Hà Nội quá tải đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp

19/06/2020 08:58 GMT+7

Những ngày gần đây, lượng người lao động (NLĐ) đến đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm (TTDVVL) Hà Nội tăng đột biến, có ngày lên tới hơn 1.000 người đến làm thủ tục.

Dậy sớm, xếp hàng lấy số

8 giờ 30 sáng 18.6, bãi gửi xe TTDVVL Hà Nội (số 215 Trung Kính, Q.Cầu Giấy, Hà Nội) đã phải dán thông báo: không còn chỗ gửi xe vì quá tải. Nhiều NLĐ đến muộn phải tìm chỗ gửi ở các bãi xe xung quanh. Trong dòng người đến xếp hàng đăng ký làm thủ tục nhận chế độ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), nhiều người bị mất việc do dịch Covid-19.
Chị Thanh Hiền (ở P.Bạch Đằng, Q.Hai Bà Trưng), cho biết chị đến từ 7 giờ sáng mà số thứ tự đăng ký đã trên 200 người. “Đông lắm, tôi đi lần này là lần thứ 3 nên có kinh nghiệm rồi. Lần trước đến muộn, người ta phát hết số, tôi và một chị đồng nghiệp phải đến điểm giao dịch việc làm ở tận Q.Nam Từ Liêm để làm thủ tục. Mỗi quy trình thủ tục kéo dài 1 - 2 tuần và đến ngày 18.6, tôi mới nhận được kết quả trả hồ sơ”.
Trước khi bị mất việc, chị Hiền là nhân viên điều hành tour tại một công ty du lịch trên phố cổ Hà Nội. Do dịch Covid-19, khách du lịch nước ngoài không vào Việt Nam nên công ty cho nhân viên nghỉ việc.
“Mỗi tháng mất 10 triệu đồng tiền lương, giờ hơn 40 tuổi tìm việc khác cũng khó, đành phải trông chờ vào tiền trợ cấp thất nghiệp sống qua dịch bệnh, hy vọng cuối năm, du lịch hồi phục, khách nước ngoài sớm quay trở lại Việt Nam”.
Anh La Hoàng Nam, nhân viên công nghệ thông tin tại một bệnh viện tư nhân ở Q.Cầu Giấy (Hà Nội), nằm trong đợt cắt giảm nhân sự đầu tiên của bệnh viện này, cũng cho biết: “Tôi xếp hàng lấy số tại TTDVVL Hà Nội từ tháng 5 và được hẹn cuối tháng nộp hồ sơ thất nghiệp, rồi hơn nửa tháng sau mới có kết quả. Trời nắng nóng xếp hàng 2 - 3 tiếng cũng sốt ruột, ai mang đầy đủ giấy tờ còn làm nhanh, nhiều người không đọc kỹ thủ tục, đến lượt thì lại thiếu giấy tờ phải đi lại nhiều lần còn mệt nữa”.

Tăng thêm quầy, mở app phục vụ người lao động

Theo ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc TTDVVL Hà Nội, sau khi dịch Covid-19 tại Việt Nam và cũng như của Hà Nội cơ bản được kiểm soát, khống chế, lượng NLĐ đến đăng ký nhận BHTN hàng ngày, hàng tháng tăng lên đáng kể.
Lý giải về sự gia tăng bất thường này, ông Vũ Quang Thành cho hay: “Bình thường, số NLĐ đến làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp năm sau cao hơn năm trước khoảng 10%, do số người tham gia BHTN gia tăng. Tuy nhiên, năm nay ảnh hưởng của dịch Covid-19, số người đến đăng ký thất nghiệp đông hơn. Cao điểm có những ngày lên tới hơn 1.000 người đến làm thủ tục, lớn nhất từ trước đến nay”.
Theo ông Thành, trong tháng 4 và tháng 5, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến doanh nghiệp chưa rõ ràng, các doanh nghiệp vẫn cố gắng “cầm cự”, nhưng từ tháng 6 trở đi mới là cao điểm NLĐ đến đăng ký, khai báo thất nghiệp. Thậm chí, tình trạng này còn kéo dài đến tháng 8, tháng 9. Trước tình hình nắng nóng, số lượng NLĐ đến tập trung quá đông, ông Thành cho biết: “Trung tâm đã phải tập trung toàn bộ nhân lực để hỗ trợ tốt nhất, nhanh nhất cho NLĐ; mở thêm 15 điểm sàn giao dịch việc làm tại các quận, huyện để tiếp nhận hồ sơ thất nghiệp giúp giảm bớt tình trạng ùn tắc, quá tải tại TTDVVL. Ngoài ra, chúng tôi còn tăng thêm 8 cửa giao dịch thực hiện chính sách hỗ trợ BHTN, mở cửa từ 7 giờ sáng đến 11 giờ 30 để NLĐ đến sớm xếp hàng lấy số. NLĐ được hướng dẫn, phân luồng bằng bảng biểu, sơ đồ làm thủ tục”.
Đặc biệt, theo ông Thành, mới đây, TTDVVL đã thí điểm đăng ký, lấy số online. Khi hết số phát trực tiếp, NLĐ tải ứng dụng để đăng ký thủ tục online. Tuy nhiên, mỗi ngày mới chỉ giải quyết cho 40 lượt.
Ông Thành cho hay, để giúp NLĐ thất nghiệp tìm việc làm sau dịch, các phiên giao dịch việc làm hàng ngày sẽ gắn kết thực hiện chính sách BHTN với hoạt động thông tin thị trường lao động qua các phiên giao dịch việc làm hàng ngày.
“Trong quá trình NLĐ đến khai báo tình trạng thất nghiệp sẽ được tư vấn trực tiếp, nếu có vị trí, công việc phù hợp, sẽ được doanh nghiệp phỏng vấn.Việc này không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm nguồn lao động, mà còn giúp NLĐ có nhu cầu việc làm”, ông Thành nói.
Theo TTDVVL Hà Nội, trong tháng 5, đơn vị này tiếp nhận 11.700 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng gần 41% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 71% so với tháng 5.2018.
Nửa đầu tháng 6, trung tâm nhận hơn gần 5.544 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, số lao động có quyết định hưởng là 6.396 người. Cao điểm có những ngày hơn 1.000 người đến làm thủ tục.
Về độ tuổi, NLĐ đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp nhiều nhất là nữ dưới 35 tuổi (chiếm khoảng 30%), trên 35 tuổi (chiếm 30%); lao động nam dưới 35 tuổi chiếm tỷ lệ 23%, trên 35 tuổi là 22%.
Những ngành nghề có đông lao động đến làm thủ tục hưởng BHTN gồm: nhân viên bán hàng, kỹ thuật điện tử, kế toán, công nhân may mặc, hướng dẫn viên du lịch, kỹ thuật xây dựng…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.