Grab bị dọa kiện tại Đà Nẵng

25/03/2019 04:39 GMT+7

Ngày 24.3, Hiệp hội Taxi TP.Đà Nẵng cho biết đã thống nhất ý kiến của 8 hãng taxi thành viên về việc ủy quyền cho hiệp hội kiện Grab vì "hoạt động vi phạm pháp luật" và "gây thiệt hại".

Chưa đồng ý thí điểm

Cụ thể, sau các cuộc họp với doanh nghiệp taxi thành viên, Hiệp hội Taxi TP.Đà Nẵng thống nhất liên hệ các văn phòng luật sư tư vấn pháp lý 2 vấn đề: việc thí điểm ứng dụng GrabCar của Công ty TNHH Grab tại TP.Đà Nẵng có vi phạm pháp luật hay không, và cơ sở để hiệp hội yêu cầu Grab bồi thường thiệt hại.
Theo hiệp hội, ngày 19.10.2015 Chính phủ có công văn đồng ý giao Bộ GTVT thí điểm triển khai ứng dụng hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng. Đến ngày 7.1.2016, Bộ GTVT có quyết định thí điểm tại 5 tỉnh thành: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Quảng Ninh trong 2 năm (đến năm 2018).
Tuy nhiên, trong tháng 11 và 12.2016, tháng 1 và 2.2017, UBND TP.Đà Nẵng, Sở GTVT và Hiệp hội Taxi TP.Đà Nẵng đã nhiều lần đề nghị Bộ GTVT có biện pháp quản lý với Grab, tạm dừng triển khai Grab tại Đà Nẵng cho đến khi có kết quả đánh giá ưu nhược điểm sau thời gian thí điểm tại Hà Nội và TP.HCM. Ngày 7.3.2017, Bộ GTVT phản hồi UBND TP và Công ty TNHH Grab đề nghị Grab chỉ thực hiện ứng dụng hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải khách bằng ô tô theo hợp đồng (GrabCar) tại Đà Nẵng khi có sự phối hợp quản lý của Sở GTVT TP.
Theo Sở GTVT TP.Đà Nẵng, ngành giao thông chưa có văn bản đồng ý cho phép thí điểm Grab tại Đà Nẵng, nhưng thực tế Grab đã hoạt động thời gian qua. Năm 2018 và 3 tháng đầu năm 2019, Thanh tra sở đã xử phạt 315 trường hợp xe đón khách trá hình, Grab chạy "chui" với tổng số tiền gần 1 tỉ đồng.

Xác định thiệt hại để khởi kiện

Theo báo cáo của Hiệp hội Taxi TP.Đà Nẵng, sau 3 năm, Grab tại Đà Nẵng đã phát triển hơn 4.000 xe, gấp gần 2,5 lần lượng taxi mà TP đã quy hoạch và khống chế chưa cho phát triển ồ ạt. Hiệp hội ước tính sơ bộ thời gian qua doanh thu taxi giảm 10 - 15%, có đơn vị thành viên giảm 70%; có đến 30 - 40% tài xế taxi nghỉ việc và chuyển sang chạy Grab.
Quy mô của nhiều doanh nghiệp taxi thu hẹp dần, nhiều hãng rất khó khăn khi tuyển mới tài xế... Ông Võ Thành Nhân, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Đà Nẵng, cho biết đó chỉ là thống kê sơ bộ. "Hiệp hội đang làm việc với các văn phòng luật sư để được tư vấn các thủ tục và hướng dẫn các hãng taxi thống kê thiệt hại của mình làm cơ sở kiện ra tòa”, ông Nhân nói.
Chiều 24.3, trả lời PV Thanh Niên, đại diện Grab cho hay đã biết tin Hiệp hội Taxi TP.Đà Nẵng đang hoàn thiện thủ tục pháp lý để kiện Grab ra tòa, nhưng chưa nhận được thông tin chính thức từ các bên liên quan như Hiệp hội, tòa án hay cơ quan chức năng. “Khi có thêm thông tin chính thức về vụ việc, Grab sẽ có phản hồi trong thời gian sớm nhất”, đại diện Grab nói.
Năm 2017, Công ty cổ phần Ánh Dương VN (Vinasun) khởi kiện Công ty TNHH Grab (Grab) yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng hơn 41,2 tỉ đồng. Tháng 12.2018, TAND TP.HCM xử sơ thẩm tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Vinasun, buộc Grab phải bồi thường Vinasun hơn 4,8 tỉ đồng.
Theo đơn khởi kiện của Vinasun, Grab tham gia thị trường VN thông qua Đề án thí điểm 24 của Bộ GTVT với loại hình cung ứng công nghệ hỗ trợ dịch vụ vận tải. Tuy nhiên, Vinasun cho rằng Grab đã vi phạm pháp luật VN khi đang kinh doanh vận tải hành khách tương tự Vinasun.
Sau thời gian xét xử, HĐXX nhận định Grab không chỉ là đơn vị cung ứng phần mềm kết nối vận tải như đã giải trình với các cơ quan chức năng, với tòa án, mà thực tế trực tiếp kinh doanh, trực tiếp điều hành xe, trực tiếp chỉ định tài xế đón khách, điều chỉnh tăng giảm giá cước, tổ chức thực hiện chương trình khuyến mãi cho khách hàng sử dụng các loại hình của Grab, thưởng điểm cho tài xế, xử phạt các tài xế vi phạm quy chế của Grab… Vì vậy, HĐXX đánh giá Grab vi phạm nghiêm trọng pháp luật VN, đặc biệt là vi phạm nghiêm trọng Đề án thí điểm 24.
Hiện các bên đều kháng cáo bản án sơ thẩm và đang chờ xét xử phúc thẩm.
Phan Thương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.