Ngày 6.7, UBND TP.HCM đã ban hành Công văn số 2209/2021 về việc triển khai chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 09/2021 của HĐND TP.HCM.
Từ 0 giờ ngày 9.7, TP.HCM đã áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. UBND TP.HCM cũng giao Sở LĐ-TB-XH phối hợp với các sở, ngành TP khẩn trương triển khai Nghị quyết số 68 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Công văn số 2209/2021 của UBND TP. Đồng thời, rà soát, tổ chức cho người lang thang, cơ nhỡ, sống tại nơi công cộng vào Trung tâm hỗ trợ xã hội để quản lý kiểm soát, phòng chống dịch.
Tuy nhiên, với Chỉ thị áp dụng lần này, người dân TP chỉ được ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác; các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn, tang lễ... Nhiều người lao động thắc mắc liệu việc áp dụng Chỉ thị này thì việc các khoản hỗ trợ có bị ảnh hưởng về thủ tục, thời gian hay không.
Liên quan vấn đề này, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, ông Lê Minh Tấn cho biết, công tác hỗ trợ cho người lao động vẫn thực hiện bình thường nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Người lao động có tài khoản ngân hàng thì sẽ thực hiện phương thức hỗ trợ sẽ vào tài khoản cá nhân, không có sẽ thực hiện chi trực tiếp.
Ông Lê Minh Tấn cũng lưu ý với gói hỗ trợ của TP.HCM lần này, người lao động không cần làm thủ tục nào, chỉ có riêng người lao động chấm dứt hợp đồng nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp mới làm giấy đề nghị hỗ trợ. Đồng thời, các hoạt động gửi hồ sơ nếu có sẽ được thực hiện qua đường bưu điện.
Phường, xã sẽ xuống từng nhà chi hỗ trợ cho lao động tự do
Chiều 10.7, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trần Hữu Thiện, Chủ tịch UBND P.2 (Q.Phú Nhuận) cho biết, địa phương đã phân chia làm 4 tổ, mỗi tổ 2 người gồm các cán bộ, công chức của phường cùng với lực lượng tình nguyện viên đi xuống từng nhà để lập danh sách người lao động tự do được nhận hỗ trợ.
"Hiện nay, P.2 đã lập danh sách 285 trường hợp được nhận hỗ trợ. Người dân có số tài khoản sẽ chuyển thẳng vào tài khoản ngân hàng, còn người dân nào không có số tài khoản sẽ được phường đến nhà phát tiền trực tiếp. Trong sáng nay (10.7), phường đã triển khai phát tiền hỗ trợ cho người lao động rồi, việc trao nhận tiền cũng đảm bảo các quy tắc 5K trong phòng, chống dịch Covid-19", ông Thiện thông tin.
Lãnh đạo P.2 cũng cho biết: “Từ khi lập danh sách, xét duyệt hồ sơ, rút tiền và chi hỗ trợ cho người dân chỉ trong vòng 6 ngày. Sau khi nhận được chỉ đạo từ UBND Q.Phú Nhuận, phường đã nhanh chóng xét duyệt, triển khai để tiền được đến tay người lao động khó khăn trong thời gian sớm nhất có thể”.
|
Đồng thời, ông Lê Nguyễn Việt Nam, Phó chủ tịch P.Bến Nghé (Q.1) cũng cho hay việc triển khai gói hỗ trợ không "chồng chéo" với Chỉ thị 16, tuy nhiên cần đảm bảo phòng chống dịch Covid-19. Hiện nay, P.Bến Nghé đã lập danh sách đợt 1 cho 60 trường hợp, dự kiến đầu giờ chiều nay (10.7) sẽ đi phát tiền tận nhà cho người dân.
Chiều cùng ngày, ông Trần Thanh Nam, Phó chủ tịch P.25 (Q.Bình Thạnh) cũng cho biết phường đã lập danh sách đợt 1 cho 50 trường hợp được nhận hỗ trợ. Sau khi họp xét duyệt cho các trường hợp này, hôm qua (9.7) phường đã cử cán bộ đến tận nhà để trao tiền người dân.
“Hiện nay phường đang tiếp tục lập danh sách theo kiểu “cuốn chiếu”. Phường sẽ thông báo cho các tổ dân phố, các tổ dân phố sẽ đi đến các hộ dân lập danh sách, sau đó gửi về phường để tập hợp danh sách và họp ban chỉ đạo để xét duyệt. Điều quan trọng để tiền đến tay người dân càng nhanh càng tốt, cũng như thực hiện đúng các biện pháp phòng dịch”, ông Nam thông tin.
Ông Trần Thanh Nam lưu ý thêm, đối tượng xe ôm công nghệ và xe ôm truyền thống không nằm trong đối tượng được nhận hỗ trợ như Công văn 2209. Tuy nhiên, khi TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16, thì hai đối tượng này phải tạm ngưng hoạt động. Phường đang lập sẵn danh sách những đối tượng này, nếu có hỗ trợ, chỉ đạo nào từ phía TP sẽ có sẵn danh sách để đáp ứng kịp thời.
Đối với người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương thì người sử dụng lao động có trách nhiệm thống kê, lập danh sách người lao động, gửi bưu điện cho Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.Thủ Đức, quận huyện nơi doanh nghiệp (DN) có trụ sở chính. BHXH sẽ rà soát, kiểm tra danh sách đủ điều kiện để gửi Phòng LĐ-TB-XH của UBND TP.Thủ Đức, quận huyện. Trong 4 ngày làm việc, TP.Thủ Đức, quận huyện quyết định và thực hiện chi hỗ trợ cho người lao động qua số tài khoản ngân hàng.
Đối với người lao động có tên trong danh sách tham gia BHXH bắt buộc bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động cần có giấy đề nghị kèm bản photo quyết định hoặc thông báo chấm dứt hợp đồng lao động, gửi bưu điện BHXH TP.Thủ Đức, quận huyện nơi người lao động cư trú. Sau khi tiếp nhận, trong 1 ngày làm việc, BHXH TP.Thủ Đức, quận huyện rà soát, kiểm tra, cho ý kiến về điều kiện hỗ trợ NLĐ, gửi Phòng LĐ-TB-XH, UBND TP.Thủ Đức, quận huyện. Trong 4 ngày làm việc, UBND TP.Thủ Đức, quận huyện quyết định hỗ trợ và thực hiện chi hỗ trợ cho người thông qua tài khoản, nêu không có thì chi trả trực tiếp.
Đối với người lao động tự do, trong 3 ngày làm việc thì UBND xã, phường, thị trấn rà soát, thống kê, lập danh sách để thông qua Hội đồng xét duyệt cấp xã, báo cáo UBND TP.Thủ Đức, quận huyện. Trong 2 ngày làm việc, UBND TP.Thủ Đức, quận huyện sẽ rà soát, thẩm định, phê duyệt danh sách gửi về UBND xã, phường, thị trấn để cấp này ra quyết định và chi trả hỗ trợ trực tiếp từng người trong 2 ngày kế tiếp.
|
Bình luận (0)