Hà Nội ô nhiễm nghiêm trọng vì 'mỗi nơi chậm một tí, thiếu trách nhiệm một tí'

18/12/2019 21:57 GMT+7

Sau khi Hà Nội liên tục được "vinh danh" vì ô nhiễm không khí , khiến bức xúc của người dân ngày một lên cao, chiều 18.12, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã chủ trì cuộc họp với các sở, ngành, quận, huyện.

Tất cả công ty vệ sinh môi trường, thu gom rác thải trên địa bàn cũng đã được mời đến dự.

Từ đầu 2019, Hà Nội có 6 đợt ô nhiễm không khí kéo dài

Ông Lê Tuấn Định, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP.Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn thành phố có 6 đợt ô nhiễm không khí kéo dài (trung bình từ 5 - 10 ngày), chất lượng không khí ở mức kém, xấu và rất xấu.
“Đợt ô nhiễm không khí cao điểm nhất là trong tháng 12 (từ ngày 8 - 14.12). Chất lượng không khí thường xuyên ở mức xấu và rất xấu”, ông Định nói.
12 nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm không khí trên địa bàn Hà Nội một lần nữa được nhắc lại, gồm: khí thải phương tiện giao thông, đốt than tổ ong, hoạt động xây dựng, đốt rơm rạ, công trình xây dựng…
Có mặt tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên - Môi trường), đưa ra 4 nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm không khí của Hà Nội, đó là hoạt động giao thông, đốt cháy nhiên liệu hóa thạch, nhà máy xi măng và công trình xây dựng.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Đức Chung khẳng định, thành phố đã quan tâm đến công tác môi trường từ lâu, nhưng trong quá trình tổ chức thực hiện thì “sự phối hợp giữa các sở, ngành chưa đồng bộ, có lúc có nơi chưa quyết liệt, thậm chí bỏ bẵng, không quan tâm đến công tác này". “Mỗi nơi chậm một tí, không có trách nhiệm một tí đưa đến hậu quả ngày hôm nay”, theo ông Chung.
Dẫn ra một số ví dụ của việc thực hiện như các vị trí giáp ranh giữa các công ty môi trường đô thị ngập rác, nhắc nhở nhiều nhưng đâu vẫn đóng đấy; phế thải xây dựng hiện không ai biết người ta đổ đi đâu; xe chở vật liệu làm tung bụi ra đường không được xử lý; từ 2016 cây xăng cấp phép mới phải có trạm rửa xe tự động nhưng không ai làm..., ông Chung đề nghị kiểm tra, thanh tra, nếu ai không làm thì đóng cửa.
Cũng theo Chủ tịch Hà Nội, dường như có việc các công ty vệ sinh môi trường để bẩn để gây sức ép lên thành phố, “phải ra đơn giá định mức, bổ sung tiền xong rồi mới làm” và có tình trạng đổ lỗi cho nhau vì có quá nhiều công ty môi trường đang hoạt động.

"Có 14 trạm quan trắc không khí mà bảo tôi ra quyết định cho học sinh nghỉ học"

Về giải pháp, ông Chung đưa ra 11 yêu cầu, trong đó có việc chuẩn bị ngay 50 - 70 vị trí để lắp đặt trạm quan trắc, phấn đấu trong quý 1/2020 sẽ hoàn thành, để Hà Nội có 70 - 80 trạm quan trắc.
“Hiện cả thành phố có 14 trạm quan trắc, mà các đồng chí bảo tôi phải đưa ra quyết định cho học sinh nghỉ học. Nghỉ thế nào được? Phải khẳng định được ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến tất cả các trường thì mới tuyên bố được. Mà đã có quy định pháp lý nào về việc ô nhiễm đến mức nào phải ra cảnh báo đâu. Chúng ta thiếu hẳn một mảng pháp lý đó. Giờ tôi ra quyết định, họ hỏi thẩm quyền của ông đâu? Đề nghị Sở Y tế làm việc với Sở Tài nguyên - Môi trường để đưa ra tiêu chí, xin ý kiến các bộ”, ông Chung chỉ đạo và yêu cầu hệ thống này cũng gắn liền với việc xác định vị trí lắp trạm quan trắc để có thông tin đầu vào.
“Nếu quý 1/2020 lắp thêm 50 - 60 trạm quan trắc nữa là chúng ta có 70 trạm, cộng với đấu thầu lắp trạm quan trắc cố định và trên cao để quan trắc ô nhiễm phóng xạ, thì chúng ta mới thành lập đủ một mạng lưới quan trắc không khí. Tôi cũng kiến nghị Bộ Tài nguyên - Môi trường nên xây dựng bộ tiêu chí cao, để ngăn chặn công nghệ cũ”, ông Chung nói.
Về việc thu gom rác, ông Chung yêu cầu các công ty vệ sinh môi trường phải thu gom sạch, không được để rác rơi, cơ giới hóa việc thu gom rác ở cả ngõ phố nhỏ.

Trong tuần này, Hà Nội sẽ triển khai việc rửa đường

Ngoài việc yêu cầu triển khai rửa đường ngay trong tuần này, Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu tiếp tục cải tạo ô nhiễm ao, hồ; đẩy nhanh tiến độ các nhà máy rác thải; vận động người dân không dùng than tổ ong, đốt rơm rạ; lựa chọn nhà đầu tư xử lý bùn thải; vận động người dân tham gia bảo vệ môi trường...
Ông Chung cũng “cảnh báo” các công ty môi trường đô thị của Hà Nội là từ năm 2021, thành phố sẽ đấu thầu lại, và sẽ chỉ lựa chọn một số ít công ty quy mô lớn, thay vì nhiều công ty nhỏ như hiện nay.
“Các nước đã lắp cả cảm biến trên thùng rác rồi. Bất kể giờ nào, cứ thùng nhấp nháy đầy rác là xe đến đưa đi, tính toán luôn hành trình thế nào để tiết kiệm nhất. Tôi cảnh báo câu chuyện trộn rác thải xây dựng, đất đá vào rác thải sinh hoạt để đổ lên Nam Sơn, tới đây nếu để tình trạng thế này, lên nhà máy xử lý không nhận thì các công ty thu gom phải chịu trách nhiệm. Đề nghị Sở Xây dựng đầu tư toàn bộ hệ thống cân mới, lắp camera theo dõi biển số xe và theo dõi hành trình của xe chở rác xem có dừng chỗ nào tưới thêm nước cho nặng không”, ông Chung chỉ đạo.
Theo ông Chung, từ khi lắp camera, 1 ngày thành phố giảm đi gần 1.000 tấn rác.
Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải cũng được chỉ đạo sớm làm việc với Bộ Giao thông vận tải để có lộ trình kiểm soát ô nhiễm từ phương tiện giao thông, sớm thu hồi xe quá hạn.
Hà Nội cũng sẽ sớm ban hành chế tài xử lý các tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm với định mức xử phạt cao hơn; ban hành đơn giá định mức thu giá xử lý xả thải các làng nghề, hộ kinh doanh... để tránh việc họ thu lợi, nhưng chi phí để cả xã hội gánh.
Cho rằng vấn đề ô nhiễm phải xử lý lâu dài và ngoài khả năng của riêng Hà Nội, ông Chung cũng đề nghị Chính phủ đánh giá lại các cơ sở công nghiệp của các tỉnh lân cận ảnh hưởng thế nào đến môi trường thủ đô.
“Đề nghị có sự vào cuộc của Chính phủ và các tỉnh thành xung quanh, vì nó ngoài thẩm quyền, năng lực của thành phố. Đề nghị các công ty vệ sinh có trách nhiệm với cộng đồng, với thành phố, với người dân. Mỗi nơi chậm một tí, không có trách nhiệm một tí nó đưa đến hậu quả thế này”, Chủ tịch Hà Nội nói, đồng thời cam kết cố gắng sẽ đưa app để người dân phản ánh bức xúc đi vào hoạt động, giao cụ thể trách nhiệm xử lý kiến nghị của người dân, “lấy kết quả làm đầu, không thể trốn tránh trách nhiệm”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.