Bên cạnh việc đầu tư mạnh cho hạ tầng, tại buổi làm việc về giao thông ngày 4.8, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng chỉ đạo không cấp phép xây dựng cao ốc, khu chung cư khi hệ thống hạ tầng giao thông tại khu vực không đảm bảo, nhằm tránh ùn tắc giao thông ngày càng tăng.
Thực tế thời gian qua ở TP nở rộ các dự án “ăn” theo hạ tầng. Đơn cử dọc tuyến metro, tuyến cao tốc, xa lộ Hà Nội, những tuyến đường dự phóng, các tuyến sẽ mở rộng lộ giới... dự án mọc lên như nấm.
tin liên quan
Khổ như… kẹt xe ở TP.HCMTình trạng kẹt xe trên địa bàn TP.HCM đã đến mức đỉnh điểm trong khoảng 1 tháng gần đây. Ùn ứ, quá tải giao thông không chỉ ở các khu vực trung tâm mà đã lan khắp nơi.
Thậm chí có những tuyến đường rất nhỏ như đường Phổ Quang (Q.Tân Bình), đường Ung Văn Khiêm (Q.Bình Thạnh) dù rất nhỏ, nhưng chung cư mọc lên dày đặc để đón đầu việc con đường này được quy hoạch mở rộng...
Đây là những điển hình của việc cấp phép tràn lan, cấp phép theo quy hoạch hạ tầng, chứ không phải theo thực tế hạ tầng đô thị. Hay có doanh nghiệp (DN) được hỗ trợ làm dự án xây dựng lại Bệnh viện Sài Gòn (Q.1), nhưng bệnh viện đó lại được di dời, nên khu vực bệnh viện hiện hữu được DN phát triển dự án bất động sản (BĐS). Như vậy chủ trương di dời bệnh viện, trường học ra ngoại thành của TP đã không được thực hiện mà còn dồn dân thêm vào khu vực nội đô. Chính những điều này đã gây áp lực lớn lên hạ tầng đô thị, từ giao thông, trường học, bệnh viện...
Xây ở nơi hạ tầng quá tải phải đóng phí
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết hiện các hồ sơ xin cấp phép xây dựng đều có thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, trong đó có việc xin đấu nối hệ thống giao thông. Những hồ sơ này đã được Sở GTVT cho ý kiến về đấu nối hạ tầng, nếu đảm bảo sẽ được cấp phép xây dựng ngay. Thời gian tới việc cấp phép xây dựng phải phối hợp thống nhất, đồng bộ giữa kế hoạch, chương trình chỉnh trang phát triển đô thị và chương trình giảm ùn tắc giao thông của TP. Chỉ nơi nào hạ tầng đảm bảo mới được cấp phép.
Tiêu chí xét chỗ nào giao thông đạt tiêu chuẩn, giao thông không đạt sẽ dựa trên chỉ tiêu bao nhiêu người trên mỗi mét vuông hạ tầng. “Những tiêu chí này bên giao thông đã có chuẩn, khi DN nộp hồ sơ, chúng tôi có trách nhiệm liên hệ với các sở ngành khác để lấy ý kiến”, ông Tuấn nói.
KTS Ngô Viết Nam Sơn cho biết nguyên tắc quản lý đô thị thế giới là hạ tầng đi trước đô thị. Nếu chỗ nào hạ tầng không đảm bảo thì không cấp phép, nhưng nếu DN vẫn muốn xây dựng nơi đó thì họ phải đóng góp tiền để làm hạ tầng đáp ứng cho nhu cầu người dân tại dự án đó. “Lấy lý do phát triển mà xâm phạm quyền lợi của người dân là không ổn. Do đó, muốn làm dự án ở những nơi hạ tầng quá tải trong khi nhà nước chưa đủ nguồn lực để đầu tư, DN phải nâng cấp hạ tầng hoặc có thể làm mới. Nếu không DN có thể đóng tiền cho nhà nước làm thay”, KTS Sơn nói.
Cùng quan điểm trên, KTS Trương Tuấn cũng đề nghị cần quy định nếu xây ở khu hạ tầng quá tải, khu trung tâm phải đóng phí thì DN chắc chắn sẽ chọn vùng nào đó đất rộng người thưa mà làm.
“Tôi làm việc ở Mỹ, mật độ xây dựng ở từng ô đất có sẵn, căn cứ vào đó cơ quan chức năng cấp phép. Khi mật độ xây dựng ở đó đủ rồi thì ngưng cấp phép. Khi nào hạ tầng được nâng cấp, đầu tư thêm mới cấp phép trở lại. Đó là quản lý theo nguyên tắc hạ tầng đi trước, đô thị đi sau trong khi quy hoạch của mình bị thị trường dẫn dắt. Xây dựng của TP.HCM hay Hà Nội không theo quy hoạch toàn theo đuôi, đi xử lý hậu quả do DN gây ra.
Doanh nghiệp bất động sản lo lắng
Khẳng định BĐS phát triển là tất yếu trong quá trình đô thị hóa nhưng không thể làm quá tải hệ thống hạ tầng, gây kẹt xe, ngập nước... ảnh hưởng đến người dân và bắt nhà nước phải đi xử lý hệ lụy đó. Tuy nhiên, theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, đối với các dự án đã làm xong hồ sơ, chỉ chờ thủ tục cấp phép xây dựng thì TP vẫn phải tiếp tục cấp phép. Bởi làm đến bước này DN đã mất rất nhiều thời gian và tiền bạc.
Tương tự, lãnh đạo một công ty BĐS có dự án tại khu nội đô TP vô cùng lo lắng trước những thông tin trên, bởi dự án công ty ông đã làm hồ sơ từ mấy năm nay, hiện trong giai đoạn chờ giấy phép xây dựng. Con đường nơi dự án của công ty được quy hoạch mở rộng lên 30 m, nhưng hiện vẫn chưa mở rộng, nâng cấp và thường xuyên xảy ra kẹt xe.
“Không biết những dự án đã làm các thủ tục về pháp lý, chỉ chờ ra giấy phép xây dựng nữa là triển khai có bị dừng lại hay không? TP có chủ trương như vậy thì cũng phải quy định khu vực nào được xem là giao thông không đảm bảo, tiêu chí cụ thể để DN biết mà né”, vị này băn khoăn. Đây cũng là nỗi lo của rất nhiều DN BĐS đang chờ cấp phép xây dựng.
Theo KTS Trương Tuấn, TP.HCM nên đưa ra danh sách khu vực nào cấm xây dựng cho đến khi nâng cấp hạ tầng và những khu vực khuyến khích xây dựng nhà cao tầng, với các chính sách ưu đãi đầu tư, thu hút vốn. Như vậy vừa đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư, vừa phát triển được đô thị theo quy hoạch.
Bình luận (0)