Hà Nội giãn cách tiếp đến sáng 6.9: Siết chặt việc đi đường

21/08/2021 06:58 GMT+7

Tại cuộc họp báo chiều 20.8, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã thống nhất tiếp tục giãn cách toàn TP đến 6 giờ sáng 6.9.

Theo ông Phong, dù Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phòng, chống dịch, nhưng nguy cơ vẫn rất cao.
Cụ thể, vẫn còn có F0 trong cộng đồng; dịch bệnh ở phía nam và các tỉnh lân cận vẫn diễn biến phức tạp. Một số mục tiêu của việc giãn cách đặt ra như hạn chế mức thấp nhất người ra đường vẫn chưa đạt được. “Nếu không tiếp tục thực hiện chống dịch quyết liệt, thực chất, hiệu quả hơn nữa, tình hình dịch bệnh vẫn có khả năng bùng phát trên địa bàn TP”, ông Phong nói, và nhấn mạnh mục tiêu giãn cách thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh xét nghiệm diện rộng, trọng tâm để bóc tách F0; tăng cường tiêm vắc xin...

Nóng bỏng ổ dịch Covid-19 mới tại chung cư HH4C Linh Đàm ở Hà Nội

Đáng chú ý, Hà Nội sẽ tiếp tục hoàn thiện các nội dung công việc còn bộc lộ hạn chế trong thời gian vừa qua, như thực hiện giãn cách nhưng trên thực tế lượng người ra đường vẫn còn đông.
“TP đã giao công an có đánh giá cụ thể về lượng người ra đường, giấy tờ cấp cho người đi đường, đối tượng ra đường để tổng hợp, tham mưu với Sở Chỉ huy phòng, chống dịch về giải pháp phù hợp hơn, sát tình hình thực tiễn hơn, đảm bảo giãn cách quyết liệt, thực chất và hiệu quả hơn nữa”, ông Phong nói.
Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết TP hiện có 10 chùm ca bệnh. Qua chủ động rà soát, giám sát các trường hợp ho, sốt ngoài cộng đồng, đã phát hiện 1.406 ca mắc tại 29 quận, huyện, thị xã, trong đó, 122 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 nguyên phát. Về công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19, tổng cộng đã có 10 đợt phân bổ vắc xin với 1,91 triệu liều vắc xin các loại. Hiện TP đã tiêm được hơn 1,7 triệu liều, đạt 20,6%; tiêm cho công nhân tại khu công nghiệp đạt 48,5%.

Có nên tách trẻ ra khỏi mẹ khi một trong hai mắc Covid-19? | BÁC SĨ ƠI số 8

Để cung ứng hàng hóa đa dạng, UBND TP.Hà Nội chỉ đạo Sở Công thương phối hợp với các quận, huyện, thị xã triển khai bán hàng cho các khu nhà trọ, đông dân cư để hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện “1 cung đường, 2 điểm đến”; công nhân không phải đi chợ dọc đường, tiềm ẩn nguy cơ lây dịch bệnh. Hà Nội đang triển khai bán hàng bằng xe buýt lưu động, hiện đã có 14 doanh nghiệp đăng ký và trong trường hợp cấp bách, sẽ triển khai tiếp. Tính đến chiều 20.8, tổng kinh phí đã thực hiện cho an sinh xã hội, chăm lo cho người lao động, người khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch là 460 tỉ đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.