Hà Nội yêu cầu quận, huyện 'chịu hoàn toàn trách nhiệm' sau ồn ào lát đá vỉa hè

11/04/2019 15:45 GMT+7

Sau khi việc lát đá vỉa hè tại hàng trăm tuyến phố ở Hà Nội gây ồn ào, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng đã vừa ký văn bản “nhắc nhở” các quận, huyện “phải chịu hoàn toàn trách nhiệm”.

Theo đó, văn bản nêu rõ “để triển khai tốt, chất lượng, hiệu quả” việc cải tạo, chỉnh trang vỉa hè tại các tuyến phố trên địa bàn TP, UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị cần căn cứ vào điều kiện và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tổ chức khảo sát, đánh giá kỹ hiện trạng, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch xây dựng mới và cải tạo, chỉnh trang vỉa hè các tuyến phố, báo cáo Ban thường vụ quận ủy, huyện ủy, thị ủy để lãnh đạo, chỉ đạo.
Bên cạnh đó, chỉ làm mới vỉa hè các tuyến phố khi đã xuống cấp, chất lượng không đảm bảo và đã đầu tư đồng bộ, ổn định hệ thống hạ tầng kỹ thuật (cây xanh, hạ ngầm đường điện, thông tin liên lạc, chiếu sáng…) và nằm trong kế hoạch đầu tư trung hạn của quận, huyện, thị xã. Trường hợp còn lại chỉ tiến hành chỉnh trang, duy tu, tránh lãng phí. 
Người dân thủ đô vô cùng quan tâm đến việc Hà Nội tiếp tục triển khai lát đá vỉa hè sau "chiến dịch" tai tiếng năm 2017 Ảnh TN
Các quận, huyện chịu hoàn toàn trách nhiệm về kế hoạch, quyết định triển khai và kết quả xây dựng mới, cải tạo chỉnh trang vỉa hè các tuyến phố.
UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu hồ sơ thiết kế, hồ sơ mời thầu các dự án phải nêu rõ và quy định cụ thể từng loại vật liệu, chỉ tiêu kỹ thuật (đặc biệt với đá tự nhiên), khảo sát và thiết kế chi tiết các hạng mục (như bó bồn cây, ga hàm ếch…)
Đồng thời, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ vật liệu lát hè, chỉ đạo tư vấn quản lý dự án, tư vấn giám sát và đơn vị thi công lát hè tuân thủ đúng yêu cầu về quy trình thi công, nghiệm thu. Đối với vật liệu lát hè đã qua sử dụng, còn đảm bảo chất lượng phải có phương án sử dụng lại ở vị trí phù hợp tại các tuyến đường, tuyến phố trên địa bàn.
Công văn do ông Nguyễn Thế Hùng ký cũng nhấn mạnh tới việc lãnh đạo các quận, huyện cần quán triệt nội dung như khối lượng xây lắp hoàn thành phải đảm bảo về kỹ thuật, mỹ thuật mới được tiến hành nghiệm thu. Phải thành lập đoàn kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ trong từng khâu, từng dự án, đảm bảo việc triển khai thực hiện tuân thủ đúng các quy định.
Sở Xây dựng phải có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát việc áp dụng vật liệu lát hè, vỉa hè, kết cấu hè…
Trước đó, “trào lưu” lát đá vỉa hè ồ ạt trên địa bàn Hà Nội đã vấp phải sự phản đối dữ dội của dư luận khi vỉa hè khắp thành phố bị lật lên nham nhở, “vật liệu có độ bền 50 - 70 năm” chỉ dăm bữa, nửa tháng đã vỡ nát.
Khi sự việc diễn biến căng thẳng, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP đã phải yêu các quận, huyện tạm dừng lát đá vỉa hè mới, tiến hành thanh tra và kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý việc “làm sai chủ trương của thành phố”.
Tại thời điểm đó, UBND TP cho biết chủ trương thiết kế hè đường của Hà Nội chỉ triển khai trên các tuyến phố có vỉa hè đã xuống cấp, nhưng các quận huyện đã “hiểu sai nguyên tắc chỉ đạo”, thậm chí có quận có tư tưởng đầu tư tràn lan, thiếu kiểm tra, chọn lọc…
Sau khi thanh tra toàn diện, chính quyền Hà Nội cho biết nhiều quận chưa tổ chức rà soát và kiểm tra hiện trạng vỉa hè đã tiến hành chỉnh trang, như Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân.
Một số quận chấp thuận đầu tư ở những tuyến phố không phải phố cổ hoặc trung tâm quận, hè phố chưa ổn định, như quận Long Biên (2 dự án), quận Hà Đông...
Trách nhiệm những tồn tại trên trước hết thuộc về các đơn vị tư vấn thiết kế lập dự án, đơn vị thẩm tra thiết kế - dự toán, đơn vị thẩm định thiết kế dự án của cơ quan quản lý nhà nước mà trực tiếp là giám đốc ban quản lý dự án các quận đã được điểm danh phía trên.
Đáng chú ý, giá đá áp dụng trong dự toán các dự án chưa thống nhất, nơi thấp nơi cao (giá đá 40x40x4 cm tại quận Nam Từ Liêm tính là 270.000 - 300.000 đồng/m2, nhưng qua đến quận Hà Đông có giá là 410.000 đồng/m2, đặc biệt các dự án ở quận Hoàn Kiếm đá kích thước 40 x 40 x 5 cm có giá 550.000 đồng/m2).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.