết luận là của Đảng đoàn”, ông Lềnh cho hay.
Mong 100% người giới thiệu sẽ trúng cử
Ông Lềnh cũng mong muốn việc giới thiệu đại biểu của các cơ quan, tổ chức cần thực hiện làm sao để giới thiệu thì bầu sẽ trúng cử, vì số lượng đại biểu phân bổ cho khối Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Quốc hội khóa 15 giảm so với Quốc hội khóa 14.
|
“Kỳ trước 31 đại biểu, kỳ này có 29 đại biểu thôi. Hôm trước Chủ tịch (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - PV) có đề nghị nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau khi họp xem xét rất kỹ càng, bàn đi bàn lại không thể tăng thêm được. Chúng ta chỉ có 29 đại biểu. Như vậy các tổ chức thành viên của Mặt trận vẫn giữ 25. Nếu chọn tốt, bầu đủ 100% số lượng thì tốt hơn”, ông Lềnh cho hay.
Theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, số đại biểu Quốc hội ở T.Ư dự kiến là 207 đại biểu (tăng 9 đại biểu so với Quốc hội khóa 14).
Số lượng được phân bổ cụ thể như sau:
Các cơ quan Đảng 10 đại biểu, cơ quan Chủ tịch nước 3 đại biểu.
Các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội (đại biểu Quốc hội chuyên trách ở T.Ư): 133 đại biểu (26,6%).
Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ (bao gồm cả Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an): 15 đại biểu.
Lực lượng vũ trang: 14 đại biểu (12 đại biểu quân đội, 2 đại biểu công an).
TAND tối cao, VKSND tối cao, Kiểm toán nhà nước: mỗi cơ quan 1 đại biểu.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên: 29 đại biểu (5,8%).
Bình luận (0)