Lượng người khai báo quá đông
Chiều 1.8, dù vào ngày nghỉ, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của TP.Hà Nội tiếp tục tổ chức họp để đánh giá sơ bộ kết quả test nhanh cho số người trở về từ Đà Nẵng.
Đáng chú ý, số lượng người khai báo có yếu tố liên quan đến Đà Nẵng tiếp tục tăng nhanh hơn tất cả dự báo. Tính đến 14 giờ chiều nay, 1.8, toàn Hà Nội đã ghi nhận 72.275 người đi về từ Đà Nẵng từ ngày 8.7 đến nay (tăng thêm 18.507 người so với số rà soát được của ngày 31.7 và tăng gấp hơn 3 lần con số 21.000 của ngày 29.7).
Do số lượng tăng quá lớn so với dự kiến, nên đến nay Hà Nội mới test nhanh cho 49.829 trường hợp (31.370 người được xét nghiệm chỉ trong 2 ngày 31.7 và 1.8) ghi nhận 11 trường hợp có kết quả dương tính.
Sau đó, tất cả các trường hợp dương tính này đều được lấy mẫu xét nghiệm khẳng định bằng kỹ thuật Realtime-PCR, 10/11 trường hợp có kết quả PCR âm tính, còn 1 trường hợp đang chờ kết quả.
127 trường hợp F1 (xác minh thêm được 12 trường hợp là F1 của bệnh nhân số 459 tại Q.Tây Hồ) đã được lấy mẫu xét nghiệm và đưa đi cách ly tập trung, kết quả xét nghiệm toàn bộ 127 mẫu đều âm tính. Đối với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt thì được chuyển đến cách ly điều trị tại các bệnh viện.
Ngoài ra, Hà Nội cũng đã lấy mẫu xét nghiệm Realtime-PCR với 481 trường hợp, trong đó có 366 trường hợp có biểu hiện lâm sàng như ho, sốt, khó thở; đã có kết quả của 424 trường hợp, tất cả đều âm tính, còn lại 57 trường hợp chưa có kết quả.
Ngành Y tế cũng đang tiếp tục thực hiện cách ly chặt chẽ và lấy mẫu xét nghiệm đối với tất cả các trường hợp nhập cảnh vào Hà Nội để chủ động giám sát, phòng chống bệnh Covid-19.
Theo Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) Trương Quang Việt, hiện CDC Hà Nội đã phát cho các quận, huyện suýt soát 70.000 test, cộng với 8.000 test đã cấp ở các trung tâm y tế trước đó, tức là Hà Nội đã sử dụng 78.000 test nhanh trong số 82.000 hiện có trong kho.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn đến trên 20.000 người khai báo trở về từ Đà Nẵng chờ xét nghiệm, nên số test nhanh hiện không đáp ứng đủ.
"Qua kiểm tra một số điểm triển khai xét nghiệm nhanh ở các phường, chúng tôi nhận thấy số lượng người đến đăng ký, ghi tờ khai y tế, xét nghiệm tăng đột biến. Chúng tôi rất chia sẻ với các đồng nghiệp y tế cơ sở, phải làm việc rất vất vả trong những ngày qua, vì số lượng người quá đông, gây áp lực rất lớn", ông Việt nói.
Theo ông Việt, trong 2 - 3 ngày nay, vẫn có người từ Đà Nẵng trở về Hà Nội. Do đó, CDC Hà Nội khuyến cáo người dân tự giám sát y tế, tự cách ly tại nhà. "Chúng tôi vẫn ghi nhận Hà Nội có nguy cơ cao xuất hiện ca bệnh. Hiện nay, ý thức của người dân là quan trọng nhất, vì nhiều ca bệnh không có triệu chứng", ông Việt khuyến cáo.
Báo cáo của lãnh đạo các quận, huyện cũng cho thấy, nếu được cấp đủ test nhanh, trong tối nay, 1.8, nhiều quận sẽ hoàn thành test cho toàn bộ số người trở về từ Đà Nẵng. Đơn cử, Q.Nam Từ Liêm đã xét nghiệm được 3.690 trường hợp.
Tuy nhiên, do số lượng người từ Đà Nẵng về tiếp tục tăng lên, nên Q.Nam Từ Liêm cũng kiến nghị tăng test xét nghiệm để địa phương thực hiện.
Q.Cầu Giấy đã xét nghiệm cho 3.300/3.823 người, còn 523 trường hợp nhưng hết test đã được cấp, đề nghị CDC Hà Nội sớm cung cấp test nhanh.
Q.Tây Hồ có 3.400 trường hợp, đã test 3.187 trường hợp, hiện còn hơn 200 trường hợp đăng ký xét nghiệm tại trụ sở y tế phường, hiện thiếu trên 100 test, mong CDC Hà Nội hỗ trợ để thực hiện trong tối nay.
Các ca bệnh của Hà Nội đều là nhờ người dân tự đi xét nghiệm
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, việc số lượng người từ Đà Nẵng về khai báo tăng vọt, chứng tỏ qua truyền thông, mọi người dân đã có ý thức rất cao về tự rà soát lại, tự giác chấp hành các quy định phòng dịch.
"Ý thức của mọi người đã được nâng lên. 2 ca dương tính phát hiện tại Hà Nội cũng là nhờ tự người dân đến cơ sở y tế xét nghiệm, nên chúng ta xác định truyền thông đến người dân là việc quan trọng nhất hiện nay, bên cạnh đó là xét nghiệm, khoanh vùng", ông Chung nói.
Đánh giá các quận đã làm rất tích cực, ông Chung vẫn đề nghị nâng cao cảnh giác, vì kết quả xét nghiệm nhanh hiện nay mới là kết quả ban đầu, vẫn phải tiếp tục giám sát y tế sau 14 ngày mới đủ yên tâm.
"Tuy vậy, kết quả bước đầu này giúp chúng ta có thêm niềm tin là chúng ta đã làm thần tốc, phát hiện nhanh, cách ly kip thời và xét nghiệm sớm", Chủ tịch UBND TP.Hà Nội nói.
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội chỉ đạo các quận, huyện tiếp tục xét nghiệm nhanh, "cố gắng chỉ xét nghiệm những người nào đi từ vùng dịch về mới test nhanh, vì chúng ta có hơn 80.000 test, đã phát 78.000 rồi". Ông Chung cũng đề nghị Sở Y tế liên hệ Bộ Y tế tiếp nhận số 20.000 test nhanh còn lại để test hết cho các trường hợp về từ Đà Nẵng đã khai báo.
Qua các bài học vừa rồi, ông Chung nhấn mạnh, môi trường bệnh viện vẫn là môi trường nguy hiểm nhất, nên yêu cầu các bệnh viện phải đảm bảo đúng quy trình phòng dịch, phải phân luồng, đeo khẩu trang, khử khuẩn… Các khoa điều trị người có bệnh nền nặng không cho người nhà đi vào quá nhiều.
"Trước khi có dịch, chúng ta làm gì cũng thấy là quá nhiều, nhưng khi dịch xuất hiện rồi, làm gì cũng là quá ít. Để như Đà Nẵng sẽ rất khó kiểm soát. Hà Nội có tỷ lệ người già đông nhất, 19% dân số, cao hơn Ý; có tỷ lệ trẻ em đông nhất, 2,2 triệu học sinh; mật độ dân cư cũng rất đông; giao thông đi lại phức tạp, nên đề nghị mọi người tự làm công tác phòng chống dịch là số 1.
Chúng ta cố gắng phấn đấu không để dịch bệnh lây lan, ngăn chặn thật nhanh, thật kịp thời, phát hiện nhanh chóng tất cả các biểu hiện bất thường. Nếu tốc độ phát sinh mỗi ngày 100 ca thì chỉ mấy ngày là vỡ trận đến y tế. Do đó, đề nghị các đồng chí cố gắng làm cả ngày nghỉ", ông Chung nêu.
Hà Nội vẫn duy trì phố đi bộCũng tại cuộc họp, ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND Q.Hoàn Kiếm cho biết, hiện nay phố đi bộ quanh bờ hồ Hoàn Kiếm vẫn đang được duy trì, nhưng lượng người đến rất ít. Do đó, Q.Hoàn Kiếm xin ý kiến về việc có tạm ngưng hoạt động của phố đi bộ trong thời gian này.
Trả lời kiến nghị của Q.Hoàn Kiếm, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, do diễn biến dịch bệnh, người dân đã giảm đến phố đi bộ. Hiện Hà Nội cũng đã ngừng hoạt động của các quán bar, karaoke, tạm dừng lễ hội và các hoạt động tập trung đông người, nên không cần thiết phải dừng phố đi bộ.
"Để mọi người nhúc nhắc đi bộ cũng vẫn được, tuyên truyền giữ khoảng cách thôi, nhưng tuyệt đối không tổ chức sự kiện quanh bờ hồ", ông Chung yêu cầu.
|
Bình luận (0)