Sáng 9.9, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý cho dự án luật Cư trú sửa đổi (sửa đổi) nhằm chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Lo lắng về cơ sở dữ liệu quốc gia
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Duy Bình, Phó trưởng phòng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06, Công an TP.HCM) cho biết Bộ Công an đang triển khai nhiều biện pháp công tác, lộ trình theo phương án xóa bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú để thay thế bằng việc quản lý thông qua dữ liệu điện tử, bằng mã số định danh kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2021.
|
“Bộ Công an đã chủ trì mở hội nghị toàn quốc để triển khai rất nhiều nội dung, trong đó có việc cấp căn cước công dân có gắn 'chip' định danh, việc triển khai đồng bộ các biện pháp để xây dựng dữ liệu dân cư. Hiện nay, đường truyền đến các xã phường hay trang bị máy móc đã theo tiến độ dự kiến sẽ hoàn thành sớm”, ông Bình cho hay.
Đại diện Quân khu 7 cho biết: “Chỉ sợ rằng chúng ta tự gây áp lực cho chúng ta, đặc biệt nếu các địa phương chuẩn bị không đồng bộ sẽ gây ra phiền hà, không có lợi cho công dân vì luật áp dụng chung cho toàn quốc”.
|
Đồng tình với phương án lùi thời gian bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú cho tới ngày 31.12.2022, ông Phùng Văn Hải (Chánh tòa dân sự, TAND TP.HCM) cho hay cần có quy định chuyển tiếp hoặc có sự phối hợp liên ngành với Bộ công an và tòa án cấp cao vì nó ảnh hưởng rất lớn đến quy trình tố tụng của tòa án trong việc cần các loại chứng cứ chứng minh nơi cư trú.
“Ví dụ, với những bản án chúng tôi tuyên tử hình bị cáo, chỉ cần sai địa chỉ thì không thể tiến hành thi hành án. Câu hỏi đặt ra là giữa cổng thông tin của tòa án và cổng thông tin của Bộ Công an hay của công an phường, xã kết nối như thế nào? Chúng tôi có quyền gõ vào và nhận được định danh nơi cư trú của công dân nộp đơn khởi kiện hay người bị kiện không?”, ông Hải lo ngại.
Trục trặc những khái niệm
Đồng thời, đa số đại biểu đề nghị rà soát, giải thích, làm rõ các khái niệm tại Điều 2 của luật như “chỗ ở hợp pháp”, “chủ hộ”, “cư trú”, “nơi thường trú”, “hộ gia đình”... để thống nhất với quy định của Bộ luật Dân sự và với cách hiểu với các luật khác.
|
“Luật Cư trú này rất quan trọng vì nó liên quan đến hàng trăm triệu người và nhiều luật khác. Những khái niệm và định nghĩa trong luật này cần phải xem xét lại và cân nhắc thật kỹ, nếu không sẽ gây khó khăn cho người dân, ví dụ như khái niệm “chỗ ở hợp pháp” có mâu thuẫn với Khoản 2, Điều 22 của Hiến pháp về mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở (chưa biết hợp pháp hay không)?”, luật sư Trương Thị Hòa nói và nhấn mạnh thêm: “Ngoài ra, tôi rất quan tâm đến Điều 20 về quản lý cư trú đối với người không đủ điều kiện đăng ký thường trú hoặc tạm trú. Trong Điều 2 không giải thích khái niệm này và cũng không thể gọi họ theo nhóm “cư trú” được, vậy thì trong trường hợp này, họ được gọi là gì? Nếu xâm phạm chỗ ở của họ có phải cũng là vi phạm Bộ luật Hình sự không? Tôi kiến nghị chúng ta phải quan tâm đối tượng này, ở cả hai mặt về cả quyền của công dân và quản lý nhà nước về cư trú”.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng đề nghị cần xem xét thận trọng các trường hợp xóa đăng ký thường trú bởi có thể sẽ ảnh hưởng đến công dân khi họ thực hiện quyền hoặc các thủ tục hành chính liên quan, đặc biệt cận nhắc kỹ việc có cần bổ sung quy định xóa đăng ký thường trú đối với người vắng mặt tại nơi thường trú trên 12 tháng liên tục, trừ trường hợp đã đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác, đã khai báo tạm vắng hoặc xuất cảnh ra nước ngoài nhưng không phải để định cư (điểm d khoản 1 Điều 25 của dự thảo) hay không.
Bình luận (0)