Grab đặt vấn đề mua cổ phiếu của Vinasun

26/12/2018 13:55 GMT+7

Grab đề nghị mua 5% số cổ phiếu của Vinasun với giá 65 tỉ đồng, tương đương 30.400 đồng/cổ phiếu, để kết thúc vụ kiện.

Sau gần 1 tháng tạm ngừng phiên tòa, ngày 26.12, TAND TP.HCM mở lại phiên xét xử sơ thẩm vụ kiện "tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng" giữa nguyên đơn là Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH Grab (Grab).
[VIDEO] "Đại chiến" Grab - Vinasun dai dẳng tưởng chừng đã hạ nhiệt sau ngày 30.11.2018
Trước đó, ngày 30.11, trong quá trình xét hỏi, cả hai bên đương sự đều đề nghị tạm ngừng phiên xử để có thêm thời gian hòa giải và HĐXX đồng ý. Đây là lần tạm ngừng thứ 5 trong năm 2018. Vụ án cũng từng một lần tạm đình chỉ, 2 lần hoãn phiên xử.
Tại phiên tòa sáng nay, Vinasun và Grab đều trình bày trong thời gian tạm ngừng phiên xử, hai bên có gặp nhau, ngồi lại thương thảo với nhau nhưng hòa giải không thành nên 2 bên yêu cầu HĐXX tiếp tục xét xử.
Khi HĐXX quay lại phần xét hỏi, Vinasun tiết lộ rằng trong quá trình hòa giải, Grab có đặt vấn đề mua cổ phiếu của Vinasun nhưng nguyên đơn không đồng ý vì Grab đề nghị mua 5% số cổ phiếu của Vinasun với giá 65 tỉ đồng, tương đương 30.400 đồng/cổ phiếu. 
Về vấn đề này, Grab trình bày khi Grab đưa ra phương án mua cổ phiếu của Vinasun thì Grab đang đặt vấn đề hợp tác giữa các bên để nguyên đơn và bị đơn đều tập trung vào kinh doanh, hòa giải hiểu nhầm và hóa giải cách hiểu sai lệch của Vinasun, để Vinasun không phải theo đuổi một vụ kiện vô nghĩa.
“Grab đặt vấn đề mua cổ phiếu của Vinasun, đó là sự đầu tư của Grab vào Vinasun để làm tốt hơn nữa hoạt động kinh doanh các bên. Sự hợp tác này là lợi ích của hai bên, lợi ích của toàn xã hội, đây là lợi ích cho tương lại, không phải của hiện tại”, đại diện Grab nêu.
Theo đơn khởi kiện ban đầu và quá trình xét xử trong thời gian vừa qua, Vinasun giữ nguyên quan điểm cho rằng Grab thực hiện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của Grab như khuyến mãi, giảm giá trái/vượt quy định pháp luật; Grab đăng ký thí điểm là đơn vị cung cấp phần mềm cho đơn vị kinh doanh vận tải nhưng thực tế trực tiếp kinh doanh vận tải, tương tự Vinasun. Từ đó, Vinasun khẳng định các hành vi vi phạm pháp luật của Grab đã gây thiệt hại về doanh thu, lợi nhuận cho Vinasun nên hãng khởi kiện, yêu cầu Grab bồi thường thiệt hại hơn 41,2 tỉ đồng. Ngược lại, Grab không đồng ý với kết luận giám định thiệt hại và đề nghị HĐXX đình chỉ giải quyết vụ án.
Phiên tòa đang tiếp tục xét hỏi. 
Đồ họa: Cẩm Tiên
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.