Hà Nội chuẩn bị bệnh viện dã chiến

31/07/2021 07:10 GMT+7

Tính đến tối qua (30.7), Hà Nội đã vượt mốc 1.000 ca mắc mới Covid-19 trong đợt dịch thứ 4.

Số ca Covid-19 ngoài cộng đồng cao

Sau 2 ngày ghi nhận số ca mắc mới giảm nhẹ, hôm qua (30.7), Hà Nội lần đầu tiên ghi nhận số ca mắc mới cao, với 119 ca, nâng tổng số ca từ đợt dịch thứ 4 (27.4) đến nay lên 1.100 ca. Đáng chú ý, số ca Covid-19 ngoài cộng đồng chiếm tỷ lệ cao, 663 ca so với 437 ca đã được cách ly. Riêng số ca từ rà soát ho, sốt ngoài cộng đồng từ 21.7 đến nay đã ghi nhận gần 270 ca. Các biện pháp siết chặt đảm bảo giãn cách được TP tăng cường, yêu cầu mẫu “giấy đi đường” chung áp dụng cho một số đối tượng đủ điều kiện lưu thông trên địa bàn TP trong thời gian giãn cách xã hội. Ngoài các chốt kiểm soát do lực lượng công an thiết lập, các quận, huyện cũng huy động lực lượng tại chỗ lập các chốt kiểm soát tại các khu vực vùng lõi, khu dân cư, khu vực phong tỏa, nhiều ca F0.
Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, trong ngày 29.7, toàn TP đã tiêm được hơn 72.000 mũi vắc xin Covid-19. Cộng dồn từ đầu năm 2021 đến nay, Hà Nội tiêm được 466.000 mũi vắc xin Covid-19 (chiếm tỷ lệ 5,16% dân số). TP cũng đang tiêm mở rộng tại tất cả các phường, xã trên địa bàn với cả 3 loại vắc xin là Pfizer, AstraZeneca và Moderna.
Theo đó, TP chủ trương trưng dụng 10 dự án nhà tái định cư (bao gồm cả khuôn viên xung quanh các tòa chung cư) để sử dụng làm nơi cách ly, lập bệnh viện dã chiến. Trong đó, có 6 dự án đầu tư bằng nguồn ngân sách tại các quận Hoàng Mai, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm; 4 dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách tại các quận Cầu Giấy, Hoàng Mai và H.Đông Anh.
Bên cạnh đó, được sự chấp thuận về chủ trương của Chính phủ, UBND TP.Hà Nội đã giao Bệnh viện ĐH Y Hà Nội xây dựng Bệnh viện dã chiến hồi sức điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch, quy mô khoảng 500 giường bệnh tại P.Tam Trinh (Q.Hoàng Mai). Dự kiến bệnh viện sẽ được xây dựng trong khoảng 1 tháng, hoàn thiện và đưa vào sử dụng cuối tháng 8.

Sáng 31.7: Cả nước thêm 4.060 ca Covid-19, riêng TP.HCM 2.503 bệnh nhân, Hà Nội 3 ca

Thực phẩm tăng giá do khó vận chuyển

Đa số các quận như Tây Hồ, Hà Đông, Đống Đa, Hoàng Mai… đã phát phiếu cho người dân đi chợ để kiểm soát lượng người ra vào chợ, đảm bảo giãn cách. Đáng chú ý, dù lượng người đi chợ dân sinh ở Hà Nội giảm đáng kể trong thời gian thủ đô giãn cách, nhưng thực phẩm, rau xanh tại các chợ này lại bất ngờ tăng giá.
Khảo sát tại một số chợ dân sinh như Khương Thượng (Q.Đống Đa), Vĩnh Tuy (Q.Hai Bà Trưng), Đồng Xa (Q.Cầu Giấy), Giang Biên (Q.Long Biên)... nhiều mặt hàng tăng giá chóng mặt như thực phẩm tươi sống, các loại rau xanh.
Theo các tiểu thương, có nhiều nguyên nhân khiến hàng hóa ở chợ dân sinh tăng giá. Ngoại trừ mặt hàng trứng do khan hiếm nguồn hàng, các loại thực phẩm, rau xanh tăng giá còn do khâu vận chuyển vào nội thành khá khó khăn và thêm một lý do nữa là chợ đầu mối Đền Lừ tạm đóng cửa vì có ca F0.
Đối với mặt hàng thịt lợn, nhiều người bán hàng cho biết, do nhà cung cấp thịt lợn lớn cho thị trường toàn quốc là Vissan dừng hoạt động vì có ca F0, nên thị trường bị ảnh hưởng. Đại diện hệ thống siêu thị VinMart/VinMart+ cho biết khách hàng có thể sử dụng thịt mát MEATDeli để thay thế. Về nguồn cung nguyên liệu, Masan sở hữu trang trại nuôi lợn công nghệ cao tại Nghệ An với quy mô 250.000 lợn thịt/năm.
Bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, cho biết TP đã xây dựng phương án dự trữ hàng hóa theo 3 cấp độ. Nếu nhu cầu mua sắm tăng mạnh, TP.Hà Nội sẽ tăng lượng hàng dự trữ lên gấp 3 lần. Nếu cần biện pháp cao hơn nữa sẽ kích hoạt gần 2.000 điểm bán hàng lưu động.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.