'Gỡ vướng' cho dự án xử lý nước thải

22/03/2019 10:35 GMT+7

Nguồn vốn đầu tư không còn là bài toán khó đối với vấn đề xử lý nước thải của TP.Đà Nẵng. Tuy nhiên, vẫn còn những trở ngại về phương thức, cơ chế đầu tư... cần gỡ vướng.

Biển sắp hết ô nhiễm?

 
Mới đây, doanh nhân Huỳnh Uy Dũng, được biết đến với tên Dũng “Lò vôi”, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đại Nam (Bình Dương), đã gây chú ý với dự án 10.000 tỉ đồng xử lý nước thải. Trong đó, vị đại gia này dành phần lớn nguồn đầu tư cho Đà Nẵng và hy vọng có thể giải quyết vấn nạn hệ thống xử lý quá tải dẫn đến sự cố tràn nước thải tự do ra biển, vịnh Đà Nẵng.
Ông Dũng “Lò vôi” khẳng định, với giải pháp xử lý vi sinh mà Công ty CP xử lý nước thải Hằng Hữu Huỳnh đã áp dụng thành công tại Bình Dương, nước thải ra môi trường tại các cửa xả có thể chứa trong hồ làm hồ bơi nước ngọt hoặc phục vụ du khách sau khi tắm biển. Với tiêu chuẩn nước sau xử lý đạt loại A, có thể nuôi cá Koi sống bình thường. Ông Dũng cũng không đặt nặng yếu tố lợi nhuận bởi các dự án đầu tư xử lý nước thải không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trước mắt, doanh nghiệp sẽ thử nghiệm xử lý nước thải bằng vi sinh tại 3 hồ chứa nước thải lớn của TP.Đà Nẵng; tiếp đến, mua lại một số nhà máy xử lý nước thải có sẵn, đổi mới công nghệ để nâng công suất lên gấp đôi…
Ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, nhìn nhận Đà Nẵng dù đặt mục tiêu xây dựng thành phố môi trường nhưng sau 10 năm vẫn đối mặt với ô nhiễm, nhất là môi trường biển. Do đó, địa phương hoan nghênh và sẽ tạo mọi điều kiện để Tập đoàn Đại Nam đầu tư; trước mắt ưu tiên giải quyết nước thải, trả lại môi trường biển.
Ông Mai Mã, Giám đốc Công ty thoát nước và xử lý nước thải TP.Đà Nẵng, cũng đánh giá kế hoạch của ông Dũng “Lò vôi” là khả thi, trong đó công nghệ vi sinh được lưu tâm vì hiệu quả kinh tế. Nước thải sau xử lý được tái sử dụng cũng hợp xu thế, vì nhu cầu sử dụng nước ngày càng lớn mà nguồn nước không vô hạn. “Quan trọng là vấn đề công nghệ. Chỉ cần công nghệ tốt thì xử lý đạt, nước thải sau đó có thể uống được như ở nước ngoài”, ông Mã nói.
“Gỡ vướng” cho dự án xử lý nước thải1
Sở Xây dựng và Sở TN-MT bắt quả tang công trình nhà hàng lén xả thải ra biển hồi tháng 4.2018 Ảnh: N.T

Tìm cách hợp tác

Xả chui vì hệ thống quá tải
Năm 2018, có 9 vụ lén xả nước ngầm thi công hố móng vào hệ thống cống thoát nước mưa dẫn đến quá tải, nước thải tràn ra biển. Tại khu vực ven biển Q.Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, 1.245 cơ sở kinh doanh hoạt động nhưng chỉ có 201 giấy phép được đấu nối xả thải, tức 84% số cơ sở có nguy cơ xả chui. UBND TP.Đà Nẵng đã có kế hoạch kiểm tra chuyên đề về xả thải ở các cơ sở liên quan.
UBND TP.Đà Nẵng cũng vừa ban hành kế hoạch Xử lý thoát nước địa bàn năm 2019 với quy mô tổng vốn đến 3.305 tỉ đồng, một mức đầu tư lớn chưa từng có đối với mục tiêu xử lý thoát nước. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm đặt ra là phải cơ bản giải quyết vấn đề môi trường nước thải ra sông, biển, khu du lịch.
Dự án lớn nhất trong kế hoạch “khủng” này chính là công trình xử lý thoát nước khu vực ven biển phía đông TP, quy mô 2.450 tỉ đồng, do BQL dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và BQL dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên chủ trì thực hiện. Theo tính toán, dự án sẽ thu gom toàn bộ nước thải ra biển đi qua 2 quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn, đưa về trạm xử lý đạt chuẩn trước khi đổ ra lại môi trường. Như vậy, sau nhiều năm triển khai manh mún các dự án xử lý nước thải và lạc hậu so với tốc độ phát triển vì thiếu vốn, đến nay TP.Đà Nẵng đã huy đông được nguồn lực hùng hậu và khoản ngân sách lớn.
Ông Mai Mã phân tích thêm, hiện nguồn lực đầu tư lớn đã có, vấn đề còn lại là TP sẽ lựa chọn, phân kỳ thứ tự ưu tiên, trong đó bức bách nhất là xử lý xả thải ra biển, vịnh; tiếp đến là nâng cấp hệ thống thu gom, đầu tư công nghệ xử lý nước thải đạt chuẩn A cho các nhà máy, hệ thống cửa thu ngăn mùi... Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN-MT, cũng cho rằng dự án của ông Huỳnh Uy Dũng rất khả thi, nhưng vấn đề khó nhất nằm ở cách triển khai. “Hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư xử lý nước thải đã được thống nhất, nhưng phương thức đầu tư vẫn còn rất khó. Vấn đề đặt ra bây giờ là TP phải sớm có một phương thức nào đó để thuận lợi cho nhà đầu tư và huy động nguồn lực xã hội”, ông Hùng nói.
Ông Hùng đơn cử, cho dù nhà đầu tư tâm huyết, bỏ tiền ra xây nhà máy nhưng liên quan đến đất đai thì phải qua đấu giá. Chưa kể, có những nhà đầu tư không cần lợi nhuận nhưng địa phương phải chịu chi phí vận hành, khiến cho mối quan hệ hợp tác rất phức tạp. Chính vì vậy, vấn đề đang đặt ra không đơn giản có tiền, công nghệ, tâm huyết là đủ; mà mà quan trọng nhất là cơ chế chính sách.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.