Góc nhìn phóng viên: Nỗi lo đầu ra của thanh long Bình Thuận

22/08/2019 07:31 GMT+7

Bình Thuận hiện có hơn 30.000 ha thanh long, mỗi năm cho sản lượng khoảng 600.000 tấn quả.

Dù trái thanh long đã được phép vào nhiều thị trường khó tính nhất thế giới như Mỹ, Nhật, Đức, Hàn Quốc, nhưng thị trường quan trọng nhất và có tính quyết định “sống còn” của trái thanh long lại là Trung Quốc - chiếm tới trên 80% sản lượng thanh long của Bình Thuận.
Đây chính là lý do mà các nhà chuyên môn cảnh báo và lo ngại cho sự bền vững đầu ra của trái thanh long. Toàn bộ hoạt động xuất khẩu thanh long của Bình Thuận sang Trung Quốc chủ yếu bằng con đường tiểu ngạch (tự do mậu biên giữa hai nước ở các cửa khẩu Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh). Vài năm trước, khi PV Thanh Niên trực tiếp đến Pò Chài, một chợ trái cây biên giới lớn nhất của TP.Bằng Tường (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc), mọi thủ tục buôn bán trái thanh long, đều do các đầu nậu bên kia biên giới quyết định.
Còn hiện nay các quy trình từ sản xuất, chăm sóc, thu hoạch cho đến đóng gói và vận chuyển đi hầu như các đầu nậu Trung Quốc đều “làm chủ ngay tại vườn”. Không chỉ các nhà đóng gói, nậu vựa treo biển hiệu đầy chữ Trung Quốc ở Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc (“thủ phủ” thanh long Bình Thuận), mà trên bao bì sản phẩm đóng gói cũng được in sẵn chữ Trung Quốc. Ông Bùi Đăng Hưng, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, người có nhiều kinh nghiệm về xuất khẩu thanh long đi Trung Quốc, từng nói: “Nếu không có thị trường Trung Quốc thì trái thanh long Bình Thuận xuất đi đâu cho hết?”.
Ông Hưng nói, muốn thoát được sự lệ thuộc vào thị trường này, giờ đây không còn cách nào khác là phải “công nghệ cao” trái thanh long. Tức là sản xuất thanh long sạch theo các tiêu chuẩn kỹ thuật tiên tiến; vệ sinh an toàn thực phẩm; minh bạch xuất xứ hàng hóa...
Nếu không làm được thì việc ách tắc thanh long ở các cửa khẩu biên giới, hay hàng trăm container Việt Nam bị cấm cửa như vừa qua còn là câu chuyện dài nhiều tập.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.